Đằng sau bức tranh tài chính lãi - lỗ của FDI?

(ĐTTCO) - Vừa qua, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng hợp cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Theo đó, bức tranh tài chính lãi - lỗ của các DN FDI lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận.
Lotte Việt Nam, một thương hiệu mà hầu hết người dân Việt Nam đều biết, liên tục mở rộng và cũng liên tục báo lỗ.
Lotte Việt Nam, một thương hiệu mà hầu hết người dân Việt Nam đều biết, liên tục mở rộng và cũng liên tục báo lỗ.

Nghịch lý tổng tài sản tăng nhưng báo lỗ cũng tăng?

Tính đến ngày 31-12-2021, tổng tài sản của các DN FDI là 8.857.187 tỷ đồng (tăng 13,1% so với năm 2020), vốn chủ sở hữu 3.640.866 tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm 2020), trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu 2.549.558 tỷ đồng (tăng 12,3% so với năm 2020), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 944.468 tỷ đồng (tăng 8,8% so với năm 2020).

Như vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DN FDI năm 2021 có sự tăng trưởng: doanh thu đạt 8.567.847 tỷ đồng (tăng 19,3% so với năm 2020), lợi nhuận sau thuế 83.585 tỷ đồng (tăng 29,6% so với năm 2020). Số nộp ngân sách nhà nước cũng có sự tăng trưởng, từ 164.339 tỷ đồng năm 2020 tăng lên mức 179.630 tỷ đồng năm 2021.

Báo cáo cũng nêu rõ, 5 lĩnh vực có quy mô tăng trưởng lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (621.525 tỷ đồng); hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (133.295 tỷ đồng); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (68.348 tỷ đồng); bán buôn và bán lẻ (58.092 tỷ đồng); vận tải kho bãi (35.848 tỷ đồng).

Theo đó, giá trị tài sản lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gấp hơn 4,5 lần so với lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, và gấp các lĩnh vực khác từ 9 lần trở lên. Về tốc độ tăng trưởng, lĩnh vực vận tải kho bãi dẫn đầu là 34,9%, tiếp đến là hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ là 30,6%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 23,8%.

Các DN FDI tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố lớn, có trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao như TPHCM với 1.739.622 tỷ đồng, Hà Nội với 916.846 tỷ đồng, Bình Dương 687.674 tỷ đồng, Hải Phòng 533.641 tỷ đồng...

Nhưng đáng chú ý, trong năm 2021 số DN báo lỗ lên đến 14.293 DN, chiếm 55% tổng số DN FDI, tăng 11% so với năm 2020 với số lỗ 168.334 tỷ đồng. Lũy kế số DN báo lỗ là 16.258 DN, chiếm 62% tổng số DN FDI, tăng 8% so với năm 2020 với số lỗ lên đến 706.146 tỷ đồng. Số DN lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 DN, chiếm 17% tổng số DN FDI, tăng 15% so với năm 2020 với giá trị 162.233 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020, cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các DN FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ cần phải thu hút FDI có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng FDI khi vào Việt Nam.

DN “khủng” chỉ nộp ngân sách… 2 tỷ đồng/năm

Bộ Tài chính lựa chọn một số DN để phân tích chi tiết nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ. Đối với lĩnh vực vận tải kho bãi, dẫn thí dụ kết quả tài chính của Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam với khoản lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng (đến cuối năm 2021), dẫn đến âm vốn chủ 4.500 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty không đảm bảo chi trả khoản nợ, tiềm ẩn rủi ro thanh toán ngắn hạn.

Hay như Công ty TNHH Longwell, là một trong những đại diện cho nhóm DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Năm 2021, Longwell tăng 1.072 tỷ đồng vốn điều lệ (tương đương tăng 32,9%) so với năm 2020. Và mặc dù doanh thu năm 2021 tăng tới 8 lần so với 2020, nhưng lỗ sau thuế tới 240 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách nhà nước của công ty này chỉ vỏn vẹn… 2 tỷ đồng. Góp mặt trong danh sách DN FDI liên tiếp thua lỗ còn có CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam. DN này lỗ do tập trung đầu tư vào hệ thống cửa hàng bán lẻ với quy mô lớn.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI:

Đến lúc phải chọn FDI có chất lượng

Qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. So với năm 1991, thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện, thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong khu vực FDI cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Ước tính giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.

Thế nhưng, hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề bất cập. Theo báo cáo của cơ quan thuế, tình trạng một số DN FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam vẫn còn tồn tại. Một số DN chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội.

Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009, là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt. Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm, giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án FDI kém chất lượng gây ra.

Các tin khác