Cần mô hình cho sàn vàng

> Thị trường vàng - Thiết lập khuôn khổ quản lý

> Thị trường vàng - Thiết lập khuôn khổ quản lý

Giải quyết bài toán đầu cơ, găm giữ vàng trong dân không thể chỉ áp dụng bằng biện pháp hành chính mà cần cả giải pháp thị trường. Theo đó, thành lập một sàn giao dịch vàng tập trung khác với các sàn giao dịch vàng trước đây, sẽ là một kênh đầu tư mới giúp nhà nước quản lý được thị trường vàng một cách căn cơ.

Nhu cầu đầu tư rất lớn

Thực tế hoạt động các sàn giao dịch vàng trong nước trước đây về bản chất là chưa đúng. Khi nói sàn giao dịch vàng là ám chỉ hình thức giao dịch vàng tập trung, tại đó người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau mà thông qua một trung tâm giúp 2 bên mua - bán khớp lệnh với nhau. Ở sàn giao dịch này hoàn toàn không có những rủi ro về kỹ thuật (như nhà đầu tư đặt lệnh không được, đôi khi có tranh chấp, nhà đầu tư giao dịch lời nhưng sàn không công nhận…) mà chúng ta hay thấy trên các sàn giao dịch vàng trước đây.

Nhu cầu đầu tư trên sàn vàng rất lớn, do vậy cần một mô hình cho sàn vàng. Ảnh: TUẤN ANH

Nhu cầu đầu tư trên sàn vàng rất lớn, do vậy cần một mô hình cho sàn vàng. Ảnh: TUẤN ANH

Sàn vàng trước đây thường xảy ra những rủi ro bởi sự lập lờ: Nói là sàn vàng khớp lệnh cho các nhà đầu tư mua bán với nhau nhưng khi có giá tốt, bản thân sàn cũng đứng ra giao dịch. Cơ chế giao dịch nghèo nàn và không đúng với mô hình sàn giao dịch hàng hóa thế giới của sàn vàng đã không đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Do vậy, việc đóng cửa những sàn giao dịch này là đúng.

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu của người dân đối với kênh đầu tư vàng rất cao. Ngoài ra, có một điều từ trước đến nay ít ai để ý là khi sàn giao dịch vàng hoạt động đã phần nào làm giảm bớt áp lực trên vàng vật chất. Lúc đó, người mua vàng vật chất là người thực sự cần. Còn hiện nay người dân mua vàng với nhiều mục đích: đám cưới, giao dịch nhà đất, trang sức và đặc biệt phần lớn là đầu cơ. Chính điều này tạo ra những tiêu cực lớn cho xã hội. Bởi nền kinh tế đang cần vốn trong khi người dân tập trung mua vàng, mua USD găm giữ. Do vậy vấn đề là cần giải quyết bài toán này.

Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra thông điệp xóa kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Hiện nay Chính phủ chưa cấm giao dịch vàng vật chất nhưng người dân cũng ý thức được về lâu dài sẽ cấm, do vậy họ sẽ hạn chế mua vàng vật chất mà sẽ gửi tiền vào ngân hàng bởi lo ngại sau này sẽ khó mua bán vàng. Điều này giúp Chính phủ và NHNN hút bớt tiền nhàn rỗi ra khỏi lưu thông nhằm chống lạm phát. Đây được ví như mũi tên trúng nhiều đích, vừa giải quyết được bài toán tỷ giá, tình trạng “vàng hóa” vừa giải quyết được yêu cầu kiềm chế lạm phát.

Trung tâm giao dịch vàng tập trung

Tuy nhiên, giải pháp trên cũng không có tính dài hạn và khó hiệu quả. Thực tế trước đây NHNN cũng từng cấm các NHTM xuất vàng vật chất, chỉ được xuất khẩu vàng nữ trang. Nhưng năm 2010 nước ta xuất gần 80 tấn vàng bằng cách nấu chảy vàng để đúc ra những vòng, khoen với chi phí vài chục ngàn đồng/lượng và xuất hợp pháp đi dưới dạng vàng trang sức. Hình thức này có thể được người dân lợi dụng để lách đối với vàng vật chất. Theo đó, nếu cấm mua bán vàng vật chất, người dân có thể đến các tiệm vàng chịu chi phí 50.000 đồng nấu vàng miếng thành vòng, kiềng để bán. Giải pháp dài hạn chính là hình thành một trung tâm giao dịch vàng tập trung theo mô hình sàn giao dịch vàng hàng hóa. Đầu tiên, để tạo thanh khoản cho sàn này, thu hút người dân đến sàn, Chính phủ chọn sản phẩm đầu tiên là vàng.

“Điều lưu ý là cần thay đổi tư duy lo sợ đầu cơ vàng. Bởi trên thị trường tài chính thế giới 85% giao dịch là đầu cơ, chỉ 15% là giao dịch thực chất. Đó là thực trạng chung và chúng ta phải chấp nhận. Quan trọng là việc quản lý phải làm như thế nào để đầu cơ đó không làm méo mó giá. Ở nước ta hiện nay vẫn đồng nhất 2 khái niệm đầu cơ và làm méo mó giá vào một. Điều đó không đúng, bởi các nghiên cứu có uy tín trên thế giới đều chứng minh rằng đầu cơ chẳng những không làm méo mó giá mà còn làm cho giá cả thị trường tiến về mức giá hợp lý, mức giá kỳ vọng”.

Việc thành lập trung tâm giao dịch vàng tập trung này phải do một cơ quan độc lập tổ chức và quản lý, cơ quan này không được phép tham gia giao dịch vàng. Các NHTM và công ty vàng bạc đá quý tham gia với tư cách là người bán hợp đồng giao dịch vàng, nhà đầu tư tham gia dưới tư cách mua những hợp đồng giao dịch vàng. Thí dụ, nhà đầu cơ muốn đầu cơ khi biến động giá vàng lên hay xuống họ không nhất thiết phải đến ngân hàng để mua vàng vật chất, mà mua những hợp đồng ký quỹ vàng, những hợp đồng giao sau vàng trên trung tâm giao dịch hàng hóa. Như vậy nền kinh tế không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để thỏa mãn nhu cầu đầu cơ nữa. Đây là xu hướng nên làm trong thời gian tới.

Có thể thấy, người dân chỉ bán vàng ra khi cảm nhận được trong nền kinh tế có một kênh đầu tư hấp dẫn hơn giữ vàng. Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng phải nằm trong bài toán lớn hơn là chống lạm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế. Trung tâm giao dịch vàng tập trung cũng sẽ có tác dụng mở ra kênh đầu tư mới cho người dân vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Các tin khác