Doanh nghiệp xuất khẩu xoay trở trong khó khăn

(ĐTTCO) - Thiếu đơn hàng đang ám ảnh nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhất là với các nhóm ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ… Tình hình này được dự báo kéo dài ít nhất trong quý I-2023. Các DN đang phải nỗ lực xoay trở trong muôn vàn khó khăn. 

Doanh nghiệp xuất khẩu xoay trở trong khó khăn
Đơn hàng sụt giảm mạnh
Những ngày qua thông tin Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM), DN chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 lao động từ ngày 1-12, đã thu hút nhiều sự quan tâm.
Lý do Tỷ Hùng đưa ra là đối tác nhập khẩu bị thiệt hại bởi tình hình kinh tế đã không ký kết đơn hàng. Dù rất nỗ lực nhưng DN không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch nên buộc phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị liên quan. 
Chia sẻ cùng ĐTTC về chuyện thiếu đơn hàng, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày -túi xách Việt Nam, cho biết tình hình ngành da giày 2 tháng cuối năm hết sức khó khăn. Đơn hàng sụt giảm 30-40%, thậm chí có nhà máy sụt giảm hơn 50%.
Nguyên nhân do các nước nhập khẩu chính của da giày Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine… khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu như da giày. 
Thị trường chính bị ảnh hưởng liệu có chuyển hướng thị trường trong lúc khó khăn này? Câu trả lời của ông Trung là rất khó vì nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi lạm phát và xung đột, không chỉ riêng Mỹ, châu Âu…
Còn thị trường trong nước quá nhỏ, sức mua cũng yếu nên DN không biết xoay trở như thế nào. Theo ông Trung năm nay ngành da giày khó đạt được mục tiêu xuất khẩu như kỳ vọng, dù đã có 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá tốt. 
Tương tự, dệt may đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết từ quý III đơn hàng đã bắt đầu sụt giảm mạnh 20-30%.
Đặc biệt, các DN quy mô lớn, trong đó có DN FDI đang bị tác động mạnh buộc phải cắt giảm lao động. Còn các DN quy mô nhỏ và vừa đang xoay trở bằng cách không tăng ca, giảm giờ làm. Không ít DN chấp nhận đơn hàng rẻ miễn sao duy trì được sản xuất, có việc làm cho người lao động. 
Xuất khẩu đồ gỗ cũng là nhóm ngành nằm trong trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm. Tại hội nghị giao ban DN ngành gỗ ở Đồng Nai mới đây, một số DN cho biết thiếu đơn hàng nên phải sản xuất cầm chừng và sẽ cho công nhân nghỉ tết 1 tháng. Hiện 2 thị trường lớn của ngành gỗ là Mỹ và châu Âu đang cắt giảm mạnh chi tiêu cho mặt hàng gỗ, nên đơn hàng của các DN sụt giảm mạnh có nơi lên tới hơn 50%. 
Thiếu đơn hàng trầm trọng trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm có lẽ là điều hiếm xảy ra với các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ trong những năm gần đây. Theo kết quả khảo sát hơn 400 DN sản xuất ở Việt Nam của S&P Global được HS Markit công bố hồi đầu tháng 11, tình hình không mấy khả quan khi số lượng đơn hàng mới tăng yếu nhất trong hơn 1 năm qua, từ đó sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng chậm hơn. 
Khó khăn bủa vây
Thời điểm này mọi năm, các DN xuất khẩu không chỉ đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của các thị trường lớn, mà thường đều đã nhận đơn hàng cho quý I năm sau, thậm chí có đơn hàng đến hết quý II. Nhưng năm nay dệt may, da giày đều chung nhận định quý I-2023 vẫn còn khó khăn về đơn hàng vì chính các khách hàng cũng đã cảnh báo với DN về thực trạng này.
Các DN chỉ còn biết kỳ vọng tình hình kinh tế thế giới sớm phục hồi, đơn hàng mới được cải thiện, DN mới dễ thở hơn. 
Thiếu đơn hàng không phải là tất cả khó khăn DN đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Chí Trung cho biết để giải quyết những khó khăn trước mắt và chuẩn bị cho sản xuất của năm sau, DN đang rất mong muốn được tiếp cận vốn vay. Thế nhưng hoặc không vay được vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng, hoặc vay được nhưng với lãi suất quá cao.
Nói về chuyện vốn vay, hồi đầu tháng 11 Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo các khó khăn vướng mắc tác động tới sản xuất kinh doanh của DN thủy sản cuối năm 2022 và 2023. VASEP cho biết khi bước vào quý IV, các DN thủy sản đã đối mặt với việc cắt giảm hạn mức tín dụng của các NHTM.
Cụ thể, từ giữa năm 2022 đến nay, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với DN thủy sản, mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới giải ngân được 60-80%. Việc này khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Ngành gỗ mới đây cũng “kêu cứu” vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo công văn Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) gửi Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay các DN xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các DN có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn như DN dăm, ván bóc/ván ép, viên nén, đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là trong khâu hoàn thuế VAT.
Viforest nhấn mạnh, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các DN đang bị suy giảm nghiêm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm DN đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. 
Ước tính, lượng thuế VAT các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN chưa được hoàn thuế. Có DN có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều DN 40-50 tỷ đồng. 
  Thiếu đơn hàng, khó vay vốn, những bất hợp lý trong hoàn thuế VAT… đang khiến nhiều DN xuất khẩu gặp khó trong những tháng cuối năm và cả năm sau.

Các tin khác