HPG đối mặt nguy cơ hàng ‘dội chợ’, nhà đầu tư chuẩn bị săn sale

(ĐTTCO) - Cùng với hơn 1,1 tỷ CP vừa được phát hành thêm để chia cổ tức, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất trên TTCK. Với số lượng CP mới này, tổng số CP giao dịch của HPG đạt trên 4,47 tỷ CP, tương đương vốn điều lệ đạt 44.729 tỷ đồng. Tuy nhiên, số CP này đang tạo áp lực cho cổ đông, khi chính thức được đưa vào giao dịch.
Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Ảnh: HPG
Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Ảnh: HPG

Áp lực cung

Theo kế hoạch, hơn 1,16 tỷ CP HPG chính thức được giao dịch trên HoSE trong phiên hôm nay 28-6. Đây là số CP mà cổ đông nhận được trong đợt phát hành CP để chi trả cổ tức năm 2020 của HPG, bao gồm 5% tiền mặt và 35% bằng CP.  

Trong đợt phát hành này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, cùng vợ và con trai, đang nắm giữ 1,15 tỷ CP HPG. Với số CP này, gia đình ông Long đã nhận 577,5 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt và hơn 404,7 triệu CP HPG.

Do đó, nếu loại trừ số CP mà gia đình ông Long và những cổ đông lớn đang nắm giữ, thì phiên hôm nay sẽ có thêm khoảng 500 triệu CP HPG có thể mang ra giao dịch. Đây là con số rất lớn, nếu biết rằng số lượng CP giao dịch trung bình của HPG từ 20-30 triệu CP mỗi phiên.

Giá tham chiếu của HPG trong phiên hôm nay là 50.700 đồng/CP, chỉ cao hơn gần 3% so với giá điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, là 49.300 đồng.

Như vậy, NĐT mua CP HPG trước ngày chốt danh sách để nhận cổ tức sẽ ghi nhận mức lãi khá khiêm tốn, thậm chí là thua lỗ, do bị “chôn” vốn trong khoảng 1 tháng. Khả năng những NĐT này sẽ tiếp tục “găm” hàng chờ các đợt sóng tới của HPG.  

Ngược lại, với những NĐT nắm giữ HPG ở mức giá dưới 60.000 đồng/CP, thì đa phần họ đều thắng lớn với tỷ lệ lãi không dưới 15%. Đây là nhóm NĐT khả năng sẽ bán chốt lời ngay, khi CP được phép giao dịch.

Dù tập đoàn này được các CTCK đưa ra khuyến nghị khả khả quan, nhưng mã HPG  vẫn đứng trước áp lực hàng "dội chợ”, và nhiều khả năng sẽ giảm mạnh.

Cơ hội săn hàng sale

Trên các diễn đàn CK, những ngày gần đây, nhiều NĐT chia sẻ đây là cơ hội hiếm để sở hữu CP thép đầu ngành với mức giá hấp dẫn. Đây cũng là mức giá của HPG trong những phiên giao dịch đầu tháng 4, thời điểm tập đoàn chưa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng quý I-2021.

HPG đối mặt nguy cơ hàng ‘dội chợ’, nhà đầu tư chuẩn bị săn sale ảnh 1 Vốn điều lệ của Hòa Phát hiện nay cao gấp 33,8 lần so với thời điểm mới lên sàn năm 2007. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán hiện đạt trên 10 tỷ USD, nằm trong Top 5 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Nguồn: HPG
Theo báo cáo tài chính quý I-2021, HPG ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 7.000 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với củng kỳ 2020). Kết quả này đưa HPG lên vị trí quán quân trong danh sách các doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất trên TTCK.

Vị trí của HPG chắc chắn được duy trì đến hết năm 2021, với dự báo lợi nhuận cả năm vượt mốc 30.000 tỷ đồng.

Báo cáo phân tích CP thép của CTCK Mirae Asset (MAS), 3 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành là NKG (CTCP Thép Nam Kim), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và HPG đã ghi nhận sự bứt tốc rất mạnh từ đầu năm 2021, lần lượt đạt 76%, 100% và 103% trong khi chỉ số VN Index tăng trưởng ở mức 20%.

Với nền giá thép cán nóng (HRC) duy trì ở mức trên 700 USD/tấn như hiện tại, MAS cho rằng lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành thép trong năm 2021 sẽ khả quan. Do vậy, MAS tiếp tục duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng các CP trong ngành.

Định giá của các CP thép đang giao dịch ở mức P/E 10,8x và EV/EBITDA 6,5x. Với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 18% trong năm 2021, báo cáo dự phóng P/E và EV/EBITDA kỳ vọng năm 2021 đạt 8,9x và 5,3x. Theo MAS, mức định giá này thấp hơn khoảng 20% so với các doanh nghiệp trong khu vực.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh của HPG chịu khá nhiều nhiều áp lực, nhất là trong mảng thép xây dựng. Nguyên nhân là do hàng tồn kho tích trữ lớn của các nhà bán lẻ, giá bán tăng và nhu cầu nội địa tương đối yếu, vì mùa mưa sắp đến, nhu cầu thép xây dựng quý III nhiều khả năng sẽ yếu hơn so với quý II.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), đây là những yếu tố khiến HPG không thể duy trì sản lượng bán hàng cao như quý I và đầu quý II. Thực tế, sự suy giảm này đã xảy ra từ tháng 5 vừa qua, với sản lượng bán ra giảm xuống còn 320.000 tấn, sau khi tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4.

Để đối phó với tình trạng này, HPG có thể phải thực hiện chính sách giảm giá bán thép xây dựng trong những tháng tới, nhằm duy trì sản lượng bán hàng, dẫn đến biên gộp nhiều khả năng giảm trong nửa cuối năm. Theo VDSC, chính sách giá này cho phép HPG duy trì sản lượng bán ra ở mức 1,04 triệu tấn trong quý III, tương đương với quý II.

Do giá quặng sắt đang trong xu hướng tăng, nên biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể giảm đáng kể trong quý III. Lợi nhuận từ mức dự báo kỷ lục 10.200 tỷ đồng trong quý II, có thể giảm mạnh về mức 8.900 tỷ đồng trong quý kế tiếp.

Các tin khác