CEO Apple lần đầu tiên phải hầu toà

(ĐTTCO) - Tim Cook từng phải trả lời các câu hỏi từ Quốc hội về sức mạnh thị trường của Apple, và giờ ông phải đối mặt với vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề đó tại toà án.

Vị CEO của hãng sản xuất iPhone sẽ phải trình diện vào sáng thứ Sáu, khi phiên toà chống độc quyền cao cấp của công ty với Epic Games đang dần đi tới hồi kết.

Trung tâm của vụ kiện tụng dài hơi này là Fortnite, một trò chơi điện tử nổi tiếng do Epic sản xuất đã bị loại bỏ khỏi App Store của Apple vào hè năm ngoái vì đã vi phạm các quy tắc của Apple về thanh toán kỹ thuật số do đã tự ý thành lập một hệ thống thanh toán của riêng họ.

Apple nhận về 30% giá trị các giao dịch mua hàng trong ứng dụng trên các thiết bị iOS và không cho phép sử dụng các hệ thống thanh toán thay thế khác. Việc Fortnite bị gỡ khỏi App Store đã khiến công ty Epic đâm đơn kiện Apple.

Chèn ép nhà phát triển

Epic cáo buộc Apple có hành vi kiểm soát độc quyền trên “hệ sinh thái" của hệ điều hành iOS, với việc các nhà sản xuất ứng dụng buộc phải tuân theo những hạn chế nghiêm ngặt của nó nếu họ muốn tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng iPhone và iPad. Apple cũng phản biện rằng có một số nơi khác mà người dùng có thể mua các ứng dụng và tiền hoa hồng của chúng giúp công ty làm cho thiết bị của mình tốt hơn an toàn hơn.

CEO Apple lần đầu tiên phải hầu toà ảnh 1 CEO có lần hầu tòa đầu tiên kể từ khi nắm quyền tại Apple. Ảnh: Getty.
Một số giám đốc điều hành của cả hai bên cũng đã đứng ra làm chứng, bao gồm Craig Federighi, phó chủ tịch cấp cao về mảng kỹ thuật phần mềm của Apple và Phil Schiller – cựu giám đốc tiếp thị của Apple, hiện đảm nhận vai trò mới là Apple Fellow. Cả hai đều đã được tòa án triệu tập vào đầu tuần này.
CEO của Epic Games, ông Tim Sweeney là nhân chứng đầu tiên trong phiên toà kéo dài gần ba tuần và dự kiến kết thúc vào thứ Hai.

Tim Cook và Apple đang đứng trước rất nhiều nguy cơ rình rập không chỉ riêng một vụ kiện đình đám này. Lời khai của ông Cook vào hôm thứ Sáu, có khả năng sẽ khơi mào cho cuộc chiến chống lại áp lực chống độc quyền ngày càng gia tăng mà họ đang phải đối mặt. Những “Frenemy” (ý chỉ vừa là bạn bè, vừa là kẻ thù) khác như Spotify và Match Group, chủ sở hữu của Tinder, đều đã cáo buộc hành vi hạn chế cạnh tranh của Apple.

Thậm chí các cơ quan pháp lý ở một số quốc gia bao gồm Mỹ và Vương quốc Anh cũng đã tiến hành các cuộc điều tra về những quy định của Apple.

Mặc dù đã đưa ra nhiều lời biện hộ trước Quốc hội và nhiều lần xuất hiện trước công chúng, cũng như các cuộc phỏng vấn, ông Cook dường như vẫn đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày hầu toà. Theo báo cáo từ Wall Street Journal, ông đã trải qua nhiều giờ thẩm vấn giả với các cựu công tố viên, để mô phỏng những gì mà ông có thể phải đối mặt trong phiên toà.

Herbert Hovenkap, giáo sư nghiên cứu pháp lý và đạo đức kinh doanh tại Wharton School of Business thuộc đại học Pennsylvaina, cho biết: “Điều đáng sợ đối với Epic chính là việc Tim Cook là một nhân chứng hết sức thuyết phục. Ông ấy đang làm những gì mà ông ấy được trả lương để làm, đó là đưa vụ kiện của Apple ra công khai với công chúng.”

Theo danh sách các nhân chứng được trình lên toà án, ông Cook sẽ nói về “Các giá trị doanh nghiệp; các hoạt động kinh doanh của Apple, cũng như sự phát triển và ra mắt App Store; việc cạnh tranh mà Apple phải đối mặt.”

Một đại diện của Apple cho biết ông Cook có thể sẽ chia sẻ nhiều hơn từ quan điểm cá nhân ông về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư – những vấn đề trước đây ông thường chỉ trích các công ty - và tầm quan trọng của chúng đối với triết lý sản phẩm của Apple.

Hoa hồng đi kèm chất lượng

Ông Cook dự kiến tổng hợp lại và củng cố các lập luận mà các luật sư, chuyên gia và giám đốc điều hành khác của Apple đã đưa ra trong suốt phiên toà – rằng App Store của iPhone không phải là thương hiệu độc quyền.

Công ty cho rằng khoản hoa hồng 30% mà họ nhận được thông qua các giao dịch mua hàng trong ứng dụng không phải là một khoản thu bất hợp pháp, mà là để giúp cho các thiết bị của Apple tốt hơn, an toàn hơn giống như việc họ quản lý chặt chẽ các ứng dụng trên thiết bị Apple.

CEO Apple lần đầu tiên phải hầu toà ảnh 2 Vụ kiện giữa Apple và Epic sẽ quyết định tương lai mối quan hệ giữa các nhà phát triển ứng dụng và Táo khuyết. Ảnh: Cnet.
Trong lời khai của mình, Schiller nhấn mạnh đến số tiền Apple đã chi cho việc nghiên cứu và phát triển – ước tính khoảng 100 tỷ USD trong 15 năm qua – để thực hiện cải tiến sản phẩm mà các nhà phát triển đang hưởng lợi từ nó. Ông cũng tìm cách chống lại những nỗ lực cáo buộc của Epic, về việc Apple là một nhà độc quyền.

Công ty Epic Games cho biết Apple đang buộc các nhà phát triển phải chơi theo luật lệ hà khắc của họ, như chỉ được sử dụng App Store và các phương tiện thanh toán mua hàng trong ứng dụng, nếu muốn tiếp cận với thị trường hơn một tỷ người dùng iPhone và iPad. (Michael Schmid, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh trò chơi của Apple cho App Store tiết lộ trong phiên toà, rằng Apple đã kiếm được hơn 100 triệu USD tiền hoa hồng từ Fortnite.)

Schiller còn liệt kê ra một loạt đối thủ cạnh tranh với Apple như: Google, Samsung, Motorola, Huawei và thậm chí là cả các máy chơi game như PlayStation của Sony, Xbox của Microsoft và Switch của Nintendo. Apple cho rằng nhiều công ty trong số đó cũng lấy 30% tiền hoa hồng và có những hạn chế tương tự đối với các ứng dụng từ bên ngoài.

"Vẫn còn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong việc phân phối các ứng dụng chứ không chỉ riêng Apple”, ông nói thêm.

Federighi, giám đốc phần mềm của công ty, nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của các biện pháp bảo mật an ninh của Apple đối với hệ điều hành iOS trên các thiết bị di động của họ. Ông thậm chí còn chỉ trích nặng nề hệ điều hành máy tính MacOS của công ty trong phiên toà.

Không giống như điện thoại iPhone, laptop Macbook cho phép sử dụng và tải xuống các ứng dụng từ bên ngoài, một quá trình được gọi là “side-loading”.

Epic đã nhiều lần chỉ ra và kêu gọi Apple mô phỏng cách tiếp cận này với các thiết bị di động của hãng. Tuy nhiên, các luật sư và giám đốc điều hành của Apple cho rằng iPhone cần phải được bảo mật hơn, vì nguy cơ thiết bị có thể bị lợi dụng lỗ hổng bảo mật và khai thác là rất lớn, nhất là khi điện thoại thông minh thường chứa nhiều dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người dùng hơn so với các thiết bị khác như máy tính, laptop...

“Nếu bạn sử dụng các kỹ thuật bảo mật của Mac và áp dụng chúng vào hệ sinh thái iOS, với ngần ấy thiết bị và giá trị của nó, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì đã xảy ra trên Mac”, ông Federighi nói. “Chúng tôi giờ có một đống phần mềm độc hại trên Mac, điều còn tệ hơn nhiều so với iOS. Thật không thể chấp nhận được!”.

Florian Ederer, một giáo sư kinh tế tại Yale School of Management, cho rằng Cook sẽ bám sát các lập luận trước đó của mình. Ông nói: “Rất khó để có thêm bất kỳ thông tin hoặc lập luận mới nào từ lời khai của vị CEO này mà vẫn chưa được thẩm phán chú ý đến".

“Về cơ bản, việc Cook phải hầu toà là bước đi tốt nhất của Apple để thể hiện với thẩm phán rằng họ đang xem xét sự việc này một cách hoàn toàn nghiêm túc. Nếu có thêm bất kỳ mục đích nào khác, có lẽ đó chính là sự thể hiện tôn trọng của Cook nói riêng và Apple nói chung đối với quá trình kiện tụng dài hơi này”, Ederer chia sẻ thêm.

Các tin khác