Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao

(ĐTTCO) - Thời gian qua, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng đã được cơ quan Nhà nước siết chặt. Đây là động thái nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân, nên lượng TPDN phát hành cũng giảm mạnh.
Bất động sản được kiểm soát chặt nên không ít DN bất động sản huy động vốn thông qua kênh trái phiếu Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bất động sản được kiểm soát chặt nên không ít DN bất động sản huy động vốn thông qua kênh trái phiếu Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phát hành TPDN với lãi suất cao để hút vốn.
Hơn 40% TPDN không có tài sản đảm bảo
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 1-2021, tổng lượng TPDN phát hành là 37.400 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành của nhóm DN bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 62% (khoảng 15.588 tỷ đồng) trong tổng giá trị trái phiếu phát hành ra toàn thị trường (hơn 25.000 tỷ đồng). Dù vậy, giá trị của TPDN bất động sản vẫn giảm gần 20% so với quý 1-2020. Diễn biến này được đánh giá là do Nghị định 155/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã siết chặt hơn hoạt động phát hành TPDN của DN bất động sản.
Ngoài ra, với quy định điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, lượng nhà đầu tư cá nhân, không chuyên tham gia thị trường cũng giảm mạnh từ mức 27% trong quý 1-2020 xuống chỉ còn 8% trong quý 1-2021. Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm trước. 
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, theo thống kê mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, trong tổng số TPDN phát hành trong quý 1-2021, có hơn 40% không có tài sản đảm bảo và gần 10% có tài sản đảm bảo hoàn toàn là cổ phiếu. Đơn vị này cũng cho biết, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các DN bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các DN hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Chính vì vậy, lãi suất bình quân của TPDN bất động sản trong quý 1-2021 đã tăng so với quý 4-2020, lên 10,41%/năm và hiện là nhóm TPDN có lãi suất cao nhất thị trường. “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... nhất là tín dụng bất động sản. Chính vì thế, nhu cầu huy động vốn của DN bất động sản thông qua kênh TPDN vẫn khá cao, nên lãi suất TPDN bất động sản có thể tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác. Trong bối cảnh ấy, các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng, đặc biệt với trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”, đại diện đơn vị này nói rõ thêm.
Vẫn chào mời TPDN lãi suất “khủng”
Mặc dù thị trường TPDN có dấu hiệu hạ “nhiệt” so với trước đây, nhưng do lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nên không ít DN đã phát hành TPDN với lãi suất hấp dẫn nhằm hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Thậm chí, không ít DN đã gửi email, quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội… chào mời mua TPDN với lãi suất gấp đôi, gấp 3 lãi suất ngân hàng kèm cam kết rủi ro thấp, lợi nhuận và thanh khoản cao.
Chị Châu Đan (quận 2) kể, vợ chồng chị vừa được nhân viên Công ty chứng khoán M. tư vấn rút sổ tiết kiệm 300 triệu đồng để mua TPDN Ab với mức lãi suất lên đến 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. “Qua tìm hiểu, tôi thấy lô trái phiếu này được đảm bảo bởi tài sản DN trị giá gần 2.000 tỷ đồng và có thể rút tiền khi cần sau 3 tháng kể từ ngày phát hành trái phiếu, thủ tục lại đơn giản nên tôi đầu tư thử kỳ hạn 24 tháng…, vì mức lãi suất này hiện cao gấp đôi lãi suất ngân hàng tôi đang gửi”, chị Đan cho hay. 
Anh Hưng Nguyên (quận Tân Bình) cho biết, theo lời giới thiệu của người bạn, anh được nhân viên Tập đoàn V.G. chào mua TPDN của DN này với mức lãi suất từ 14% đến gần 19%/năm, tùy số tiền và kỳ hạn đầu tư 1-5 năm. Muốn được lãi suất cao nhất là 18,8%/năm thì phải đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Nếu mua thời điểm này, anh còn được chiết khấu ngay 10%.
Khách hàng mua TPDN sẽ ký hợp đồng trực tiếp với DN mà không cần qua đơn vị bảo lãnh phát hành trung gian là ngân hàng hay công ty chứng khoán. Trong thời gian TPDN có hiệu lực, khi có nhu cầu rút vốn, công ty sẽ tìm người để chuyển nhượng và thu phí 3% trên tổng giá trị trái phiếu. “Tuy nhiên, tìm hiểu thông tin công bố phát hành trái phiếu của DN này, tôi không thấy đề cập đến tài sản đảm bảo cũng như đơn vị bảo lãnh trung gian nên tôi đang cân nhắc…”, anh Nguyên nói.  
Đáng nói, trong khi các DN vẫn chào mời mua TPDN thì 2 công ty xếp hạng tín nhiệm DN trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất được cấp phép năm 2017, công ty thứ hai được cấp phép vào tháng 3-2020) đều chưa hoạt động. “Việc thiếu hoạt động xếp hạng tín nhiệm DN đặt ra nhiều rủi ro lớn cho thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần 1/4 tổng lượng TPDN được phát hành”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định. 
Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Bởi lẽ, thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của đối tượng mình muốn đầu tư.
Chính vì thế, nhà đầu tư cá nhân cần tránh TPDN không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu (phí giao dịch, cam kết mua lại của tổ chức phát hành hoặc tổ chức trung gian…), uy tín của đơn vị phân phối TPDN. Hiện nay có không ít DN đi vay của ngân hàng nhưng mất khả năng trả nợ nên phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ. Mới đây, NHNN đã có công văn gửi đến chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có TPDN. 
Đối với nhà đầu tư, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cảnh báo, nhà đầu tư cần lựa chọn đầu tư TPDN có sự tham gia giám sát, bảo lãnh của ngân hàng, công ty chứng khoán chứ không chỉ nhìn vào mức lãi suất cao, sẽ rất rủi ro… Thậm chí ngay cả trường hợp TPDN có tài sản thế chấp vẫn có mức độ rủi ro nhất định. Vì trong trường hợp DN phá sản, tài sản xử lý của DN sẽ được ưu tiên trả nợ ngân hàng, thuế, sau đó mới đến các khoản khác, trong đó có trái phiếu.

Các tin khác