Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong sản xuất phục hồi để đủ nguồn nguyên liệu

(ĐTTCO)- Thời điểm này là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ngành gỗ thực hiện các đơn hàng cuối năm xuất khẩu đi những thị trường Mỹ hoặc Liên minh châu Âu nhưng nguồn nguyên liệu đang là vấn đề được quan tâm.
Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán.
Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán.

Xác định thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai phương án phục hồi để tận dụng cơ hội từ thị trường.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này, dịch Covid-19 cơ bản dần được kiểm soát, nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán so với 3 tháng trước và đây là tín hiệu rất tích cực để ngành lấy lại đà tăng trưởng.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, một số doanh nghiệp đầu tư thêm về máy móc để không bỏ lỡ và đáp ứng tốt các đơn hàng của Liên minh châu Âu, nhờ đó kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu đã tăng gần 30% so với thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình phục hồi hiệu quả doanh nghiệp gỗ vẫn rất cần sự tiếp sức.

“Các doanh nghiệp ở phía Nam, đặc biệt là tại TP.HCM là phải khôi phục sản xuất ít nhất 40%, mới đáp ứng được cơ bản cung ứng vật tư nguyên liệu cho cả nước trong đó có doanh nghiệp ở Bình Định. Lộ trình đến tháng 11 - 12, nếu Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM chấp nhận sống chung với dịch thì lực lượng lao động ở cả các công ty đi làm trở lại sẽ đạt khoảng 50 - 60%” - ông Lê Minh Thiện nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản TP.HCM vẫn băn khoăn, từ nay cuối năm dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường, mục tiêu xuất khẩu lâm sản khó đạt được giá trị 14,5 tỷ USD trong năm nay. Ngăn chặn đà suy giảm này trong những tháng tới cần có những giải pháp để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp nỗ lực vượt qua những khó khăn của đại dịch làm sao có đủ nguồn vốn để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới” - ông Nguyễn Quốc Khanh nêu ý kiến.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong sản xuất phục hồi, để đủ nguồn nguyên liệu
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong sản xuất phục hồi, để đủ nguồn nguyên liệu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường có nhu cầu lớn đối với đồ gỗ Việt Nam đã kiểm soát và phục hồi sản xuất như: Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới lại cách quản lý, quản trị thích ứng với dịch Covid-19.

“Sống chung với dịch Covid-19 phải có những mô hình sản xuất thích ứng với dịch. Theo đó kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố là các doanh nghiệp tham gia tự mua xét nghiệm vừa giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước nhưng vừa chủ động trong các doanh nghiệp, bởi vì ở đây là doanh nghiệp có quy mô lớn theo chuỗi qua đó giảm được sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Tiếp nữa là quản trị sản xuất “3 tại chỗ” làm sao mà tiết kiệm chi phí ở mức hợp lý nhất. Hiệp hội cũng sẽ cùng với Bộ họp bàn với các Hiệp hội, các doanh nghiệp logistic giải quyết về giá tàu biển vận chuyển. Đây là vấn đề cốt lõi trong đảm bảo lưu thông để tránh bị gián đoạn trong bối cảnh này.

Trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là sớm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. Đây là giải pháp bền vững giúp ngành gỗ lấy lại nhịp độ sản xuất bình thường.

Hiệp hội cũng đề nghị các địa phương cần linh hoạt cho phép doanh nghiệp tự động lựa chọn phương thức sản xuất “2 tại chỗ” hay “3 tại chỗ”. Trong 1 hay 2 năm tới, bên cạnh việc giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thì cũng cần có lộ trình giảm cước phí vận tải biển và khuyến khích hình thức vận tải để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn.

Các tin khác