Để doanh nghiệp nội phát triển như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Để doanh nghiệp (DN) nội địa phát triển thực sự, cần tạo sự cộng hưởng giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội địa; tạo liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa. Đồng thời, đã đến lúc cần có chiến lược thúc đẩy DN làm chủ công nghệ, tự sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Kích cầu người dân mua sắm góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp
Kích cầu người dân mua sắm góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp
Tạo sự cộng hưởng 
Mục tiêu thu hút vốn FDI là nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu ngân sách nói chung. Quan trọng hơn hết là kỳ vọng vào sự có mặt của các DN FDI sẽ giúp DN nội địa có thêm cơ hội hợp tác làm ăn, tiếp cận cách làm mang tư duy toàn cầu để trưởng thành ngay trên mảnh đất của mình và vươn ra thị trường toàn cầu; tạo ra động lực cho DN nội địa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong những khâu có giá trị gia tăng cao. 
Để thu hút FDI, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ pháp lý đã được ban hành. Tuy nhiên, những chính sách này lại tạo ra sự tác động “chèn lấn” của khu vực FDI đối với DN nội địa, chưa tạo sự cộng hưởng phát triển như mong đợi. Thực tế cho thấy, lĩnh vực nào có DN FDI tham gia nhiều, thì DN nội địa ngày càng thu hẹp hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
DN FDI đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu, DN nội địa chỉ xuất khẩu trong các lĩnh vực ít có sự tham gia của FDI. Sản xuất thay thế nhập khẩu chưa có sự chuyển biến rõ nét, hay nói một cách thẳng thắn là các DN FDI không chú trọng chuyển giao và DN nội địa chưa học hỏi được nhiều về công nghệ từ DN FDI, phần lớn máy móc thiết bị, nguyên liệu, linh kiện đầu vào vẫn chủ yếu nhập khẩu. Nếu tiếp tục như vậy, DN nội địa khó có thể tự sản xuất được các sản phẩm thay thế, tham gia vào chuỗi giá trị. 
Cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tạo ra sự bình đẳng với DN nội địa. Theo đó, cần bãi bỏ tất cả chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng và triển khai có hiệu quả các biện pháp chống chuyển giá. Cần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, kết nối hạ tầng, nhân lực, hệ thống cung ứng, dịch vụ công, logistics…, giúp DN thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Kinh nghiệm thu hút FDI ở nhiều quốc gia cho thấy, yếu tố quyết định lựa chọn đầu tư của FDI là môi trường kinh doanh hội đủ các yếu tố về kết nối hạ tầng, nhân lực, nhà cung ứng, sự năng động của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong đầu tư. Khi tạo ra môi trường làm ăn hấp dẫn thì tự khắc FDI sẽ đến. 
Để tạo được sự cộng hưởng giữa DN FDI với DN nội địa, cần có chính sách thúc đẩy các DN FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các DN nội địa. Đồng thời thực hiện các chính sách trợ giúp DN nội địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… để có thể liên kết với DN FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. 
Liên kết
Hiện nay, các DN nội địa đang hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kết để tạo lợi thế theo quy mô lớn. DN lớn trong nước chưa thể hiện vai trò rõ nét trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam về dẫn dắt thị trường, công nghệ, vốn, lao động và hạ tầng sản xuất.
Các DN lớn cũng chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, chưa đủ năng lực để lựa chọn DN nhỏ và vừa có đủ điều kiện để hợp tác bao tiêu sản phẩm. Do vậy, mối quan hệ giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa trong cùng ngành chẳng những không bổ sung, hỗ trợ cho nhau, mà trái lại còn cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. 
Để thúc đẩy liên kết DN, cần nâng cao vai trò dẫn dắt của DN lớn. DN lớn tích cực nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, phát triển hệ thống cung ứng đảm bảo tính ổn định nguồn cung ứng đầu vào. Khi đó, hệ thống cung ứng phụ trợ của các DN nhỏ và vừa tự khắc sẽ hình thành. Quá trình đó cần có sự định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện từ chính sách của chính phủ.
Trước hết, trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia cần định hướng rõ vai trò của DN lớn liên kết với DN nhỏ và vừa trong từng nhóm ngành công nghiệp ưu tiên. Cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để hàng năm đánh giá, bổ sung danh sách các DN giữ vai trò dẫn dắt, từ đó có những chính sách phát triển riêng. Mọi quyết sách liên quan đến phát triển công nghiệp của ngành được thực hiện chủ yếu bởi DN lớn dẫn dắt DN nhỏ và vừa cùng thực hiện. Song song đó, các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN phải theo hướng ưu tiên các hoạt động có sự liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa. 
Kích cầu 
Khi DN nội địa gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu, họ kỳ vọng được tiếp cận các dự án đầu tư công của chính phủ. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như đường bộ, đường sắt, đường biển, bến cảng, sân bay, hạ tầng viễn thông…
Việc đầu tư các công trình này sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn giúp DN phát triển. Mặc dù vậy, phần lớn đối tượng được hưởng lại là các DN FDI. Bên cạnh đó, thời gian qua, cơ chế chính sách phát triển DN rất nhiều nhưng không phát huy được hiệu ứng do thiếu tính cụ thể, thiếu cân nhắc đến tính khả thi liên quan đến điều kiện tiếp cận, thiếu sự tư vấn cho DN, chưa thật sự kiến tạo cơ hội cho DN nội địa. 
Để thúc đẩy DN trong nước phát triển, cần các chương trình kích cầu thông qua hoạt động đầu tư công. Cần tạo điều kiện để DN nội địa tham gia các công trình xây dựng đường bộ, đường sắt, đường biển, bến cảng, sân bay, hạ tầng viễn thông… Cùng với đó, cần tạo cơ hội phát triển kinh doanh ra bên ngoài, trợ giúp DN nội địa thâm nhập vào thị trường quốc tế. Đã đến lúc cần có chiến lược thúc đẩy DN Việt Nam đầu tư cho công nghệ, làm chủ được công nghệ hiện đại, tự sản xuất các sản phẩm thay thế và cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Cuối cùng là xác lập quyền sở hữu tài sản để tạo vốn kinh doanh cho DN. Cần tạo lập và đa dạng các kênh huy động vốn, công cụ huy động vốn cho DN. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm cơ chế xác lập quyền sở hữu tài sản (kể cả động sản và bất động sản) để DN có thể cầm cố, thế chấp, tạo vốn kinh doanh.
 Chính phủ và chính quyền địa phương không đơn thuần chỉ quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong nền kinh tế, mà cần kiến tạo cơ hội để thúc đẩy DN hoạt động có hiệu quả. Tạo cơ hội không chỉ ở mức độ ban hành và quản lý thực thi chính sách, mà cần có những chương trình kích thích đầu tư và đồng hành cùng DN nội trong 
mọi hoạt động.

Các tin khác