TTCK: Nỗi oan cho T+2

(ĐTTCO) - Sau nhiều ngày chờ đợi và kỳ vọng, chu kỳ thanh toán được rút ngắn xuống T+2, và từ chỗ hào hứng, nhà đầu tư (NĐT) trong những phiên gần đây lại cảm thấy khó chịu. Lý do là một lượng hàng lớn về tài khoản buổi chiều (chính xác là T+2,5), gây áp lực bán trong giai đoạn thị trường lao dốc. Thua lỗ dẫn đến nhu cầu không có lợi nên T+2 trở thành “vật tế thần”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
T+2 bị đổ lỗi làm lệch lạc cung cầu
Rất nhiều cải tiến, thay đổi trong giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam suốt hơn 20 năm nay, và chưa lần nào các thay đổi đó được đón nhận một cách êm xuôi. Khi TTCK thăng hoa, thí dụ giai đoạn 2020-2021, NĐT cứ mua là thắng thì không hề có lời than vãn nào cả. Thế nhưng khi thị trường bước vào xu hướng điều chỉnh giảm, đủ thứ lý do được nêu lên.
Nhiều “tội đồ” nổi bật từng được điểm mặt chỉ tên qua những giai đoạn TTCK thăng trầm, từ việc chia bước giá nhỏ nhất xuống 10 đồng, mở thị trường phái sinh, nâng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu (CP) và mới nhất là T+2.
Chính thức áp dụng từ ngày 29-8-2022, chu kỳ thanh toán T+2 ban đầu khiến NĐT rất hào hứng vì CP về sớm, giá đang lên và sẵn sàng bán sớm hơn một buổi so với trước đó. Tuy nhiên gần chục phiên trở lại đây, những “hạn chế” của T+2 lại nở rộ trên các diễn đàn chứng khoán. Hàng ngày có tới cả ngàn bình luận “kể tội” T+2, yêu cầu quay trở lại T+3, hoặc rút ngắn hẳn chu kỳ về sáng T+2.
Lý do phổ biến là việc CP về tài khoản trưa ngày T+2 và sẵn sàng giao dịch trong phiên chiều T+2, đã làm gia tăng khối lượng tại một thời điểm, làm “sai lệch” cung cầu bình thường. Lý do này được sử dụng để chứng minh cho các phiên chiều thị trường sụt giảm, thậm chí là lý giải nhịp điều chỉnh chung của thị trường hiện tại.
Tuy nhiên thực tế điều này là không đúng. Cung cầu sẵn có trên TTCK không hề thay đổi tại thời điểm thanh toán T+2,5, vì khi CP về đến tài khoản thì tiền cũng về, thậm chí tiền có thể về trước nếu NĐT sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán của công ty chứng khoán. Nói cách khác, năng lực vốn đối ứng với khối lượng CP là gần như cân bằng.
Điều mà NĐT thấy “sai lệch” trong cung cầu là do quyết định của bản thân mỗi người. Cụ thể, nếu NĐT thấy rủi ro và họ muốn bán CP đi luôn, trong khi NĐT cầm tiền cũng thấy rủi ro và không muốn mua vào, cung cầu mới thay đổi nghiêng về phía bán.
Điều này lý giải tại sao trong những phiên mới áp dụng T+2, không có ai kêu ca gì, vì thị trường lúc đó vẫn còn đang tăng, CP vẫn tăng giá và NĐT có CP về chưa muốn bán, trong khi NĐT có tiền về lại muốn mua, khiến cung cầu nghiêng về phía mua.
Cung cầu trên thị trường luôn thay đổi ở mỗi thời điểm một cách hoàn toàn tự nhiên, phụ thuộc vào đánh giá và quyết định của cá nhân, chứ không phải vì chu kỳ thanh toán. Lượng CP mới về tài khoản và sẵn sàng bán trong các phiên chiều T+2 không thể gây ảnh hưởng đến giao dịch hay gây giảm giá, nếu bản thân thị trường không có vấn đề.
Kể từ khi áp dụng T+2, không phải phiên chiều nào thị trường cũng giảm, chẳng hạn như ngày 9-9 hay ngày 14-9 vừa qua. Khi NĐT có tiền sẵn sàng mua và lực cầu tăng mạnh, bất kể khối lượng CP có về tài khoản hay không thì giá vẫn cứ tăng hoặc phục hồi ngược. 
Cần hành xử một cách chuyên nghiệp
Hiệu ứng bề nổi dễ thấy nhất của chu kỳ T+2 là áp lực bán có thể gia tăng trong các phiên chiều. Diễn biến này cũng không khác gì áp lực bán xuất hiện trong sáng ngày T+3 theo chu kỳ thanh toán cũ. Nếu NĐT “chịu” được áp lực T+3 thì không có lý do gì lại “sợ” áp lực T+2 cả.
Luôn có tính hai mặt trong bất kỳ thay đổi nào trong cơ chế giao dịch, thanh toán của thị trường và góc nhìn có thể ngược nhau. Thí dụ, CP về sớm chiều ngày T+2 giúp NĐT có thể cắt lỗ ngay, tránh phải để đến sáng hôm sau (ngày T+3) với rủi ro nếu như chứng khoán thế giới hỗn loạn trong đêm hay có thông tin gì sốc bất ngờ. Đối với những ai muốn bán, rõ ràng T+2 lại là điều tuyệt vời vì có thể phản ứng sớm hơn, chưa kể giảm được một ngày chi phí lãi vay margin.
Mặt khác, các lý do đổ lỗi cho T+2 chỉ nổi lên khi thị trường điều chỉnh giảm. Cũng giống như một thời gian, thị trường phái sinh bị cho là nguyên nhân khiến thị trường cơ sở lao dốc, trong khi vẫn thị trường phái sinh đó, lại không hề có lỗi gì trong suốt 2 năm CP tăng trưởng thần kỳ 2020-2021. Đó là những quan điểm quy tội rất cảm tính, thậm chí là chỉ để giải tỏa ức chế hoặc nỗi đau thua lỗ. 
Hành xử cảm tính là kẻ thù lớn nhất trong giao dịch chứng khoán, điều này đã được viết rất nhiều trong hàng ngàn đầu sách dạy về đầu tư. Kiến thức có thể đầy đầu, nhưng NĐT vẫn có nguy cơ thua lỗ, phá sản, nếu không thể tách biệt cảm xúc khỏi hành động giao dịch, mà đổ lỗi là biểu hiện nghiệp dư nhất. Khi chấp nhận tham gia đầu tư, tức là phải chấp nhận các quy định và “luật chơi”. 
Nếu không chấp nhận thì ngay từ đầu tốt nhất là không nên bước vào, vì không ai ngăn cấm quyền lựa chọn cá nhân. Nếu đã chấp nhận, tức là phải thích ứng. Nói không đâu xa, khi co bước giá nhỏ nhất xuống 10 đồng hồi tháng 9-2016, có tới hàng ngàn lời kêu ca than vãn rằng khó nhìn, khó chọn giá để đặt, là lý do khiến thanh khoản giảm mạnh (ở thời điểm đó), nhưng giờ không ai “đả động” đến nữa.
Tới đây khi phần đông NĐT đã định hình được chiến lược giao dịch thích ứng với chu kỳ T+2, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Câu hỏi duy nhất là tìm cách thích ứng sớm hơn người khác để chiến thắng, hay cứ than vãn để thua lỗ? 
 Cung cầu sẵn có trên TTCK không hề thay đổi tại thời điểm thanh toán T+2,5, vì khi CP về đến tài khoản thì tiền cũng về, thậm chí tiền có thể về trước nếu NĐT sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán của công ty chứng khoán.

Các tin khác