Dòng tiền trên TTCK chảy vào đâu?

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tiếp những tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2022 chứng kiến mức thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí có những phiên giá trị giao dịch của 2 sàn niêm yết tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuối năm 2020. 
 Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE, HNX và đường trung bình động 20 ngày. Những kỷ lục thanh khoản 40.000-50.000 tỷ đồng/phiên thực ra chỉ là kết quả của cơn say sử dụng vốn vay quá mức.
Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE, HNX và đường trung bình động 20 ngày. Những kỷ lục thanh khoản 40.000-50.000 tỷ đồng/phiên thực ra chỉ là kết quả của cơn say sử dụng vốn vay quá mức.

Việc thanh khoản “mất hút” diễn ra đúng vào thời điểm VN Index điều chỉnh giảm sốc liên tục xuống mức đáy 10 tháng, tạo cảm giác nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ quá nhiều đã tháo chạy khỏi thị trường.

Dòng tiền tháo chạy là có
Số liệu mới nhất đến tháng 4-2022 từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho thấy, riêng tháng 4 đã có thêm 230.765 tài khoản được NĐT cá nhân trong nước mở mới, nếu tính luôn cả NĐT tổ chức là 231.275 tài khoản. Riêng khối NĐT cá nhân trong nước, 4 tháng đầu năm nay số tài khoản mở mới lên tới 905.846.
Việc số lượng NĐT mới tham gia thị trường vẫn ổn định ở mức rất cao, tương phản hoàn toàn với mức thanh khoản sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Theo một thống kê của Fiin Group, tháng 4-2022, nhóm NĐT cá nhân lại bán ròng tới 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền trên tài khoản của NĐT tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng với số tiền đã bán ròng, số dư tiền gửi/tài khoản của NĐT cá nhân trong quý I-2022 không đáng kể, thậm chí giảm so với quý IV-2021.
Như vậy, nhiều khả năng sau khi bán ròng số tiền này đã được các NĐT cá nhân rút ra khỏi TTCK, dẫn đến lượng tiền gửi trong tài khoản tăng không tương ứng. Nguyên nhân bởi bối cảnh thị trường khó khăn, chỉ số sụt giảm mạnh suốt từ cuối tháng 3 đến nay khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng. 
Việc tháo chạy khỏi TTCK của các NĐT cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Không khó để tìm thấy trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, hàng loạt lời chia tay, giã từ, bán cắt lỗ vớt vát của các NĐT thua lỗ để “quay về làm ăn lương thiện”. Sự vỡ mộng của giấc mơ làm giàu nhanh từ đầu cơ chứng khoán có thể cảm nhận khắp nơi.
Việc tăng cường giám sát thao túng giá, xử lý hình sự một số trường hợp cũng khiến các đội nhóm đầu cơ giảm cường độ hoạt động, không loại trừ khả năng giảm quy mô đầu cơ. Các kho cổ phiếu (CP) phá sản trong đợt sụt giảm vừa qua cũng khiến một lượng lớn vốn bốc hơi và phần lớn tiền vay được thu về trả ngược lại cho các công ty chứng khoán hay ngân hàng.
Đó là chưa kể tới việc có những doanh nghiệp (DN), thậm chí là DN niêm yết, cũng tranh thủ dùng vốn sản xuất kinh doanh trước đây để đầu cơ CP nay đã dừng lại vì nguyên nhân thua lỗ, cũng khiến dòng tiền trên thị trường co lại. Lướt qua các báo cáo tài chính quý I-2022, không ít DN đã giảm hẳn hoạt động đầu tư CP, đầu tư tài chính ngắn hạn.

Dòng vốn bị hút vào các đợt phát hành
TTCK tăng trưởng mạnh, người dân ồ ạt đổ tiền vào tạo “cơ hội vàng” cho các DN huy động vốn. Đây là hoạt động chính đáng và đúng mục đích của kênh dẫn vốn này, nhưng cũng khiến sức mua trên thị trường giảm đi.
Theo báo cáo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, trong năm 2021, quy mô tăng vốn của các DN niêm yết với tổng số lượng CP đăng ký chào bán đạt hơn 16,33 tỷ CP, tương ứng giá trị hơn 177.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đó là chưa kể tới hoạt động tăng vốn thông qua các hình thức không hút tiền trực tiếp từ NĐT thông thường, như trả cổ tức, CP thưởng, quyền mua, phát hành riêng lẻ.
Riêng khối công ty chứng khoán năm 2021, 32 đơn vị hoàn tất việc tăng vốn điều lệ trong năm 2021 với tổng số vốn tăng là 32.579 tỷ đồng.
Một thống kê khác của FiinGroup, năm 2021 là năm kỷ lục về huy động vốn. Các DN niêm yết đã thực hiện phát hành CP huy động khoảng 100.600 tỷ đồng. Đây chỉ là giá trị nguồn cung CP thứ cấp, huy động vốn trực tiếp từ thị trường và không bao gồm các loại phát hành mà không có tiền vào DN như cổ tức bằng CP, CP thưởng...
Việc huy động vốn như vậy khiến dòng tiền mặt từ tài khoản của NĐT chuyển sang các DN niêm yết. Do vậy việc phát hành cũng chính là nhân tố làm giảm tổng cầu trên thị trường. Đây mới là nhân tố quan trọng nhất khiến khả năng mua của NĐT ngày càng suy yếu theo tốc độ và quy mô phát hành (nếu không mua NĐT sẽ bị thiệt), vì quy mô phát hành thêm chắc chắn lớn hơn quy mô dòng tiền mới gia nhập thị trường. Bài học này đã từng được kiểm chứng giai đoạn 2007-2008.

Nỗi ám ảnh margin
Một lý do rất thị trường nữa khiến thanh khoản hàng ngày giảm, đó là bài học thua lỗ quá nhanh khi sử dụng vốn vay để đầu cơ, đã khiến ngày càng nhiều NĐT sợ sử dụng margin. Mức thanh khoản bùng nổ trong năm 2021 tới đầu năm 2022 chắc chắn có yếu tố vốn vay, khi những cảnh báo cạn nguồn margin được các công ty chứng khoán phát đi hàng ngày.
Thậm chí ngay từ nửa cuối năm 2021, chuyên gia của Dragon Capital đã đánh giá mức thanh khoản 30.000 tỷ đồng/phiên là không thực tế và mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên là hợp lý hơn. Quan điểm này không nói thẳng, nhưng hàm ý việc sử dụng vốn vay quá nhiều đã thổi phồng quá mức khả năng thanh khoản trên thị trường. 
Điều thú vị là 3 tuần trở lại đây, giá trị khớp lệnh của 2 sàn niêm yết chỉ trung bình khoảng 16.100 tỷ đồng/phiên. Sau những ngày thất bại cay đắng vì thua lỗ gấp thếp do dùng margin, dường như sức mua trên thị trường đang trở về với con số thực.
Điều này cho thấy không hẳn là “bong bóng” dòng tiền đang “mất hút”, mà chỉ là lâu nay thị trường chưa quen với việc nhìn một quả bóng đã được xì hơi. 
 Việc tháo chạy khỏi TTCK của các NĐT cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Không khó để tìm thấy trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, hàng loạt lời chia tay, giã từ, bán cắt lỗ vớt vát của các NĐT thua lỗ để “quay về làm ăn lương thiện”.

Các tin khác