Doanh nghiệp thuỷ sản nào hưởng lợi sau quyết định POR16 của Mỹ?

(ĐTTCO) - Kết quả cuối cùng của POR16 mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, với doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) thì đây lại là thách thức.  
 Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Ngày 28-6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá định kỳ lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 1-8-2018 đến ngày 31-7-2019.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là bị đơn bắt buộc duy nhất được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg, khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, CTCP Nam Việt (ANV) là bị đơn tự nguyện (nghĩa là không cần phải kiểm tra riêng lẻ, và mức thuế dựa trên mức của bị đơn bắt buộc) cũng được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg.

Kết quả chính thức tốt hơn so với quyết định sơ bộ 0,09 USD/kg cho 2 công ty này. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác của Việt Nam, thuế chống bán phá giá vẫn ở mức 2,39 USD/kg.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), kết quả POR16 có lợi cho ANV hơn, vì VHC đã được miễn thuế chống bán phá giá trong nhiều năm (từ POR9), trong khi ANV đã rời thị trường Mỹ vào năm 2014, do thuế chống bán phá giá cao.

Đây là cơ hội lớn để ANV tái gia nhập thị trường Mỹ trong năm 2021. Dự báo ANV có thể bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ cuối quý III-2021, với ít nhất 50-70 container/tháng. Theo ước tính của VDSC, sản lượng xuất khẩu này tương đương 2,5-3 triệu USD, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu hàng tháng của ANV.

Tuy nhiên, khả năng duy trì mức thuế ưu đãi này của ANV vẫn còn chưa chắc chắn trong dài hạn. Theo POR16, ANV là bị đơn tự nguyện, nên mức thuế của ANV được tham chiếu từ bị đơn bắt buộc, là VHC, mà không cần kiểm tra riêng lẻ.

Sau khi xuất khẩu sang Mỹ, ANV có khả năng sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc trong các đợt rà soát thuế tiếp theo, nên không chắc chắn có thể tiếp tục duy trì được mức miễn thuế này. Bên cạnh khả năng bị kiểm tra riêng lẻ trong POR17, ANV cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn về ao nuôi và nhà máy chế biến theo chương trình thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ, để có thể xuất khẩu bền vững.

Thị phần của VHC tại Mỹ có thể giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021, nếu ANV xuất khẩu sang Mỹ. Do sản lượng xuất khẩu của ANV còn nhỏ so với VHC, nên doanh nghiệp này sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ.

Về dài hạn, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, nếu các kết quả rà soát thuế tiếp theo tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam thâm nhập, từ đó có thể làm tổn hại thị phần của VHC tại Mỹ về lâu dài.

VDSC lấy minh chứng cho nhận định này từ góc độ thị phần cá tra tại EU. Đây là thị trường xuất khẩu cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam, với những yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt tương đương với Mỹ, nhưng không có hàng rào thuế chống bán phá giá.

Thị phần tại EU gần như được chia đều cho các nhà xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam. Do đó, giả định kịch bản gỡ bỏ thuế chống bán phá giá cho nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam hơn trong những năm tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Các tin khác