Sau lời xin lỗi, HoSE đã được 'giải cứu'?

(ĐTTCO) - Sau lời xin lỗi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định sẽ đưa hệ thống giao dịch mới do FPT thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đúng lịch như đã công bố.
Hoàn thành đúng kế hoạch 100 ngày
Hôm qua 24-6, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghẽn lệnh tại HoSE Thực trạng và giải pháp”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng thẳng thắn thừa nhận, do nhận thức chưa thấu đáo dẫn tới việc chuẩn bị cho hệ thống giao dịch chứng khoán thời gian qua có rất nhiều vấn đề.
“Chúng tôi thừa nhận có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong quá trình thực hiện dự án giao dịch chứng khoán mới không lường hết được tình hình, có những lúc chưa thực sự quyết liệt”, ông Dũng nói.
Người đứng đầu UBCKNN cho rằng ông không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi, vừa phải xin lỗi nhà đầu tư, vừa xin lỗi các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà báo..., những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc với ông để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng ông không trả lời hết được.
Sau lời xin lỗi, HoSE đã được 'giải cứu'? ảnh 1 Nhà đầu tư đã bị thiệt hại nhiều từ sự cố nghẽn lệnh của HoSE kéo dài hơn 7 tháng qua. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
Sau đó, Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà cho rằng đơn vị này cũng phải nhận một phần lỗi. Hiện tiến độ xử lý tình trạng nghẽn lệnh do Tập đoàn FPT phối hợp cùng HOSE đã bước vào giai đoạn cuối cùng và đang được trình lên Bộ Tài chính.
Cụ thể hơn, theo ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty hệ thống thông tin FPT, kế hoạch thực hiện 100 ngày được chia thành 5 giai đoạn: khảo sát hiện trạng của HoSE, chỉnh sửa phần mềm, kiểm thử với 20 công ty chứng khoán hàng đầu, kiểm thử với tất cả các công ty chứng khoán, chạy giả lập với các công ty chứng khoán. FPT đang kiểm tra về an ninh bảo mật và ngưỡng hệ thống, song song đó, xây dựng quy trình vận hành, nhất là khi xảy ra sự cố.
Hệ thống đặt mục tiêu năng lực 3 - 5 triệu lệnh/ngày (cao hơn nhiều so với hệ thống hiện tại xử lý 900.000 lệnh/ngày). Đồng thời, hệ thống mới cũng bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực của họ. Cùng với đó là làm chủ năng lực công nghệ, chủ động nâng cấp…
“Kế hoạch chỉnh sửa hệ thống giao dịch HOSE trong vòng 100 ngày hoàn toàn có khả năng về đích đúng thời hạn ban đầu dự kiến là cuối tháng 6, đầu tháng 7”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết thêm.
Nhà đầu tư vẫn phập phồng
Cho rằng lời xin lỗi của UBCKNN và HoSE hiện nay là quá muộn sau khi tình trạng nghẽn lệnh trên sàn đã diễn ra hơn 7 tháng qua, nhưng theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, thì “muộn còn hơn không”.
Dù vậy, về nguồn gốc, nguyên nhân của tình trạng này thì ông Điệp cho rằng lãnh đạo HoSE chưa chia sẻ đầy đủ. Có nhiều vấn đề liên quan đến việc vận hành hệ thống giao dịch của Thái Lan trong hơn 20 năm qua mà HoSE chưa bao giờ công khai. Chẳng hạn việc bảo trì hệ thống thực hiện như thế nào? HoSE có thuê bên Thái Lan bảo trì hay không, và thực hiện khi nào? Hình như vẫn còn những góc khuất nào đó mà nhà đầu tư chưa được biết.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, cũng cho rằng các tổ chức quản lý thị trường “không thể bắt nhà đầu tư đặt ít lệnh đi được”, vì đó là quyền lợi của mỗi người.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khi hệ thống đang quá tải, có thể khuyến khích nhà đầu tư chưa nên sử dụng robot trong giao dịch, nhưng không thể giữ mãi như thế, phải coi nhu cầu giao dịch đó là động lực để xây dựng thị trường phát triển tốt hơn, thanh khoản giao dịch cao hơn.
Hiện nay cũng chỉ còn vài ngày nữa là hệ thống của FPT được đưa vào giao dịch, và bản thân nhà đầu tư cũng buộc phải chấp nhận những thiệt hại đã xảy ra thời gian qua. Như vậy không chỉ xin lỗi suông mà UBCKNN và HoSE cần phải có thêm động thái để bù đắp phần nào thiệt hại cho nhà đầu tư, thể hiện trách nhiệm thật sự của mình. Đó là việc giảm phí, miễn phí giao dịch tại HoSE cho các nhà đầu tư trong một thời gian.
“Kể cả khi hệ thống mới đưa vào vận hành thông suốt thì đã qua mất thời điểm mà thị trường chứng khoán có thể đạt được thanh khoản cao lên 1,5 - 2 tỷ USD như vừa qua. Tầm nhìn của lãnh đạo HoSE vẫn chưa đủ để đáp ứng được sự phát triển của thị trường. Khi hệ thống đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu là chúng ta đã phải chuẩn bị nâng cấp lên, chứ không phải đợi đến khi hệ thống bị ngừng mới sửa chữa”, ông Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ thêm.
TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), cũng đặt vấn đề nếu cho rằng hệ thống bị nghẽn là do số lượng lệnh quá nhiều, thì tại sao có những phiên mới đầu giờ giao dịch đã bị nghẽn? Việc chỉ số VN-Index không cập nhật theo thời gian thực, thì không thể liên quan đến lưu lượng? Điều này cho thấy nguyên nhân có thể không phải vì lưu lượng mà có thể do vấn đề nào khác.
Còn nếu nói vì số lệnh thì bản thân HoSE đã nắm quá rõ hạn chế đó, tại sao vẫn liên tục đưa ra nhiều loại lệnh khác nhau trên thị trường, đưa nhiều sản phẩm mới vào giao dịch, cũng như cho nhiều doanh nghiệp lên sàn?
Vì vậy, những giải thích từ phía HoSE lẫn UBCKNN chưa thật sự giải quyết được tâm tư cho nhà đầu tư. Đó là chưa kể liệu sẽ có đơn vị nào chịu trách nhiệm nếu hệ thống mới đưa vào áp dụng vẫn có thể gặp sự cố tương tự.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Nếu như sắp tới, sau khi đã chi thêm tiền để khắc phục mà tình trạng nghẽn lệnh vẫn còn, thì niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán bị mất đi gấp cả chục lần so với hiện nay. Thiệt hại của nhà đầu tư và cả nền kinh tế sẽ càng lớn hơn.
Thị trường chứng khoán giao dịch quan trọng nhất vẫn là thanh khoản nên sự cố này là rất nghiêm trọng, phải có cuộc “đại phẫu thuật” mạnh hơn nữa.

Các tin khác