Dòng tiền trú ẩn chờ cơ hội?

(ĐTTCO) - Sau thời gian thăng hoa nhờ dòng tiền, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu rơi vào chuỗi ngày ảm đạm cũng vì thiếu tiền. Vậy dòng tiền có thật sự rời bỏ TTCK hay chỉ tạm đứng ngoài chờ cơ hội?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dòng tiền không còn “dễ dãi”
Kể từ cuối năm 2020 đến nay, phiên giao dịch ngày 11-5 là phiên giao dịch có thanh khoản thấp kỷ lục của sàn HoSE, với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tương đương 418 triệu cổ phiếu (CP) được chuyển nhượng thành công.
So với phiên ngày 10-5 trước đó, giá trị giao dịch giảm 35%; còn nếu so với thanh khoản ở những phiên giao dịch có giá trị giao dịch tương đương 1,5-2 tỷ USD trong năm 2021, thanh khoản trong những phiên giao dịch gần đây giảm từ 50-75%.  
Nhận định về xu hướng dòng tiền, theo giới phân tích, giai đoạn 2020-2021 thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền “dễ dãi”. Ở giai đoạn này, dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, đặc biệt là NĐT F0, là động lực chính thúc đẩy thị trường, bất chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại và các tổ chức.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, NĐT cá nhân đã bị tác động tâm lý bởi hàng loạt vụ khởi tố đến từ nỗ lực của Chính phủ trong việc chống thao túng giá CP và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này không chỉ dẫn đến hiện tượng bán giải chấp ở các CP đầu cơ, mà còn lan sang các CP cơ bản.
Tâm lý tiêu cực đã dẫn đến hiện tượng hoảng loạn và bán tháo trong đợt điều chỉnh mạnh gần đây nhất của thị trường, thể hiện qua việc bán ròng 4.683 tỷ đồng trong tháng 4. Việc thiếu vắng dòng tiền từ NĐT cá nhân cũng là nguyên nhân khiến VN Index khó hồi phục trong ngắn hạn.
Tiền đi đâu?
Câu hỏi được giới đầu tư quan tâm nhất là dòng tiền chảy vào đâu nếu không đổ vào TTCK. Đầu tiên là thị trường phái sinh (TTPS). Theo số thống kê của HNX, tại thời điểm cuối tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch PS đạt 973.155 tài khoản (tăng 4,7% so với tháng 3). Số lượng tài khoản PS tăng, đồng nghĩa với sự gia tăng mạnh về mặt thanh khoản với mức tăng gần 57% trong tháng 4.
Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL) trong tháng đạt hơn 4 triệu HĐ, giá trị giao dịch theo danh nghĩa HĐ đạt 591.000 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch HĐTL trong tháng 4 đạt 202.670 HĐ/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 29.550 tỷ đồng.
Đáng chú ý là phiên giao dịch ngày 29-4, khối lượng giao dịch đạt 394.782 HĐ. Đây cũng là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất kể từ ra mắt TTPS.
Thứ hai, dòng tiền bị rút ra khỏi TTCK để chảy vào kênh đầu tư an toàn hơn là tiết kiệm. Sức hút từ kênh đầu tư này càng lớn hơn khi các ngân hàng đồng loạt công bố quyết định tăng lãi suất tiền gởi. Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong tháng 2 tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với tháng 1, lên 5,46 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gởi có sự đóng góp chính từ các cá nhân, trong khi tiền gởi từ các tổ chức giảm 8.869 tỷ đồng. Đà tăng trưởng tiền gởi này được duy trì kể từ tháng 11 năm ngoái, thời điểm thanh khoản TTCK bắt đầu đi xuống. 
Theo một chuyên gia CK, một phần dòng tiền đã rút ra khỏi TTCK cơ sở để dồn vào TTPS hay tiền gởi tiết kiệm, nhưng không có nghĩa rằng TTCK đã cạn kiệt dòng tiền. Thực tế, vẫn còn một lượng vốn rất lớn vẫn đứng ngoài chờ đợi cơ hội.
Theo thống kê, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý I đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021), chủ yếu là tiền gửi của NĐT giao dịch theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản NĐT và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31-3. Có thể nói, đây là con số kỷ lục được ghi nhận đến thời điểm hiện tại.

Đầu tư “ngược xu thế”
Theo ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MB (MBS), một khi dòng tiền vẫn còn ở lại thị trường tìm kiếm cơ hội, thì khi những khó khăn qua đi và tâm lý sợ hãi không còn thắng thế, kênh CK vẫn là kênh đầu tư có khả năng mang lại hiệu quả tốt.
“Thực tế cho thấy, khi thị trường giảm đến một mức độ nhất định, sẽ lập tức xuất hiện dòng tiền thông minh tìm mua những CP tốt với mức giá chiết khấu hấp dẫn. Hiện mức P/E trung bình trên sàn HoSE chỉ ở mức 16,3x, thấp hơn mức trung bình của các thị trường châu Á là mức 19,6x. Trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam hiện tại rất khả quan”- ông Hà nhận định.
Với cùng nhận định, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng ở thởi điểm hiện tại, NĐT cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường khi mùa kết quả kinh doanh dần kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn trong tháng 5. Do vậy, dòng tiền thông minh từ các NĐT dài hạn có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Song trong giai đoạn sắp tới, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và CP trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro và chi phí vốn đầu tư tăng. Kỳ vọng đà tăng giá chỉ thực sự bền vững ở những CP mà doanh nghiệp có nền tảng  tài chính mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Mặt khác, những CP có diễn biến giá mạnh hơn trong khi thị trường chung sụt giảm mạnh trong tháng 4, đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tích  cực về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, nhóm CP ngành thủy sản, kho vận, công nghệ, bán lẻ là những điển hình. 
Với đại đa số NĐT, xu hướng thị trường hiện tại sẽ rất khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội cho chiến lược đầu tư “ngược xu thế”, dành cho những NĐT giá trị với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài vẫn có thể áp dụng. NĐT theo trường phái này có thể xem xét mua vào những mã CP thuộc nhóm ngành bất động sản, khi mặt bằng định giá của nhóm này hiện tại đã được chiết khấu khá nhiều sau chuỗi giảm giá kinh hoàng vừa qua.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản có nhiều dự án sẵn sàng để mở bán có thể là những sự lựa chọn đầu tư trong giai đoạn hiện tại. 
 Việc thiếu vắng dòng tiền từ NĐT cá nhân cũng là nguyên nhân khiến VN Index khó hồi phục trong ngắn hạn. Vì vậy, thay vì dự báo về xu hướng thị trường, NĐT nên chọn lọc CP để đầu tư.

Các tin khác