Thu hẹp Bách Hoá Xanh có giúp Thế giới Di động giảm lỗ? ​

(ĐTTCO) - Khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2022 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) là không cao, chủ yếu do lỗ từ Bách Hoá Xanh (BHX) tăng nhanh sau quá trình tái cơ cấu.
Thu hẹp Bách Hoá Xanh có giúp Thế giới Di động giảm lỗ? ​

Đây là một trong những nội dung trích từ báo cáo phân tích mã MWG vừa đươc CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố.

Tín hiệu tích cực sau tái cơ cấu

Tuần qua, MWG đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 14% và 3,5%, tương ứng với 81.870 tỷ đồng và 2.881 tỷ đồng. Theo VDSC, tốc độ tăng trưởng của MWG đã giảm tốc đáng kể do chuỗi BHX có nền so sánh cao trong đợt giãn cách xã hội cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục ghi nhận các chi phí của quá trình tái cơ cấu hệ thống cửa hàng.

Tuy nhiên, việc thu hẹp 400 cửa hàng BHX cũng giúp MWG ghi nhận được những tín hiệu tích cực như: lưu lượng khách hàng tăng 20-25% so với quý I, doanh thu tăng 15-20% so với quý I sau khi các chương trình khuyến mãi liên tục được tung ra. Đặc biệt, quá trình cơ cấu lại ngành hàng cũng giúp ngày tồn kho ước tính giảm xuống khoảng 60 ngày so với mức khoảng 90 ngày.

Theo VDSC, xu hướng tích cực về doanh thu của BHX sẽ được duy trì trong những tháng tới chủ yếu nhờ việc duy trì các đợt giảm giá, kết hợp với trải nghiệm mua sắm được nâng cấp. BHX vẫn đang khá mạnh tay trong việc giảm giá và khuyến mãi tặng kèm các nhóm sản phẩm FMCG (kem, đồ uống, hóa phẩm), đồ đông lạnh và thịt tươi, vốn đã hỗ trợ khá nhiều cho xu hướng lưu lượng khách tới cửa hàng và doanh thu trong các tháng vừa qua.

VDSC đánh giá đây là bước đi khá hợp lý nhằm dọn dẹp lượng hàng tồn kho của những cửa hàng đã bị đóng và những nhóm hàng BHX sẽ ngừng kinh doanh. Chính sách này cũng giúp BHX từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu “chuỗi bách hóa có giá cả hợp lý” sau khi bị ảnh hưởng sau đợt giãn cách trong quý III năm ngoái.

Khó về đích năm 2022

Với những diễn biến tích cực của BHX trong những tháng gần đây, MWG chắc chắn sẽ tiếp tục phải thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trong thời gian còn lại của năm 2022. Do vậy, VDSC hạ dự phóng doanh thu 2022 của BHX xuống mức 27.500 tỷ đồng (giảm 5% so với dự phóng trước), trong khi nâng mức lỗ ròng của BHX lên 2.300 tỷ đồng (tăng 10% so với dự phóng trước).

Trước đó, HĐQT MWG đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 140.000 tỷ đồng (tăng 14%) và 6.350 tỷ đồng (tăng 30%). Như vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch năm của MWG là không cao. Chủ yếu do khoản lỗ của BHX tăng lên nhanh sau quá trình tái cơ cấu, với lợi nhuận ròng khoảng 5.900 tỷ đồng (tăng 20%), tương ứng với mức EPS khoảng 4.000 đồng.

Tuy nhiên, VDSC vẫn đánh giá cao về chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh bằng việc giữ nguyên dự phóng của 2 chuỗi cửa hàng này với mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 111.000 tỷ đồng (tăng 18%) và 8.200 tỷ đồng (tăng 38%).

Mặc dù vậy, VDSC vẫn cho rằng rằng 2022 sẽ là một năm “bản lề” đối với BHX và kỳ vọng những sự thay đổi trong năm nay sẽ mang lại sự chuyển biến về mặt hiệu quả hoạt động một cách bền vững hơn kể từ năm 2023.

Cho năm 2023, VDSC dự phóng chuỗi BHX có thể thu hẹp dần mức lỗ, còn khoảng 700 tỷ đồng. Đây là động lực chính giúp cho lợi nhuận dự phóng của MWG tăng 44% trong năm 2023, lên 8.500 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 5.700 đồng.

Về dài hạn, VDSC cho rằng mức độ cải thiện hiệu quả hoạt động của BHX sẽ phụ thuộc vào tính ổn định của doanh số mỗi cửa hàng sau khi các chương trình khuyến mãi dần được cắt giảm và khả năng tối ưu hóa hoạt động logistics (đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí hoạt động của toàn chuỗi) trong thời gian tới.

Các tin khác