Vốn tiếp tục “nghẽn” nếu không mở được các “nút thắt”

(ĐTTCO) - Mặc dù định giá VN Index đã về mức hấp dẫn so với các giai đoạn trước đây, nhưng thanh khoản dòng vốn đang bị tắc nghẽn và các rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang là vấn đề cần được giải quyết để thị trường có động lực phục hồi trở lại.
Vốn tiếp tục “nghẽn” nếu không mở được các “nút thắt”
 Trao đổi với ĐTTC, ông THÁI HỮU CÔNG, chuyên viên chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp nếu các vấn đề này không được giải quyết.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến cho thanh khoản của TTCK xuống thấp? 
Ông THÁI HỮU CÔNG: - Thanh khoản của TTCK hiện nay đang duy trì ở mức tương đối thấp. Khối lượng giao dịch của VN Index chỉ đạt trung bình 12 tỷ cổ phiếu (CP)/tháng, giảm xấp xỉ 30% so với giai đoạn nửa cuối năm 2021. Nếu nhìn theo biểu đồ tháng, chúng ta có thể thấy giá trị giao dịch của VN Index trong 3 tháng giảm điểm trở lại đây chỉ đạt trung bình 13.300 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch cũng thường xuyên duy trì dưới ngưỡng trung bình MA20.
Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư (NĐT) trước những lo ngại rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn. 
Thực tế cho thấy, rất nhiều NĐT đang cầm tiền mặt và hiện đang chờ tín hiệu rõ ràng hơn về việc thị trường tạo đáy trước khi quyết định giải ngân. Trong khi đó, việc giảm giá diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, khiến những NĐT sở hữu CP đang thua lỗ lại hạn chế việc cơ cấu lại danh mục của mình sang những mã CP khác.
Việc NĐT chọn giải pháp “đóng băng” tài sản, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thanh khoản thị trường xuống mức thấp.
Theo thống kê, tại thời điểm cuối tháng 9-2022, số dư tiền gửi của NĐT trong tài khoản CK khoảng 72.500 tỷ đồng, tăng 2.400 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II-2022. Lượng tiền “nằm chờ” này cũng rất lớn nếu so với quy mô TTCK hiện tại.
- Có một thực tế mà gần như ai cũng có thể nhận ra là mặt bằng giá CP đã xuống thấp, nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn chưa tham gia, thậm chí còn có dấu hiệu rút ra trong những phiên thị trường điều chỉnh sâu. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng này? 
- Tính đến phiên giao dịch ngày 4-11, VN Index hiện đang được giao dịch quanh mức P/E trailing 10,4 lần, tương đương với vùng đáy Covid-19 cuối quý I-2020. Diễn biến giảm sâu của thị trường phản ánh các rủi ro liên quan đến lạm phát, tỷ giá, lãi suất và đặc biệt là các bất ổn của thị trường TPDN.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô dài hạn của Việt Nam được đảm bảo, cùng với đó là tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), tôi cho rằng các cơ hội đầu tư dài hạn đã xuất hiện tương đối rõ nét. 
Dù vậy, trong ngắn hạn tâm lý NĐT trong nước vẫn đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thông tin, xử lý sai phạm các DN và biến động của thị trường TPDN. Dòng tiền chỉ thực sự có thể quay trở lại mạnh mẽ nếu yếu tố này hạ nhiệt và không xuất hiện diễn biến mới trong thời gian tới. Nếu đối chiếu với dữ liệu trong lịch sử, trong những giai đoạn mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cao như hiện nay, nhiều NĐT lo lắng P/E có thể xuống mức 7,3 lần trước khi tạo đáy, tương đương với mức giảm xấp xỉ 30%.
Bên cạnh đó, những rủi ro vĩ mô trong nước như nợ xấu ngân hàng, TPDN hay những yếu tố ngoại biên như Fed tăng lãi suất, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn… đã khiến cho dòng tiền bắt đáy trở nên dè dặt hơn.
- Có ý kiến cho rằng, TTCK khó khăn khiến cho dòng vốn chảy sang các kênh đầu tư ít rủi ro hơn như kênh tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại đang gặp khó khăn trong thu hút vốn. Vậy theo quan sát của ông dòng tiền trên TTCK hiện đang “chảy” đi đâu? 
- Ngoài yếu tố tiền “đóng băng” trong tài khoản NĐT như tôi đã nói ở trên, dòng tiền còn bị rút ròng khỏi thị trường. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy tăng trưởng cung tiền tăng khá chậm so với tăng trưởng tín dụng trong nước do có sự chủ động điều tiết từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng trưởng khả quan, vượt tiến độ dự toán trong khi chi NSNN bị kiểm soát, thấp hơn so với kế hoạch, làm cho cán cân ngân sách tính đến ngày 15-8 thặng dư cao, đạt mức 247.601 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc NHNN duy trì trạng thái bán ròng ngoại tệ khiến cho một lượng lớn dòng tiền VNĐ bị hút ròng trở về nên gây khó khăn thanh khoản của nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng và TTCK.
- Từ hiện trạng khó khăn của TTCK hiện nay, ông có thể đưa ra nhận định về dòng tiền với  TTCK trong thời gian tới?
- Hiện tại, 2 thị trường huy động vốn lớn cho các DNNY là tín dụng và phát hành TPDN đều đang bị ách tắc. Đáng lo ngại hơn là việc hàng loạt DN đang chịu áp lực lớn về dòng tiền khi lượng TPDN phát hành trong các năm trước sắp đến thời điểm đáo hạn.
Hiện tổng giá trị TPDN đến hạn thanh toán năm 2022 là 144.000 tỷ đồng, năm 2023 là 230.000 tỷ đồng. Lượng TPDN sắp đáo hạn này tập trung nhiều nhất vào tháng cuối năm nay và giai đoạn nửa cuối năm 2023. Không chỉ có TTCK, nền kinh tế chung chắc chắn sẽ phải đối mặt với việc một lượng lớn tiền bị rút ròng khỏi nền kinh tế.
Nguyên nhân là do các DN phải thu tiền về nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, trong bối ảnh này, dòng tiền vào TTCK trong thời gian tới được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
- Xin cảm ơn ông.
 2 thị trường huy động vốn lớn cho các DN là tín dụng và phát hành TPDN đều  bị ách tắc. Trong khi đó hàng loạt DN đang chịu áp lực lớn về dòng tiền khi lượng TPDN phát hành trong các năm trước sắp đến thời điểm đáo hạn. Đã vậy NHNN duy trì trạng thái bán ròng ngoại tệ khiến cho một lượng lớn dòng tiền VNĐ bị hút ròng trở về gây khó khăn thanh khoản của nền kinh tế.

Các tin khác