CEO Saigon Coop: Thời gian qua ngành bán lẻ đã 'chạy với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm'

(ĐTTCO) - Trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Coop từ offline đến online đều quá tải, nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị này đang gồng mình chịu lãi âm.
Nghịch lý khi khách hàng dồn về siêu thị mua sắm, thì doanh nghiệp lại cho biết phải chịu lãi âm.
Nghịch lý khi khách hàng dồn về siêu thị mua sắm, thì doanh nghiệp lại cho biết phải chịu lãi âm.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Coop, tại phần hai (Open Talks 2) của chuỗi hội thảo Vietnam CEO Forum với chủ đề "Đâu là trận cuối?". 
Ông Đức nói ngành bán lẻ thường bị nhầm là không thể chết, dù có rủi ro. Nhưng trên thực tế, thương mại hiện đại chỉ đóng 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại sẽ gồng gánh. 
Trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải, nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt...
Ông Đức cho rằng thời gian qua ngành bán lẻ - dịch vụ đã "chạy với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm". Chỉ thị của chính quyền thay đổi hàng ngày nên đòi hỏi doanh nghiệp cần phải biết cách "lấy hơi", điều đó ảnh hưởng đến "lá phổi" của doanh nghiệp. Các nhà bán lẻ phải tìm giải pháp để hài hòa, giữ nhịp thở thấp nhưng thở đều. 
Cũng chính vì phải chạy quá nhanh nên sau thời gian giãn cách sẽ có những khó khăn mà các nhà bán lẻ như Saigon Coop phải đối mặt.
Theo CEO Saigon Coop, chúng ta thường nói về nguy và cơ trong giai đoạn vừa qua, có thể mọi người nhìn vào sẽ nói thời gian qua Saigon Coop bán được nhiều, và thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai. Đó là tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp cũng ghi nhận sự tích cực đó, nhưng nó dẫn đến một số rủi ro cho tương lai.

"Như tôi đã nói, thời gian qua Saigon Coop phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách. Đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", Tổng Giám đốc Saigon Coop bày tỏ.

Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng nếu ngành bán lẻ như Saigon Coop phải chạy với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm, thì ngành hàng không - du lịch của Viettravel lại rơi vào thế trận dừng đột ngôt. 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói vui rằng, nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân của Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO. Ông nhận định nhận định ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung đang “đóng băng”, có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước.
Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vaccine có hiệu quả. Tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn. Họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.
Với hàng không, ông nhận định phải đến tháng 6-2024 thì mới quay trở lại được như giai đoạn 2018-2019, với điều kiện phải được nối lại các đường bay quốc tế.
Trước câu hỏi Covid có phải là trận cuối, các doanh nghiệp đều cho rằng những biến cố luôn là những trận cuối nối tiếp nhau. Nhưng tinh thần của doanh nhân là không ngừng chiến đấu, và qua mỗi khó khăn lại học hỏi được nhiều hơn lên. 

Vietnam CEO Forum | Open Talks tiếp tục có những buổi thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề mang tính thực tế đưa tới hành động. Hai tuần tiếp theo sẽ diễn ra Open Talks 3: “Mặt trời ló dạng ở đâu?” đồng hành với cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam. 

Các tin khác