“Bão giá” khiến doanh nghiệp “hụt hơi”

(ĐTTCO) - Những biến động của thị trường thế giới và lạm phát có dấu hiệu tăng trên toàn cầu, đã khiến giá của nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất cũng tăng theo, trong khi đó các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có những độ trễ nhất định đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước chưa thể lấy lại được đà phục hồi.
"Bão giá" rồi đây sẽ đến từng cửa hàng, siêu thị vào trong bàn ăn từng gia đình.
"Bão giá" rồi đây sẽ đến từng cửa hàng, siêu thị vào trong bàn ăn từng gia đình.
Hoạt động cầm chừng, lợi nhuận giảm
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số tăng trưởng nói trên cũng chưa thể xem là chỉ dấu của sản xuất đã phục hồi, do quý I-2021 là thời điểm nền kinh tế đang tê liệt vì dịch Covid-19.
Thực tế hiện nay cho thấy, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ đang là khó khăn mà nhiều DN sản xuất công nghiệp gặp phải, đã tác động tới kế hoạch phát triển, lợi nhuận của các DN.
Số liệu báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, có đến gần 89% tổng kim ngạch là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, đã vậy do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng mạnh, trong đó kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 123% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than, xăng dầu các loại tăng 146,9%, dầu thô tăng 63,7%, khí đốt hóa lỏng tăng 62,7%...
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác là đầu vào cần thiết cũng tăng mạnh, như sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 30,3%, hóa chất tăng 29,3%, sản phẩm hóa chất tăng 26,71%, phân bón tăng 73,3% (riêng nhập khẩu mặt hàng phân ure đã tăng tới 267%), cao su các loại tăng 34%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 20,8%...
Giá nguyên nhiên liệu đầu vào (phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu) tăng cao đã khiến nhiều DN sản xuất trong nước gặp khó khăn. Đơn cử như nhóm các DN ngành gỗ, lâu nay vẫn được xem là một trong những ngành tăng trưởng ổn định, giờ đây nhiều DN cũng đang phải tính đến giải pháp cơ cấu lại sản xuất, thậm chí tạm dừng hoạt động.
Con số thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%.
Hay như ngay cả với các DN của nhóm ngành công nghiệp điện tử, vốn lâu nay được đánh giá là có nhiều lợi thế để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như Samsung, Intel, Apple, Canon, LG, Foxconn... nhưng hiện nay có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chỉ khoảng 5-10%.
Trong khi đó, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Những biến động của tình hình kinh tế và địa chính trị trên thế giới thời gian qua đã khiến chuỗi cung ứng cho ngành bị đứt gẫy, khiến nhiều DN lao đao tìm nguồn cung thay thế.
Không chỉ với ngành điện tử, thời gian vừa qua cũng là giai đoạn thử thách sức chịu đựng của nhiều DN, nhà thầu xây dựng trước áp lực tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào, không chỉ giá sắt thép tăng cao (khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại nguyên vật liệu như xi măng, cát, đá, nhôm, kính đều đang “leo thang”, đã khiến nhiều DN, nhà thầu xây dựng lao đao.
Đến thời điểm này, giá thép xây dựng dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Còn tính riêng từ đầu năm 2022, các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công.
Tình trạng đối mặt với “bão giá” cũng xảy ra với hầu hết các DN thuộc nhóm ngành khác như dịch vụ, giải khát, nông nghiệp…

Khẩn trương hiện thực hóa gói hỗ trợ đến DN
Nhìn nhận từ góc độ phân tích dữ liệu, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, phân tích: “Các báo cáo của quý I-2022 đưa ra số liệu và khi nhận định về các nhóm ngành sản xuất đều nói là tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tôi cho là chưa hợp lý và không phản ánh đúng bản chất. Chúng ta so với cùng kỳ năm trước là năm nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều DN gần như đóng băng. Để so sánh và nhận định chính xác xem DN đã lấy được đà phục hồi và trở lại bình thường hay chưa, phải so với cùng kỳ của năm 2019 là thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra”.
Theo ông Thuân, một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Chẳng hạn một số ngành có sự hồi phục rất chậm như hàng không và du lịch quốc tế, xây dựng và vật liệu. Khắc phục tình trạng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đang tăng và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.
Ngành bất động sản vẫn gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn, do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng, đây là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi. Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng để giúp các DN lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Và phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và DN.
Đến thời điểm hiện nay đã có một số hỗ trợ đã được thực thi như giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô… nhưng cũng còn nhiều hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa, như hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng…
 Chúng ta so sánh sự tăng trưởng với cùng kỳ năm trước là chưa hợp lý, bởi đây là năm nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều DN gần như đóng băng.

Các tin khác