Thị trường trầm lắng, số tài khoản chứng khoán mở mới giảm sâu

(ĐTTCO)-Nhà đầu tư trong nước mở mới 199.128 tài khoản chứng khoán trong tháng Bảy, giảm 57% so với tháng Sáu; nhà đầu tư cá nhân trong nước thậm chí còn đóng 3.279 tài khoản chứng khoán trong tháng Bảy.
Một góc làm việc tại Chứng khoán Bảo Việt (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Một góc làm việc tại Chứng khoán Bảo Việt (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 199.128 tài khoản chứng khoán trong tháng Bảy, giảm 57% so với tháng Sáu.

Nhà đầu tư cá nhân mở mới 198.988 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở 140 tài khoản. Đáng chú ý, nhà đầu tư cá nhân trong nước thậm chí còn đóng 3.279 tài khoản chứng khoán trong tháng Bảy.

Lũy kế bảy tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán, trong khi cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 1,53 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng Bảy, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,3 triệu tài khoản.

Việc tài khoản mở mới giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản đi xuống. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng Bảy ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.502 tỷ đồng và 492,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 20,84% về giá trị và 10% về khối lượng bình quân so với tháng Sáu.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 10,3 tỷ cổ phiếu, đạt 241.545 tỷ đồng; tương ứng giảm 14,10% về khối lượng và 24,4% về giá trị so với tháng Sáu.

Còn theo Sở Giao địch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thanh khoản trên thị trường trong tháng 7/2022 lại sàn Hà Nội giảm so với tháng trước. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,3 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 27.000 tỷ đồng.

Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 65 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.286 tỷ đồng/phiên, giảm 17% về khối lượng giao dịch và 28% về giá trị giao dịch so với tháng trước đó.

Thị trường UPCOM trong tháng 7/2022 cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về thanh khoản. Tính bình quân toàn thị trường, khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 44,88 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 742 tỷ đồng/phiên, giảm lần lượt 25,77% về khối lượng giao dịch và 39,44% về giá trị giao dịch so với tháng Sáu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong sáu tháng cuối năm 2022, các yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, bao gồm diễn biến lạm phát tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng như khả năng suy thoái tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Các rủi ro này có thể làm tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ đó gây áp lực lên tiền đồng trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát gia tăng.

Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn, SSI nhận định.

SSI cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại.

Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ vốn thuộc nhóm nhà nước quản lý về giá như điện, nước, giáo dục, y tế... là khó có thể tránh khỏi.

“Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần,” SSI phân tích.

Dù còn nhiều e ngại, nhưng thực tế bốn phiên đầu tháng Tám, thanh khoản thị trường liên tục tăng cùng với điểm số đi lên. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index đạt 1.254,15 điểm, thanh khoản sàn HOSE vượt 17.000 tỷ đồng.

Cùng đó, khối ngoại mua ròng liên tiếp 4 phiên đang phần nào lấy lại “tự tin” cho giới đầu tư chứng khoán.

Các tin khác