Nguy cơ nhiều CTCK âm vốn vì margin

(ĐTTCO) - Việc công ty chứng khoán (CTCK) cấp margin cho “sếp” của doanh nghiệp (DN) hay các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, có thể xem là lợi thế kinh doanh, chứng tỏ đẳng cấp của CTCK. Nhưng khi giá CP của nhiều DN lao dốc không phanh, lợi thế này có thể khiến CTCK… khóc ròng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vô thế khách VIP
Sếp A1 của DN A lấy 5 triệu CP A giá 2.0 (20.000 đồng/CP) làm tài sản đảm bảo tại CTCK B, tức giá trị khối tài sản này là 100 tỷ đồng. Nếu A được B cấp margin với tỷ lệ 1:1 (tức được vay 100 tỷ đồng), lúc này sếp A1 có thể bán ngay lập tức 2,5 triệu CP, thu về tài khoản của mình 50 tỷ đồng (ở đây chỉ nói đến sếp A sở hữu dưới 4% trong công ty nên không phải công bố thông tin).
Còn CTCK B sẽ cấp margin 50 tỷ đồng để A1 mua lại 2,5 triệu CP, vẫn đảm bảo số lượng sở hữu của mình. Về danh nghĩa, sếp A1 dù giá trị tài sản ròng chỉ còn 50 tỷ đồng, nhưng vẫn sở hữu 5 triệu CP. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu A có giá 2.0 và đi ngang hoặc… đi lên, nhưng nếu A giảm giá, áp lực sẽ bắt đầu cho các bên. 
Chẳng hạn, chỉ trong thời gian ngắn, A giảm từ 2.0 xuống còn 1.5, có nghĩa tổng giá trị danh mục của A1 chỉ còn 75 tỷ đồng, trong đó có đến 50 tỷ đồng là tiền margin, còn giá trị tài sản ròng của A chỉ còn 25 tỷ đồng, tỷ lệ vốn vay/vốn tự có của A1 đã là 2:1. Tùy theo hệ thống cũng như “khẩu vị” rủi ro của mỗi CTCK sẽ có những hành động khác nhau, nhưng thường sẽ yêu cầu A1 nộp thêm tiền, hoặc bán ra CP để tránh tỷ lệ vốn vay/vốn tự có quá cao. Nếu A1 có tiền mặt 25 tỷ đồng thì quá đơn giản, nhưng cũng… hiếm khi thành sự thật. 
Trong trường hợp này, thường A1 sẽ tiến hành bán ra hoặc CTCK giải chấp để cân đối nguồn vốn. Chẳng hạn bán ra 1 triệu CP, thu về 15 tỷ đồng để trả cho CTCK, lúc này margin sẽ giảm từ 50 tỷ đồng còn 35 tỷ đồng, bán tiếp 1 triệu CP nữa, margin còn 20 tỷ đồng.
Nhưng đó là ước tính, vì thực tế nếu xả hàng từ 1 triệu CP trở lên thì giá CP càng giảm, số tiền thu về cũng giảm, thậm chí… không bán được, vì bên mua thấy lượng lớn CP xuất hiện hoặc không mua, hoặc chỉ mua túc tắc để đợi rẻ hơn. Nhưng biến cố này vẫn còn khá… an toàn cho CTCK, vì rủi ro vẫn nằm ở A và A1 và giá CP mới giảm ở ngưỡng dưới 50%.
Vào thế CTCK!
Giả định A giảm mạnh bên mua khoảng 50%, tức từ 2.0 về còn khoảng 1.0, tổng giá trị tài sản của A1 chỉ còn 50 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng vốn vay, nghĩa là A1 đã… mất trắng. Nhưng chưa yên vì CTCK B lúc này cũng có khả năng âm vốn. Cứ giả định giá CP giảm tiếp về 0.9, B mới có thể bán và thu hồi về, số tiền thu được 45 tỷ đồng, về lý A1 sẽ phải trả cho B thêm 5 tỷ đồng, nhưng chuyện này là… hên xui.
Gần đây dân chứng khoán đồn đoán chuyện khách hàng VIP đẩy CTCK vào thế âm vốn margin, tức có bán hết cũng vẫn không thu hồi được vốn gốc cho vay, và khách VIP này cũng chỉ có thể nói chưa có tiền trả, nếu muốn thu hồi… bất động sản bù. 
Thực hư câu chuyện này cần phải kiểm chứng thêm, nhưng giả định nếu khách VIP được cho vay margin ban đầu với tỷ lệ cao hơn 1:1, tỷ lệ bị “cháy” tài khoản sẽ còn thấp hơn 50%. Nhìn vào diễn biến của thị trường trong vài tháng qua và những CP chất lệnh bán sàn nhiều phiên, khả năng bị cháy tài khoản, âm vốn margin của CTCK nào đó hoàn toàn có thể xảy ra. 
Cũng cần phải nói rõ, chuyện khách VIP âm vốn, cháy tài khoản trong bối cảnh hiện nay đã khác rất xa so với hơn thập niên trước, khi margin chưa được luật hóa, và tất nhiên một số CTCK vung tay quá trán. Nhưng tại thời điểm này, CTCK nào quản trị rủi ro tốt, nhìn vào diễn biến của CP, dự báo những kịch bản trong dài hạn, quyết định việc cấp margin như thế nào, trong đó có việc cấp margin cho các sếp DN, có thể sẽ an toàn.
Còn những CTCK vẫn tìm cách lách, cấp margin quá tay sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, với riêng thị trường của năm 2022, đặc biệt trong khoảng 1 tháng qua, vẫn xuất hiện rủi ro, dù CTCK có thể chuẩn bị rất kỹ nhưng vẫn bị ảnh hưởng, khiến những DN khác bị ảnh hưởng, là rủi ro… bán chéo. 
Trở lại thí dụ đầu bài: Nếu A1 đem 5 triệu CP giá 2.0 làm tài sản đảm bảo để vay margin thêm 100 tỷ đồng (tỷ lệ vốn vay/vốn tự có 1:1), thay vì rút ra sếp A lại mua vào 2,5 triệu CP C giá 4.0 để đầu tư, và giả định CP C là CP có cơ bản tốt, an toàn. Một biến cố xảy ra khiến giá của A1 giảm sàn liên tục từ 2.0 xuống còn 1.5, giá của C lúc này vẫn may mắn giữ được 4.0. Nhưng giá trị tài sản ròng lúc này của A1 đã giảm từ 100 tỷ đồng xuống chỉ còn 75 tỷ đồng.
Nếu không bỏ thêm tiền để cân đối tỷ lệ vốn vay/vốn tự có, A1 phải bán ra hoặc CTCK B sẽ phải tiến hành giải chấp, mà giải chấp A không được phải giải chấp C. Cứ giả định có khoảng nửa triệu CP C bị đem ra xả hàng đột ngột, dù C có là DN tốt thị trường cũng sẽ đặt câu hỏi vì sao bị bán mạnh như vậy, kéo theo một loạt hệ lụy.
Chẳng hạn, trong danh mục tự doanh của CTCK B cũng lại có CP C, thì rõ ràng giải chấp C để thu tiền lãi margin về, nhưng đồng thời giá trị danh mục tự doanh có thể bị giảm. Được này lại mất kia. Nhìn rộng hơn, trong trường hợp CTCK cần thu xếp vốn, nếu gặp khó trong giải chấp margin, nhất là khi rơi vào những phiên trắng bên mua, rủi ro bán chéo này cực kỳ… khó đỡ. 
Như đã biết, phí giao dịch đã được đẩy về mức tối thiểu và nguồn thu của CTCK chính yếu là margin, tạo ra rất nhiều áp lực và cả rủi ro cho CTCK. CTCK sống nhờ margin cũng phải đón nhận những rủi ro kiểu đầu sóng ngọn gió, như rủi ro bán chéo vừa nêu. 
 Nhìn vào diễn biến của thị trường trong vài tháng qua và những CP chất lệnh bán sàn nhiều phiên, khả năng bị cháy tài khoản, âm vốn margin của CTCK nào đó hoàn toàn có thể xảy ra. 

Các tin khác