MWG sẽ bị bán tháo trước làn sóng tẩy chay Bách Hoá Xanh?

(ĐTTCO) - Làn sóng tẩy chay thương hiệu Bách Hoá Xanh sau khi bị người tiêu dùng tố chuỗi siêu thị này nâng giá bán hàng thiết yếu giữa đại dịch, khiến cổ đông nắm giữ CP của CTCP Thế giới di động (MWG) lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo trong những phiên sắp tới.

Giữa dịch bệnh, người tiêu dùng liên tục tố Bách Hóa Xanh nâng giá bán hàng thiết yếu. Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thừa nhận không giữ được 100% giá bán hàng tươi sống, vì chi phí đầu vào tăng mạnh.
Giữa dịch bệnh, người tiêu dùng liên tục tố Bách Hóa Xanh nâng giá bán hàng thiết yếu. Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thừa nhận không giữ được 100% giá bán hàng tươi sống, vì chi phí đầu vào tăng mạnh.

MWG từng bị bán tháo vì rò rỉ tài khoản khách hàng

Trước phản ánh của người tiêu dùng, ngày 16-7, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã tiến hành kiểm tra, làm việc với 75/641 siêu thị Bách hóa Xanh (BHX) tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM.

Dù cơ quan quản lý bước đầu cho biết BHX bán đúng giá niêm yết, nhưng trên các diễn đàn nhiều người tiêu dùng liên tục "bốc phốt” BHX về giá bán quá cao so với các siêu thị khác. Thậm chí, nhiều người còn tố cáo chuỗi siêu thị này thường xuyên có tình trạng tính tiền cao hơn giá niêm yết, nhân viên liên tục tính nhầm bill và rau, củ kém chất lượng.

Sự cố này khiến cho những cổ đông đang nắm giữ MWG lo ngại mã CP này sẽ bị bán tháo trong phiên giao dịch tới. Việc cổ đông lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi MWG từng bị bán tháo thời điểm cuối năm 2018, sau sự cố rò rỉ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Thời điểm đó, rất nhiều người từng mua sắm tại MWG phát hiện thông tin tài khoản ngân hàng của mình, bao gồm số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng có trong file dữ liệu được tung lên mạng. Có khoảng 31.000 bản ghi như thế được tung ra. 

Dù lãnh đạo MWG không thừa nhận liên quan đến sự cố rò rỉ thông tin khách hàng, nhưng MWG vẫn bị NĐT bán tháo trong 2 phiên giao dịch, từ 120.000 đồng/CP xuống cỏn 106.000 đồng/CP.

MWG sẽ bị bán tháo trước làn sóng tẩy chay Bách Hoá Xanh? ảnh 1 Khách hàng liên tục bốc phốt Bách Hóa Xanh. Ảnh chụp màn hình

Với hơn 322,8 triệu CP đang niêm yết trên HoSE thời điểm đó, vốn hóa của MWG trên TTCK bị bốc hơi 1.937 tỷ đồng. 

Tác động trong dài hạn

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16-7, MWG chốt ở mức 168.100 đồng/CP, tăng hơn 11% so với thời điểm đầu tháng 7. Nếu so với đầu năm 2021, thì MWG ghi nhận mức tăng mức tăng hơn 40%.

Sóng tăng của MWG phần lớn đến từ sự kỳ vọng của NĐT về mức tăng trưởng của BHX, trong bối cảnh hàng loạt chợ truyền thống ở TPHCM phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Coivd-19.

Đầu năm 2021, HĐQT của MWG đặt kỳ vọng BHX đặt mục tiêu doanh thu 30.000 tỷ đồng và bắt đầu có lợi nhuận thuần trong năm nay, với biên lãi gộp phấn đấu đạt 30%. Mục tiêu này sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến và có thể hoàn thành ngay trong quý III, khi BHX đang trở thành kênh bán hàng hiếm hoi của MWG được mở cửa trong mùa dịch.

Đây là lý do có thể giúp cho MWG có thể sẽ thoát khỏi đợt bán tháo trong phiên giao dịch sắp tới, khi sự kỳ vọng đang lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, sóng tăng của mã CP này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong dài hạn.

MWG sẽ bị bán tháo trước làn sóng tẩy chay Bách Hoá Xanh? ảnh 2 Ngay khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, BHX đã gửi thư đề nghị đối tác cho thuê giảm 50% phí phí mặt bằng trong 1 năm.
Đáng chú ý, ngày 22-6 vừa qua, khi đại dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, BHX đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm, để chia sẻ khó khăn, dù tất cả cửa hàng BHX đều hưởng lợi kinh doanh trong đại dịch.
Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi, tại sao BHX yêu cầu đối tác giảm mạnh chi phí thuê mặt bằng, thì lại quay ngược tăng giá hàng hóa với khách hàng của mình đang khó khăn vì mất việc, vì thu nhập giảm trong đại dịch. Lẽ ra, là nhà bán lẻ lớn, hơn hết trong lúc này, BHX phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. 
Theo một chuyên gia CK, các tổ chức nước ngoài vốn đặt cao vấn đề trách nhiệm xã hội, sẽ không bao giờ đầu tư vào doanh nghiệp có “phốt” trục lợi khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang dồn sức chống đại dịch Covid-19.

Ngoài sự cố lần này, MWG liên tục bị cổ đông, đặc biệt là NĐT cá nhân, phản đối với chính sách phát hành CP thưởng cho người lao động (ESOP) quá lớn và thực hiện liên tục mỗi năm. Năm 2021, MWG dự kiến tiếp tục phát hành CP ESOP với tỷ lệ tối đa lên đến 3% số CP đang lưu hành nhưng không quá 21,5 triệu CP, giá phát hành chỉ 10.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, khi trả lời thắc mắc của cổ đông về chính sách này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, khiến cho cổ đông hết sức ngỡ ngàng với phát biểu: “Nếu cổ đông bực bội với chính sách phát hành CP ESOP thì hãy cân nhắc khi đầu tư vào MWG, mà hãy đầu tư vào doanh nghiệp khác”.    

Các tin khác