Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa chuyển hồ sơ 76 doanh nghiệp trốn đóng BHXH của người lao động sang Công an TPHCM, đề nghị xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 216 – Bộ Luật Hình sự. 76 doanh nghiệp đã thu tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp về cơ quan BHXH TPHCM với tổng số tiền gần 154 tỷ đồng.
Trước đó, các doanh nghiệp đã bị thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về việc nợ, trốn đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH với số tiền “khủng” như: Công ty cổ phần dược phẩm Pha No trốn đóng hơn 15,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Descon trốn đóng gần 14 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà đất Cotec trốn đóng 8,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần TV TM DV địa ốc Hoàng Quân trốn đóng BHXH gần 10,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Tân Kỷ trốn đóng BHXH gần 7,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần bao bì nhựa Sài Gòn trốn đóng 7,1 tỷ đồng…
Công nhân một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn TPHCM rơi vào cảnh lao đao vì doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH
Trong danh sách trốn đóng BHXH, xuất hiện nhiều nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Sau khi BHXH TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, đã có 35 đơn vị đóng tiền khắc phục với số tiền gần 28 tỷ đồng.
BHXH TPHCM cho biết, theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế; Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ Luật Hình sự), thay vì chỉ xử lý pháp nhân doanh nghiệp thì từ ngày 1-9-2019, các cá nhân là chủ doanh nghiệp có các hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ bị xử lý hình sự.
Điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, trốn đóng BHXH từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng cho 200 người trở lên thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Từ khoá :
Các tin, bài viết khác
-
Ứng dụng lệnh vận chuyển điện tử nhằm hạn chế xe dù, bến cóc
-
Doanh nghiệp lữ hành nên quan tâm hơn đến thị trường ngách
-
Kido quay lại với bánh trung thu, đặt tham vọng Top 2
-
Yêu cầu xử lý dứt điểm 2 dự án Đạm Ninh Bình và đóng tàu Dung Quất
-
Kinh doanh thiếu hiệu quả, VRG chuẩn bị tái cơ cấu
-
Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc
-
Vietjet khuyến mãi 88% giá vé cho 888.888 vé bay nội địa và quốc tế
-
Vietjet đồng hành cùng chương trình đón Lễ hội Thành Tuyên
-
Bảo hiểm BSH top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2022
-
Phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn để gạo Việt thành công tại EU