Giá cổ phiếu tăng ai được lợi?

(ĐTTCO) - Tính từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đợt 4 vào ngày 27-4, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự tăng trưởng đáng kể với 20%. Nghĩa là giá cổ phiếu (CP) của nhiều công ty niêm yết tăng trưởng chóng mặt mà nhiều vị chủ tịch phải thốt lên cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư. 
Giá cổ phiếu tăng ai được lợi?
Liệu TTCK sôi động như vậy có giúp cho doanh nghiệp huy động vốn đúng nghĩa cho đầu tư phát triển, tránh sự lệ thuộc kênh tín dụng ngân hàng mà lâu nay chính sách vĩ mô vẫn muốn hướng đến?
Lịch sử luôn có tính lặp lại, nhưng ít ai nhớ rõ lịch sử. Nếu hồi về thời điểm TTCK lập đỉnh 2007, trên sàn có danh sách 30 CP vốn hóa lớn nhất thị trường thời điểm đó. Và 30 công ty này cho đến nay có phát hành CP ra thị trường để huy động vốn?
Lấy STB (Sacombank) làm thí dụ, trong hơn 15 năm kể từ thời điểm 2007, STB có 2 lần phát hành CP để huy động vốn.
Lần thứ nhất vào năm 2009 bằng phương thức phát hành cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20:3, lần thứ 2 vào năm 2010 cũng với hình thức cho cổ đông hiện hữu nhưng với tỷ lệ 10:2.
Nghĩa là cả 2 hình thức này thực hiện phát hành quyền mua CP cho những cổ đông hiện hữu, các cổ đông buộc phải thực hiện quyền vì sự pha loãng giá CP họ đang nắm giữ.
Những ai học về tài chính đều hiểu phương thức này không sử dụng việc định giá sai giá CP của công ty để chuyển dịch giá trị từ cổ đông mới sang cổ đông hiện hữu. Hiểu một cách đơn giản, khi giá CP của công ty cao, công ty không phát hành CP bán ra thị trường cho cổ đông mới để huy động vốn và giúp gia tăng giá trị cho các cổ đông đang nắm giữ. Vậy giá CP tăng có lợi cho ai?
So với vốn điều lệ 2.090 tỷ đồng vào 2007, đến nay STB đã có hơn 20.000 tỷ đồng và giá trị vốn hóa từ 12.500 tỷ đồng tăng lên 52.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn lên 10 lần nhưng STB không phát hành được vốn cho cổ đông mới, mà chủ yếu lợi nhuận tạo ra được công ty giữ lại và phát hành thêm những tờ giấy mới cho cổ đông.
Như vậy những ai cần tiền cổ tức thì bán CP này ra thị trường “hên” thì bán được thời điểm giá cao, không thì thất bại, nhưng điều đáng nói mức giá ngày nay cũng chỉ mấp mé giá vốn từ thời điểm 2007 và 15 năm không nhận được một đồng lãi suất nào.
Tương tự CP của SSI, tính quy đổi thì mức giá ngày nay cao gấp gần 2 lần giá đỉnh điểm 2007, nhưng nếu tính yếu tố lãi suất 5%/năm thì mức giá này quá kém.
Phải chăng sự điều chỉnh này đến từ nguyên nhân của việc định giá sai trước đó? Nếu quay lại thời điểm 2007, STB có giá trên 60.000 đồng/CP với EPS tầm 1.450 đồng, PE tầm 44 và ngày nay PE có hạ nhiệt còn 22 và EPS tầm 1.248 đồng. Còn CP SSI ở thời điểm 2007 với EPS trên 8.000 đồng, PE tầm 18 và nay EPS là 1.955 đồng và PE tầm 25.
Cả 2 CP này đều có một câu chuyện mà thị trường ngày nay suy diễn như 15 năm trước: Việc tăng trưởng tín dụng sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận và điều này sẽ làm cho CP định giá theo PE còn rẻ, nghĩa là giá còn triển vọng để tăng.
Tương tự CP chứng khoán cũng vậy, với quy mô giao dịch giá tăng nên kỳ vọng vào lợi nhuận của các công ty tăng trưởng. Điều này cho thấy câu chuyện tăng trưởng này không tồn tại trong trung và dài hạn.
Đã niêm yết trên TTCK, các doanh nghiệp đều hiểu rằng thị trường định giá cho 1 đồng lợi nhuận tạo ra với mức giá bao nhiêu (gọi là PE). Và trong nỗ lực kinh doanh để tạo ra 1 đồng lợi nhuận cổ đông thụ hưởng giá trị này bao nhiêu lần.
Nhưng nếu cổ đông nắm giữ dài hạn, thì giá trị định giá đó cũng tan biến như minh chứng trên, do vậy phải có sự kết hợp khi tạo ra lợi nhuận và việc vốn hóa tài sản CP nắm giữ.
Đó là cảnh báo thị trường khi các tay chơi lớn vốn hóa giá trị tài sản CP đang nắm giữ bằng việc bán ra với những câu chuyện về triển vọng tốt của thị trường. 

Các tin khác