Liệu có “bội thực” cổ phiếu nhà băng?

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua, các ngân hàng (NH) sẽ phát hành thêm hàng chục tỷ cổ phiếu (CP) để trả cổ tức trong năm 2022. Trong bối cảnh nhóm CP NH vẫn đang trong giai đoạn dò đáy thì động thái này vô tình tạo áp lực giảm giá lên nhóm CP nhà băng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hàng chục tỷ CP trong 2022
Theo thống kê, trong năm 2021, các NH đã đưa thêm vào thị trường khoảng 8 tỷ CP thông qua việc trả cổ tức. Nếu tính cả hoạt động phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu, lượng CP NH được phát hành mới trên thị trường lên tới khoảng 10 tỷ CP.
Việc các NH ào ạt đưa hàng tỷ CP vào lưu hành khiến nhóm NH đối mặt với áp lực giảm giá, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) đang điều chỉnh mạnh do tác động từ các chính sách siết chặt giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 trong quý III-2021.
Cụ thể, trong nửa cuối năm 2021, nhiều mã NH đã lao dốc khá mạnh sau khi chốt quyền chia cổ tức trong năm. Điển hình như VIB mất gần 27% giá trị sau 4 tháng chia cổ tức. Tương tự, CTG (VietinBank) cũng giảm khoảng 25% sau 3 tháng chốt quyền trả cổ tức hơn 30% bằng CP.
Trào lưu phát hành CP tăng vốn nay tiếp tục quay trở lại với các NH trong mùa ĐHCĐ thường niên 2022. Tại ĐHCĐ năm nay, nhiều NH tiếp tục đệ trình kế hoạch phát hành CP trả cổ tức và đã được thông qua với hàng chục tỷ CP.
Đơn cử như VPB (VPBank) phát hành tối đa 2,2 tỷ CP chia cổ tức với tỷ lệ 50%, VCB (Vietcombank) phát hành 856 triệu CP trả cổ tức với tỷ lệ 18,1%, MBB (MBBank) phát hành 755,6 triệu CP trả cổ tức với tỷ lệ 20%, ACB phát hành hơn 675 triệu CP trả cổ tức với tỷ lệ tương đương 25%, HDB (HDBank) phát hành hơn 500 triệu CP chia cổ tức với tỷ lệ 25%...
Với kế hoạch phát hành CP tăng vốn, nếu nhìn ở góc độ tích cực sẽ giúp NH cải thiện được các chỉ số tài chính. Theo CTCK BIDV (BSC), trong năm 2022, tỷ lệ CAR Basel II các NH dự báo tiếp tục được giữ ở mức cao và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giữ ở mức an toàn. Điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các NH. 
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB, việc tăng vốn trong năm 2022 của NH không liên quan gì đến diễn biến TTCK. Do VPB tăng vốn từ các nguồn như: tăng vốn thông qua phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, tăng từ nguồn lợi nhuận và quỹ thặng dư chưa phân phối. Các nguồn phát hành này không phụ thuộc vào TTCK. Do đó, kế hoạch tăng vốn của VPB hoàn toàn thuận lợi và đảm bảo hoàn thành. 

Cổ đông vẫn quan ngại
Trong bối cảnh TTCK đang điều chỉnh mạnh như hiện tại và nhóm CP nhà băng vẫn đang trong giai đoạn “dò đáy”, thì kế hoạch phát hành CP khiến cho nhiều cổ đông hết sức lo ngại. Nhiều cổ đông thể hiện sự lo lắng thông qua các câu hỏi chất vấn khá gay gắt với HĐQT của các NH tại ĐHCĐ. Thực tế, bản thân lãnh đạo của nhiều NH cũng thừa nhận việc cổ đông lo ngại là có lý do.
Trả lời lo ngại của cổ đông, lãnh đạo VCB đã thừa nhận, giá CP có giảm theo quy định về pha loãng sau khi NH thực hiện chia cổ tức bằng CP và tiền mặt vào đầu năm nay. Tuy nhiên, tham chiếu với chỉ số VN Index và VN30 thì thị giá VCB vẫn tiếp tục được duy trì và đang tăng trở lại. 
Tương tự, HĐQT của SHB cũng trả lời nhà đầu tư (NĐT) khi chất vấn tại ĐHCĐ: Tại sao NH ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhưng giá CP lại sụt giảm mạnh. Phải chăng là do NH phát hành CP? Từ lý do này, cổ đông đề nghị SHB không nên phát hành CP tăng vốn trong năm nay. Thay vào đó, HĐQT nên dùng lợi nhuận để mua lại CP SHB làm CP quỹ khi thị giá đang thấp.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển, giải thích việc phát hành CP tăng vốn là để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững. HĐQT đã cân nhắc và đi đến quyết định này, nhằm hướng đến nâng cao sức khỏe, năng lực tài chính cho NH. “Giá trên thị trường có khi tăng lên nhưng sẽ có lúc giảm xuống. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ NĐT sẽ thấy, ở thời điểm hiện tại, giá trị CP SHB hiện cao hơn thị giá. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư CP có giá trị và bền vững"- ông Hiển chia sẻ.
Giải thích của lãnh đạo các NH chắc chắn không làm thỏa mãn ý kiến chất vấn của các cổ đông tham dự ĐHCĐ. Song theo chia sẻ của một NĐT đang nắm CP NH, phát hành CP tăng vốn nếu thành công sẽ là yếu tố tích cực với NH trong dài hạn. Thế nhưng, với NĐT cá nhân, một khi bỏ tiền mua CP thì điều họ trông chờ vào giá trị thực tế, tức là giá CP sẽ tăng, chứ không thể chờ giá trị vô hình trong tương lai như cách trả lời của ông Hiển, hay cách so sánh của lãnh đạo VCB. 
Vấn đề được NĐT quan tâm nhất là nếu các NH vẫn kiên định với kế hoạch phát hành CP tăng vốn thì giá CP có còn hấp dẫn? Trong báo cáo triển vọng ngành NH quý II-2022, BSC cho rằng ngành NH đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các CP ngành NH tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN Index.
Tốc độ tăng trưởng của ngành NH sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng lên mức 36,4%, so với mức 22,2% trước đó, nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi thấp hơn trong năm 2021.
 Hiện có 27 mã CP nhà băng đang giao dịch trên TTCK, trong đó 17 mã niêm yết trên HoSE, 2 mã niêm yết trên HNX và 8 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Các tin khác