Doanh nghiệp phải chấp nhận “thay máu”

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions, cho rằng khó nhất của DN hiện nay không phải là vốn mà là khách hàng và thị trường. 
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Những DN quá khó về vốn cũng đồng nghĩa mô hình của họ không còn hiệu quả trong giai đoạn hiện tại, nhất là khi dịch Covid-19 chỉ giảm, chưa qua đi và không ai đảm bảo năm 2022 không có những khó khăn như 2 năm qua. 
PHÓNG VIÊN: - Đợt dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh đến hầu hết DN, và một trong những khó khăn DN phải đối mặt là vốn trong khi không dễ tiếp cận các gói hỗ trợ. Theo ông, DN cần có những thay đổi như thế nào để tồn tại trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ dịch Covid?
Ông TRẦN BẰNG VIỆT: - Theo tôi khi hỗ trợ ưu tiên chọn những DN khỏe, có khả năng vươn lên, sẽ góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại nguồn lợi cho xã hội nhiều hơn. Cần nhìn thẳng vào vấn đề, đa phần DN cạn vốn là DN yếu hoặc làm trong những ngành nghề có mô hình cũ (thâm dụng vốn, lao động), dù dịch có xảy ra hay không mô hình ấy sẽ dần không còn hiệu quả trong tương lai.
Chúng ta đang hướng tới cuộc CMCN 4.0 không thể mãi hô hào tuyên dương những mô hình thâm dụng vốn và lao động. Theo thuyết tiến hóa của nền kinh tế, DN nào có mô hình phù hợp, linh hoạt, nhạy bén sẽ thành công. 
Như tôi đã nói, cái khó nhất DN gặp hiện nay không phải là vốn mà là khách hàng và thị trường. Để giải bài toán này, DN cần nhìn vào lĩnh vực hoạt động và năng lực cốt lõi của mình. Bước đầu tiên phải quan sát xem những đối tượng khách hàng (cá nhân hoặc DN) của mình trong mùa dịch đã có những thay đổi như thế nào, có những nhu cầu nào cần đáp ứng mà cách thức làm việc hiện tại, chưa làm họ đủ thỏa mãn. Từ đó, chủ động bổ sung về công nghệ, phương pháp, nhân lực… để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. 
Một thí dụ dễ thấy là các nhà hàng mở cửa trở lại sau đợt dịch vẫn khá vắng vẻ, vì khách hàng còn e ngại dịch bệnh hay cảm thấy chi phí ăn uống quá cao. Chưa kể, với nhiều người sau 4 tháng dịch nấu nướng cũng là một niềm vui. Như vậy khách sẽ ít có nhu cầu ăn nhà hàng hơn. Song nếu chịu quan sát sẽ thấy nhiều người thích nấu ăn nhưng ngại tìm tòi và sơ chế nguyên liệu. Và đây chính là ngách cho những nhà hàng nhạy bén phục vụ cho khách hàng.
Như vậy những DN nhạy bén sẽ thành công, còn lại không ít DN luôn cảm thấy khó khăn và chia tay thị trường. Đó là điểm chúng ta không thể dùng tiền hỗ trợ cho những DN làm ăn không hiệu quả nữa, tiền đó hãy để giúp những DN có khả năng vươn lên, chiếm lĩnh thị trường. 
Doanh nghiệp phải chấp nhận “thay máu” ảnh 1
- Như vậy dịch đã mang đến cơ hội để DN chuyển mình, thực hiện nhiều thay đổi mà trước đây sẽ cần thời gian rất lâu? 
- Điều này là rõ ràng. Trước hết, về cách thức làm việc, dịch đã khiến mọi người quen với việc làm ở nhà, học từ xa, như vậy tiết kiệm rất nhiều chi phí. Chưa kể khi phải làm từ xa, trao đổi công việc với nhau, quy trình tin học hóa và mức độ chuyên nghiệp của DN cũng cao hơn nhiều lần, năng suất lao động về trung và dài hạn sẽ tăng lên đáng kể. Đó là chuyển biến tốt. 
Thứ hai, trước dịch có thể thấy việc kinh doanh dường như khá dễ dàng, nhiều khi chỉ cần mở cửa hàng kinh doanh cũng có thể mang về lợi nhuận nếu chịu làm. Nhưng việc này không thực sự mang lại hiệu quả cao cho xã hội, thậm chí gây lãng phí khi năng suất lao động quá thấp. Khi dịch đến buộc DN phải xoay trở, DN nào có những mô hình tốn nhiều chi phí (mặt bằng, vốn, nhân lực…) phải thay đổi.
Mô hình nào tốn ít mặt bằng, ít hàng tồn kho, ít vốn và cần ít nhân lực hơn sẽ là những tiêu chí DN muốn tồn tại. Và khi DN làm hiệu quả hơn chỉ 5% so với chính họ trước đây, nền kinh tế sẽ có những tăng trưởng tích cực hơn. 
Thứ ba, dịch đã khiến người lao động phải nhìn lại mình, chuẩn bị cho mình năng lực làm việc hiện đại, chuyên nghiệp hơn. Trước đây người chủ DN có thể nể nang nhân viên cũ gắn bó lâu dài mà bỏ qua tính hiệu quả, nhưng trong lúc khó hiện nay đòi hỏi nhân viên phải hướng đến giá trị thực sự.
Để có giá trị phải có năng lực, chịu khó học hỏi, trau dồi, và như vậy về lâu dài năng suất chung của xã hội sẽ tăng lên. Dịch khiến dễ bị tổn thương nhưng cũng giúp họ cảnh tỉnh để đầu tư hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn, nhờ đó chúng ta có nền kinh tế năng động, cạnh tranh hơn. 
- Nhiều ý kiến cho rằng khả năng thích ứng của DN Việt Nam rất tốt và dù 2022 được đánh giá còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng dự báo DN vẫn có thể tìm ra giải pháp, thúc đẩy DN chuyển đổi số mạnh mẽ? 
- Thực tế rất khó để dự báo, nhưng tôi nghĩ nền kinh tế sẽ phẳng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn như vậy là điều tích cực. Còn với một số DN phải ra đi vì mô hình không hiệu quả, không phù hợp sẽ được thay thế bằng những DN mới. Những câu chuyện khởi nghiệp, những thương vụ mua bán sáp nhập sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Ở góc độ nào đó sự thay đổi này sẽ là cách “tiếp máu” mới cho nền kinh tế, vì người mới sẽ có tư duy và có cách làm mới và hiệu quả. 
Về việc chuyển đổi số hiện nay vẫn mang tính phong trào nhiều, nhưng dịch cũng là cú hích để thúc đẩy quá trình này nhanh chóng. Song cũng cần nhấn mạnh sự thành công trong chuyển đổi số không phải dành cho tất cả DN, nó còn phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động, quy mô, tư duy của người lãnh đạo và các cá nhân ở mỗi DN. 
- Xin cảm ơn ông.
 Chúng ta đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể mãi hô hào tuyên dương những mô hình thâm dụng vốn và lao động. 

Các tin khác