Nhiều mã cổ phiếu không đúng giá trị thật

(ĐTTCO)-Chuỗi tăng kéo dài của TTCK đã giúp cho nhiều mã CP tăng dựng đứng, thậm chí có rất nhiều mã CP đang giao dịch với mức giá trên 100.000 đồng. Tuy nhiên, rủi ro đầu tư vào những mã CP này cũng đang lớn dần bởi giá trị nội tại của nhiều doanh nghiệp (DN) không theo kịp mức độ tăng giá CP.
THD chào sàn trong năm 2020 với giá tham chiếu 19.500 đồng/CP, nay đang giao dịch trên mốc 160.000 đồng/CP.
THD chào sàn trong năm 2020 với giá tham chiếu 19.500 đồng/CP, nay đang giao dịch trên mốc 160.000 đồng/CP.
Tăng chóng mặt 
Theo thống kê, hiện có hơn 20 mã CP có giá giao dịch trên dưới 100.000 đồng/CP trên cả 3 sàn. Đơn cử là: CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF), CTCP Bến xe Miền Tây (WCS), CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (RAL), CTCP Thaiholdings (THD), CTCP Thực phẩm Cholimex (CMF), Tổng CTCP Truyền hình cáp Việt Nam (CAB), CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (HLB), CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS), Tổng CTCP Thiết bị điện Đông Anh (TBD), CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FOC), CTCP Mía đường Sơn La (SLS), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC).
Ngoại trừ những mã niêm yết từ khá lâu trên TTCK và giao dịch “bền vững” trên mốc 100.000 đồng như SAB, VNM, MWG, VCF, DHG… thì phần nhiều mã trong danh sách mới chỉ niêm yết hoặc tăng vượt mốc giá này nhờ sự sôi động của TTCK trong nửa cuối năm 2020 trở lại đây như: VCB, SIP, WCS, NTC, DP3, RAL, SLS.
Theo thống kê, những mã CP này ghi nhận mức tăng trung bình từ 50-150% trong năm 2020. Cụ thể, THD chào sàn trong năm 2020 với giá tham chiếu 19.500 đồng/CP, nay đang giao dịch trên mốc 160.000 đồng/CP. 

Chênh lệch lớn
Dù giao dịch trên mốc 3 con số, nhưng kết quả kinh doanh giữa các DN trên có mức chênh lệch cực kỳ lớn. Theo thống kê, VHM hiện dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế năm 2020 với 27.839 tỷ đồng. Kế đến là VCB và VNM với lợi nhuận sau thuế lần lượt là 18.447 tỷ đồng và 11.099 tỷ đồng. Các DN có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng gồm: SAB (4.723 tỷ đồng), MCH (4.556 tỷ đồng), MWG (3.918 tỷ đồng) và SIP (1.033 tỷ đồng). 
Nhóm DN có lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng có: THD (909 tỷ đồng), DHG (740 tỷ đồng), VCF (721 tỷ đồng), SCS (464 tỷ đồng), VTP (384 tỷ đồng), RAL (336 tỷ đồng), NTC (281 tỷ đồng), FOC (204 tỷ đồng), TBD (141 tỷ đồng), SLS (119 tỷ đồng), DP3 (114 tỷ đồng). 
Trong khi đó, các DN xếp cuối có lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đổng, thậm chí chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng như: GAB (1,4 tỷ đồng). Nhỉnh hơn chút là SGC (31 tỷ đồng), HHC (39 tỷ đồng), WCS (56 tỷ đồng), CAB (62 tỷ đồng).

Không còn hấp dẫn?
Do giao dịch ở mức giá cao nên phần lớn CP trong nhóm này có thanh khoản thấp. Đơn cử mã NTC hiện là CP đắt nhất trên TTCK, có thời điểm chạm mốc 300.000 đồng/CP, nhưng chỉ có vài ngàn CP được giao dịch mỗi phiên. 
Mức P/E quá lớn đang khiến cho nhóm CP có giá trị lớn này dần mất đi sự hấp dẫn, thậm chí tạo nên sự nghi ngờ về giá trị thật của CP so với tình hình nội tại của DN.
Đơn cử là SAB đang trong giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn do bị ảnh hưởng cùng lúc 3 nguyên nhân khách quan là: đại dịch Covid-19, luật phòng chống tác động rượu bia (Nghị định 100) và áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu bia ngoại.
Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu năm 2020 của SAB giảm đến 26,2% (đạt 27.961 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm 8,1% (đạt 4.937 tỷ đồng). Dự báo, 3 yếu tố này tiếp tục tác động đến lợi nhuận của SAB trong năm 2021. 
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 cũng là nguyên nhân khiến cho VCB có năm kinh doanh đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả kinh doanh của VCB gây bất ngờ cho giới đầu tư khi phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm vừa qua.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2020, lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 của VCB đi ngang so với năm trước với 23.045 tỷ đồng. Kết quả này cũng có phần may mắn nhờ một số mảng kinh doanh tăng mạnh trong quý IV như: thu nhập lãi thuần tăng 20% (đạt 10.390 tỷ đồng), lãi từ dịch vụ tăng gấp 3,5 lần (đạt 3.068 tỷ đồng).
Tuy nhiên, một số hoạt động ngoài lãi khác sụt giảm như: hoạt động mua bán kinh doanh CK giảm 45%, hoạt động khác lỗ đến 64 tỷ đồng.
Đối với THD, ngoài mức P/E lên đến 64,2x, NĐT còn e ngại về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của “ngôi sao” mới nổi này. Cụ thể, rủi ro NĐT phải đối mặt là nghi vấn về thương vụ mua bán và sáp nhập mà THD đang theo đuổi. DN này mới được thành lập năm 2011, hoạt động sản xuất kinh doanh chính là thương mại vật liệu xây dựng, thực phẩm, dịch vụ cho thuê bất động sản và đầu tư.
Trong đó, hoạt động thương mại vật liệu xây dựng và cho thuê bất động sản mang lại doanh thu chủ yếu. Người sáng lập THD là ông Nguyễn Đức Thụy hiện đang sở hữu 10,78 triệu CP THD (tương đương 20% vốn). 
Đáng chú ý là cuối năm 2020, THD chốt danh sách phát hành 296 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.
Điều đáng nói là thay vì dùng nguồn vốn mới này để bổ sung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, THD dùng gần như toàn bộ số vốn huy động được 2.961 tỷ đồng để mua 204 triệu cổ phần (tương đương 81,6% vốn) tại ThaiGroup. Đây là DN mà ông Thái đang giữ ghế Chủ tịch HĐQT. 

Các tin khác