Đánh thuế nhà ở: Cần chuẩn bị kỹ càng trước khi ban hành

(ĐTTCO) - Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo “Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024” của Quốc hội là xây dựng Luật thuế Bất động sản (BĐS) chung, thay thế cho Luật sử dụng đất nông nghiệp và Luật sử dụng đất phi nông nghiệp.
Luật Thuế BĐS ra đời sẽ đánh thuế cao những người đầu cơ BĐS rồi để hoang hóa.
Luật Thuế BĐS ra đời sẽ đánh thuế cao những người đầu cơ BĐS rồi để hoang hóa.

Luật thuế Bất động sản dự kiến thông qua năm 2025 sẽ tách riêng nhà, đất để đánh thuế và áp thuế suất cao hơn với nhà đất bỏ không. GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã có trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông thế nào về Luật thuế BĐS dự kiến thông qua năm 2025 sẽ tách riêng nhà, đất để đánh thuế và áp thuế suất cao hơn với nhà đất bỏ không?

GS. TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ: - Thuế BĐS, thuế nhà ở nếu được thông qua phải giữ nguyên tắc không phải tăng thuế trên tài sản mà là cải cách thuế trên tài sản. Tức thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở, nên nội dung của luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao. Đồng thời cần tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Do đó, các nội dung cụ thể như thuế suất, ngưỡng chịu thuế… càng phải bàn thảo kỹ lưỡng khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mới.

Riêng đối với thuế nhà ở, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, song ở Việt Nam tôi cho rằng chưa thể thực hiện vào thời điểm này. Bởi hai lý do: Một là mức sống và thu nhập của người dân chưa thực sự cao, nên việc đánh thuế nhà dễ dẫn đến gánh nặng đè lên người dân, bào mòn nguồn lực sản xuất.

Hai là hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở của nước ta vẫn chưa kiện toàn. Bởi chúng ta nói đánh thuế nhà ở, song thử đặt ngược lại vấn đề là việc quản lý nhà ở của ta hiện nay ra sao? Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa quản lý tốt vấn đề nhà ở thì làm sao có thể phân loại để mà tính đánh thuế? Do đó cần phải có thêm thời gian, có lộ trình.

- Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo lần này là câu chuyện thu thuế người sử dụng nhiều BĐS, đặc biệt là BĐS bỏ hoang. Điều này tác động như thế nào đến thị trường BĐS nói chung?

- Vấn đề thu thuế người có nhiều BĐS không phải bây giờ mới được đưa ra, trước đây cũng đã được đề cập trong Nghị quyết 19 năm 2012, nhưng trong suốt thời gian đó nhiều lần Bộ Tài chính đề xuất mà không được chấp thuận. Bởi mỗi lần đề cập đến vấn đề này lại khó đưa vào áp dụng thực tiễn, vì các cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng thiếu chủ trương để thực hiện.

Điều này thể hiện các cơ quan nhà nước không thực hiện tốt Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương trong suốt 10 năm qua, khi không nghiên cứu những vấn đề chi tiết để áp dụng đúng, đủ và có cơ sở. Nếu thực hiện tốt những lần Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu đưa thành chủ trương và ban hành luật thuế đã sớm ổn định thị trường.

Theo tôi, quy định trong dự thảo này cũng có đôi chút tích cực khi nhấn mạnh thêm việc ban hành luật thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là đề cập đến việc đánh thuế cao đối với người có nhiều BĐS, người đầu cơ không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa.

Mặt khác cần có ưu đãi thuế với các trường hợp thuộc nhóm yếu thế và dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương có trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực. Dễ nhận thấy trong Nghị quyết 18 có đề cập cụ thể hơn làm cho động lực xây dựng luật thuế rõ ràng và mang tính khả thi hơn.

- Như ông nói ở trên, việc thu thuế nhà ở cần có lộ trình và chọn thời điểm thích hợp, cụ thể là khi nào?

- Trước kia Việt Nam cũng đã từng áp dụng chính sách này. Vào năm 1991, nước ta từng áp thuế với nhà, đất với mức thuế 0,3-0,4% giá trị. Nhưng tới năm 1992 lại bỏ thuế nhà mà chỉ thu thuế đất. Năm 2010 tiếp tục thay đổi, khi số thu thuế với đất phi nông nghiệp vượt hạn mức. Tới năm 2018 tiếp tục đặt vấn đề thu thuế với cả nhà và tài sản trên đất.

Do đó, giờ nếu thu cả thuế nhà và đất cũng phù hợp thực tế. Nhưng vấn đề là phải minh bạch, công khai, phải phân loại và quản lý rõ ràng, tránh trường hợp thuế, phí chồng chéo lên nhau.

Thực ra chúng ta đã đề cập vấn đề thu thuế này nhiều lần và cũng có nhiều bài học kinh nghiệm ở những bối cảnh nhất định, vì vậy đây là thời điểm rất thích hợp để áp dụng thuế nhà và tài sản. Thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03%, trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1-1,5%. Với cách đánh thuế nhà và tài sản như thế giới đang làm giúp ngân sách có được nguồn đóng góp từ mọi người dân.

Như tôi đã nói, nguyên tắc không phải tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế tài sản. Tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở, vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao. Đây được coi là giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà. Trong đó có việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế BĐS.

Xây dựng luật thuế BĐS không phải trong ngày một ngày hai là có thể thực hiện được. Điều trước mắt là phải tập trung nghiên cứu hình thành nên chủ trương, quy định về thời gian áp dụng và lộ trình này cần gắn với quá trình xây dựng hệ thống hành chính số. Hiện nay việc thu thuế vẫn còn rất thủ công nên cần tiến tới xây dựng hệ thống quản lý số, mới thu đúng thu đủ và cần có lộ trình cụ thể.

- Xin cảm ơn ông.

Với thuế nhà ở chưa thể thực hiện vào thời điểm này do mức sống và thu nhập của người dân chưa thực sự cao. Bên cạnh hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở của nước ta vẫn chưa kiện toàn thì làm sao có thể phân loại để mà tính đánh thuế. Do đó cần phải có thêm thời gian, có lộ trình.

Các tin khác