Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới

(ĐTTCO) - Từ những thiết bị có thể gập lại đến mạng phủ sóng 5G, những năm vừa qua là giai đoạn phát triển mới và thú vị trong lĩnh vực công nghệ điện thoại thông minh. Liệu sẽ còn có những thay đổi nào đối với diện mạo của một chiếc điện thoại trong thập niên tới?
Màn hình gập
Trong khi nhiều người muốn màn hình điện thoại ngày càng lớn hơn, cũng có rất nhiều người tìm kiếm chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn và mang một chút dáng vẻ hoài cổ. Trong thập niên tới, rất có khả năng điện thoại màn hình gập sẽ quay trở lại mạnh mẽ, Thomas Griffin, thành viên của Hội đồng Công nghệ Forbes nói.
Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới ảnh 1
Kiểu dáng điện thoại này được cho ra mắt lần đầu tiên trước công chúng vào năm 2019, với những thiết bị như Samsung Galaxy Fold và Motorola Razr, và ngày càng phổ biến trong giới công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giá thành là rào cản lớn nhất để thiết kế mới mẻ này đến gần hơn với người tiêu dùng. 

Điện thoại dạng module
Với mong muốn thiết kế một chiếc điện thoại có thể tháo rời nhiều bộ phận để gia tăng sự linh động, ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã có nhiều lần đưa ra ý tưởng điện thoại dạng module (xếp hình), nhưng hết lần này đến lần khác đều thất bại.
Năm 2015, trong khi những hãng công nghệ khác chạy đua để cho ra đời những chiếc điện thoại thông minh ngày càng mỏng, Google lại tập trung vào một dự án khác, gọi là Project Ara. 
Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới ảnh 2
Trước đó, vào năm 2013, với tham vọng biến chiếc điện thoại thành một hình khối có thể tháo lắp dễ dàng, tùy ý người dùng, Dave Hakkens, nhà thiết kế Hà Lan, đã đưa ra ý tưởng Phoneblocks. Vào thời điểm đó, thiết bị này nhận được sự quan tâm khá lớn bởi tính linh hoạt và độc đáo của nó. Người dùng có thể chọn những tính năng quan trọng mà họ muốn (camera, đồng hồ, ghi âm…) và có thể bổ sung, thay thế tùy theo nhu cầu.
Theo các chuyên gia, thiết kế lắp ghép rời này có khả năng sẽ quay lại trong thời gian tới, vì người dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu sử dụng dạng module, khi cần nâng cấp hay làm mới, người dùng chỉ cần gỡ ra và mua linh kiện khác thay thế.

Kính thông minh
Dự đoán được nhiều chuyên gia ủng hộ nhất khi nói về chân dung chiếc điện thoại thông minh trong thập kỷ tới là: Điện thoại cầm tay sẽ biến mất, và thay vào đó là những cặp kính thông minh.
Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới ảnh 3
Google Glass là một trong những sản phẩm đầu tiên nằm trong xu hướng phát triển này, được ra mắt vào năm 2013. Google Glass là thiết bị công nghệ được phát triển bởi Google, nhắm đến việc hiển thị thông tin như trên điện thoại thông minh ở chế độ rảnh tay. Tuy nhiên, vì ngoại hình thô sơ và có phần kỳ lạ, sản phẩm không được nhiều người đón nhận.
Meta, công ty mẹ mới được đổi tên của Facebook, đang trên con đường nghiên cứu xu thế phát triển kính thông minh AR, VR. Mark Zukerberg hồi đầu tháng này đã khẳng định sẽ chi hàng tỷ USD để xây dựng metaverse (vũ trụ ảo).
Kết nối “không chạm”
Theo The Verge, với tầm nhìn khoa học viễn tưởng nhất, trong 10 năm tới, điện thoại sẽ không còn là thứ chúng ta mang theo bên mình, bởi vì nó có thể ở khắp mọi nơi: Mỗi căn phòng trong nhà sẽ đều có loa thông minh, đèn bàn, màn hình tivi, hay thậm chí có thể là bất cứ thứ gì, miễn là chúng được kết nối wifi. Công nghệ điều khiển bằng giọng nói sẽ được phát huy tối đa, và người dùng có thể ra lệnh cho bất kỳ đồ đạc nào trong nhà của mình.
Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới ảnh 4
Ủng hộ xu thế “không chạm”, Luke Wallace, một thành viên của Hội đồng Công nghệ Forbes, cho rằng trong tương lai rất có khả năng người dùng sẽ không cần đến màn hình cảm ứng nữa. “Thay vào đó, họ sử dụng giao diện không chạm, có thể là giọng nói, hoặc bằng những chuyển động cơ thể, hoặc thậm chí là một thiết bị Internet vạn vật (IoT)”.
Lúc này, điện thoại sẽ không cần làm tất cả nhiệm vụ nữa, mà chỉ đóng vai trò như một bộ não, kết nối tất cả những thiết bị xung quanh lại với nhau, do đó có thể “tạo ra được một thứ gì đó lớn hơn khả năng hoạt động của từng bộ phận riêng rẽ”. 

Các tin khác