Cứu chợ nổi đang “chìm”

(ĐTTCO) - Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) nổi tiếng và lớn nhất vùng ĐBSCL đã và tồn tại hơn 100 năm qua. Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ - kênh Xáng Xà No, rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh, TP lân cận và cả vùng ĐBSCL. Nhưng thật đáng buồn là hiện nay nhiều du khách đến và nhận xét “chợ nổi đang có dấu hiệu chìm dần”.
Cứu chợ nổi không thể phục hồi theo kiểu cũ mà phải có tư duy và tầm nhìn mới theo phong cách hiện đại. Trong ảnh: Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao.
Cứu chợ nổi không thể phục hồi theo kiểu cũ mà phải có tư duy và tầm nhìn mới theo phong cách hiện đại. Trong ảnh: Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao.

Chợ nổi Cái Răng nức tiếng trong và ngoài nước, ai đến miền Tây đều ghé thăm khu chợ này, người nước ngoài rất thích chợ nổi mang đặc trưng sông nước Nam bộ này. Vào thời cực thịnh, từ 4 giờ sáng có đến 500-700 thuyền lớn nhỏ tập trung về đây làm huyên náo cả một vùng.

Chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới bởi “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Đáng buồn, biểu tượng ấn tượng nhất của du lịch xứ Cửu Long giang này đang “chìm” dần và có nguy cơ “chìm” hẳn trong khoảng 5-10 năm nữa, nếu không có giải pháp và tầm nhìn mới. Chợ nổi vẫn còn nhưng thưa thớt thuyền, trái cây không phải là loại ngon và phong phú nữa. Du khách than phiền mua trái cây ngoài thuyền đắt và dở hơn trong chợ, nên nhiều người không còn háo hức nữa.

TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hội thảo cấp TP và cấp quận, mời không ít chuyên gia đến tư vấn, nhưng kết quả không như mong đợi. Trước nguy cơ đó, năm 2016 UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng, trong đó khoảng 10 tỷ đồng từ ngân sách TP, còn lại là nguồn xã hội hóa.

Đến nay, phần ngân sách nhà nước đã giải ngân gần 100% cho các hạng mục như bố trí phao phân luồng giao thông, thu gom rác thải, xây dựng cầu tàu tạm, truyền thông quảng bá du lịch hàng năm… Riêng nguồn xã hội hóa hầu như không đáng kể.

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhìn nhận: “Thương hồ là linh hồn, là những người làm nên chợ nổi. Muốn giữ chợ trước hết phải giữ được thương hồ”. Đây cũng là quan điểm chung của lãnh đạo TP Cần Thơ, nhưng có lẽ chính quan điểm này là khởi nguồn của sự bế tắc.

Bởi mong muốn khôi phục lại nguyên bản cảnh nhộn nhịp của hàng trăm tàu, thuyền, ghe buôn bán trái cây, rau củ, gạo, hải sản cùng tụ về một khúc sông cùng thời điểm là điều không khả thi, và nếu cố làm cho được vô cùng tốn kém và nhanh chết yểu. Đó là kịch bản duy ý chí, phi tự nhiên. Kể cả ý tưởng kêu gọi các thương hồ ra buôn bán ngã ba sông, chính quyền sẽ bù lỗ cũng không phải là kế sách lâu dài.

Từ sau 1990, hệ thống đường bộ ở ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, phủ kín hầu khắp các xã, huyện, giao thông thủy giảm hẳn. Việc vận tải hành khách, hàng hóa bằng tàu thuyền dần được thay thế bằng xe tải, xe khách với khối lượng lớn, tốc độ cao, khoảng cách xa và cơ động. Kiểu sinh sống bám lấy kênh rạch bị thay thế kiểu sống bám lấy mặt lộ. Nhà ở từ chỗ quay mặt ra sông, kênh rạch nay quay ra đường, và di chuyển từ nơi này qua nơi khác bằng xe máy thay cho ghe, thuyền.

Hơn nữa, khi điện thoại di động phủ kín, việc mua hàng online và giao hàng tận nơi trở thành chuyện thường ngày. Thực tế cho thấy hầu hết thương hồ bỏ sông nước lên bờ làm ăn, mua xe hơi chạy hàng. Nền kinh tế sông nước mang đặc tính tự cung, tự cấp, tự nhiên về cơ bản đã hoàn thành vai trò lịch sử.

Trong bối cảnh như thế, xây dựng kịch bản cho các thương hồ sẽ không bền vững. Bằng chứng là ở chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang có nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn để mua hàng chục ghe xuồng nhằm khôi phục chợ , nhưng rốt cục không ai muốn xuống sông để bán hàng, khi có người bán lại không có ai tới mua, thế là kế hoạch phá sản.

Tại hội nghị “Mekong connect 2022” đã có nhận định xác đáng, là tình trạng tour du lịch ở các tỉnh ĐBSCL đều na ná nhau như đi thuyền, lên cù lao, xem làm kẹo, bánh tráng thủ công, vào vườn ăn cây trái, ăn cá lóc nướng, nghe đờn ca tài tử… Khi sản phẩm du lịch nghèo nàn, việc khôi phục đặc sản chợ nổi là nên và cần, nhưng phải theo hướng khác biệt với cái cũ và độc đáo hơn. Một trong số đó là cần tính đến xây dựng chợ nổi phục vụ cho du khách.

Theo đó, tàu, thuyền và mọi hoạt động quanh chợ nổi là công cụ phục vụ du khách, không phải hoạt động buôn bán của tàu, thuyền là trung tâm, còn du khách đến xem như là thành phần thêm vào. Đồng thời chợ nổi không chỉ là hoạt động tàu, thuyền trên sông nước, còn cả trên bờ.

Hình dung không gian sẽ diễn ra với 3 lớp như sau. Lớp 1 là bờ sông, lớp 2 là cặp bờ sông và lớp 3 là giữa sông. Khu vực này là tổ hợp các công trình cố định trên bờ và nổi trên mặt nước như khách sạn, nhà hàng, quán xá, cửa hàng bán thực phẩm, đồ lưu niệm, quán cà phê, casino, sân khấu dành cho biểu diễn ca nhạc, thời trang... Các thuyền cố định kết thành mảng và các thuyền di động chở khách du ngoạn trên sông cùng với công viên, vườn hoa trên bờ sông.

Để thực hiện các mô hình này không nhất thiết phải làm ở địa điểm cũ, có thể tìm các khúc sông hẹp hơn, con nước êm hơn và không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Mô hình này đã thực hiện thành công ở Thái Lan hơn 30 năm về trước. Hiện Thái Lan có 12 chợ nổi hoạt động 24/24 và trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch quốc tế. Các chợ nổi của Thái Lan, Malaysia đóng góp rất lớn vào doanh thu của ngành du lịch.

Ở miền Tây có 6 chợ nổi, bao gồm: Chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng, chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang, chợ nổi Long Xuyên - An Giang, chợ nổi Trà Ôn - Vĩnh Long và chợ nổi Cái Răng. Nếu được đầu tư đúng mức, có chiến lược phát triển đúng hướng và đặc biệt là tìm ra những điểm độc đáo mang tính bản địa khác với các chợ nổi của Thái Lan, các chợ nổi này sẽ lại trở thành nơi hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Các tin khác