Còn bao nhiêu doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá trên 10 tỷ USD?

(ĐTTCO) - Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận kỷ lục 5 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đợt lao dốc của VN Index trong năm vừa qua khiến cho số doanh nghiệp có vốn hoá “khủng” giảm mạnh.
Còn bao nhiêu doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá trên 10 tỷ USD?

Bản tin thị trường tháng 12-2022 vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của TTCK Việt Nam trong năm vừa qua.

VN Index giảm 32,78%

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, VN Index đạt 1.007,09 điểm, giảm 3,94% so với tháng 11 và giảm 32,78% so với cuối năm 2021. Các chỉ số còn lại cũng suy giảm như: VNAllshare đạt 970,65 điểm, giảm 2,24% so với tháng 11 và giảm 37,83% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.005,19 điểm, giảm 4,20% so với tháng 11 và giảm 34,55% so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngành ghi nhận mức tăng được thể hiện tại các chỉ số: ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,37%, ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 6,23%, ngành tài chính (VNFIN) tăng 2,39%.

Ngược lại, các ngành giảm điểm gồm: ngành bất động sản (VNREAL) giảm 14,3%, ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 6,09%, ngành công nghiệp (VNIND) giảm 2,13%.

Thanh khoản thị trường CP tháng 12 ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 807,29 triệu CP và 14.078 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23,05% về giá trị bình quân so với tháng 11.

Tổng khối lượng CP giao dịch trong tháng đạt 17,76 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 309.816 tỷ đồng, tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23,06% về giá trị bình quân so với tháng 11.

Thanh khoản giảm hơn 21%

Thanh khoản thị trường CP trong năm 2022 với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 653,96 triệu đơn vị và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,3% về khối lượng và 21,24% về giá trị so với bình quân phiên năm 2021.

Đối với giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW). Trong tháng cuối cùng của năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân đạt khoảng 37,16 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 11,13 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,48% về khối lượng bình quân và tăng 36,61% về giá trị bình quân so với tháng 11.

Tổng khối lượng và giá trị giao dịch CW trong tháng lần lượt đạt 817,55 triệu CW và 245,04 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,48% về khối lượng và tăng 36,61% về giá trị giao dịch so với tháng 11.

Như vậy, trong năm 2022, thanh khoản giao dịch của CW ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên là 32,36 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 21,05 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng 1 tỷ USD

Theo thống kê của HoSE, tổng giá trị giao dịch của NĐTNN trong tháng 12-2022 đạt trên 62.163 tỷ đồng, chiếm hơn 10,03% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. NĐTNN đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 11.912 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Đáng chú ý là trong cả năm 2022, NĐTNN đã thực hiện mua ròng với giá trị hơn 23.604 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

DN vốn hoá "khủng" giảm mạnh

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, toàn sàn HoSE có 515 mã CK niêm yết, trong đó gồm: 402 mã CP, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF và 99 mã chứng quyền có bảo đảm.

Theo thống kê, tổng khối lượng CP đang niêm yết đạt trên 141,29 tỷ đơn vị. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng, giảm gần 4% so với tháng trước, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 42,22% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Đến hết tháng 12-2022, sàn HoSE có 37 doanh nghiệp (DN) có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, nhưng chỉ có 1 DN có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn hoá của VCB đạt 378.601 tỷ đồng, tương đương 16,1 tỷ USD.

Như vậy, nếu so với thời điểm cuối năm 2021, số lượng DN có vốn hoá trên 1 tỷ USD trên sàn HoSE giảm 9 DN. Trong khi đó, số DN có vốn hoá trên 10 tỷ USD giảm 2 DN là CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) và CTCP Vinhomes (VHM).

Được biết, tại thời điểm đầu tháng 11-2021, sàn HoSE ghi nhận số lượng DN có vốn hoá niêm yết có vốn hoá trên 10 tỷ USD đạt kỷ lục là 5 DN. Cụ thể, ngoài 3 DN kể trên, còn có thêm Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) và CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG).

Các tin khác