PV Power dành 702 tỷ đồng chia cổ tức

(ĐTTCO)- Theo Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), với hơn 1.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ có được năm 2019, dự kiến, tổng công ty sẽ dành 702 tỷ đồng để chia cổ tức (3% vốn điều lệ) và quỹ thưởng người quản lý 2,2 tỷ đồng. Khoảng 770 tỷ đồng lợi nhuận sẽ được PV Power chuyển sang năm sau.
PV Power dành 702 tỷ đồng chia cổ tức
Tại báo cáo kết quả kinh doanh đã được kiểm toán sẽ trình tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 12-6 tới, PV Power cho biết, kết thúc năm 2019, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: sản lượng điện đạt 22,54 tỷ kWh (tương đương 104% kế hoạch) và vượt 7% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu của toàn tổng công ty đạt 35.948 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch và bằng 108% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 3.165 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 2.855 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch...
Các yếu tố làm tăng doanh thu toàn tổng công ty (3.716 tỷ đồng) gồm: sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện khí tăng làm doanh thu tăng (1.733 tỷ đồng); giá bán điện của các nhà máy điện đều tăng làm doanh thu tăng (1.359 tỷ đồng), do giá khí của các nhà máy điện tăng dẫn đến giá điện hợp đồng PC (hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) tăng và các nhà máy tham gia thị trường điện thực hiện chào giá tốt; doanh thu dịch vụ của PV Machino vượt kế hoạch 48% (571 tỷ đồng) nhờ tích cực tìm kiếm khách hàng trong và ngoài ngành; lãi từ các công ty liên doanh, liên kết: 52 tỷ đồng. 
Có thể thấy, việc gia tăng doanh thu trong năm 2019 so với kế hoạch chủ yếu do tăng sản lượng huy động điện từ A0 (do thiếu hụt điện năng của toàn hệ thống điện), tăng do giá nhiên liệu tăng và từ việc huy động chạy dầu. Như vậy, gia tăng doanh thu do các yếu tố khách quan nhiều hơn yếu tố nội tại như việc chào giá hiệu quả trên thị trường điện.
Về nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận vượt kế hoạch, theo PV Power là do doanh thu các đơn vị toàn tổng công ty tăng vượt kế hoạch 10%, tuy nhiên, tổng chi phí chỉ tăng 9%. Tổng chi phí tăng chủ yếu tập trung vào chi phí nhiên liệu (khí, than) tăng so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí mặc dù chi phí quản lý giảm 6% và chi phí tài chính và chi phí khác giảm 24% so với kế hoạch.
Liên quan đến công tác xúc tiến/chuẩn bị đầu tư, nhất là dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, 4, PV Power cho biết, tổng công ty đã ký hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) với CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và hợp đồng thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án với CTCP Tư vấn xây dựng điện 1. Ngày 13-12-2019, PECC2 đã hoàn thiện hồ sơ FS và gửi lại PV Power ấn bản lần 1.
Cùng với đó, PV Power đã có tờ trình gửi Bộ Công thương về việc thẩm định thiết kế cơ sở dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4; văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc xem xét, cho ý kiến về hồ sơ dáo cáo nghiên cứu khả thi dự án… 
Đồng thời, PV Power đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước về phương án thu xếp vốn cho dự án đảm bảo hiệu quả và đáp ứng tiến độ đầu tư dự án; làm việc với EVN/EPTC và PV Gas để đàm phán các nội dung trong hợp đồng mua bán điện và mua bán khí cho dự án.
Về định hướng giai đoạn năm 2021-2025, lãnh đạo PV Power cho biết, doanh nghiệp tiếp tục quản lý, vận hành ổn định/hiệu quả các nhà máy điện khí, thủy điện, than hiện hữu và các nhà máy điện mới do PV Power trực tiếp đầu tư hoặc tham gia góp vốn đầu tư đưa vào vận hành trong giai đoạn này; sẵn sàng tham gia thị trường bán lẻ điện, trong đó nâng cao chất lượng sản phẩm điện và khả năng cạnh tranh về giá bán, đặc biệt đối với lĩnh vực điện gió, mặt trời (lĩnh vực có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư tư nhân). 
Cũng trong giai đoạn này, PV Power triển khai công tác đầu tư và đưa Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.500 MW vào vận hành; góp vốn thành lập công ty cổ phần để triển khai đầu tư dự án Nhà máy Điện khí miền Trung 1 và 2 (1.500 MW), Nhà máy điện LNG Cà Mau 3 (công suất 1.500 MW), Nhà máy Điện khí Quảng Ninh (1.500 MW), các dự án năng lượng tái tạo (điện áp mái, điện mặt trời lòng hồ, điện gió...).

Các tin khác