Địa ốc giải “khát” vốn bằng trái phiếu

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu (TP). Đây có thể xem là bước đi hợp lý trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng vào BĐS đang bị siết lại theo quy định của NHNN.  

Ra hàng là hết
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) vừa công bố kết quả phát hành 200 tỷ đồng TP không chuyển đổi có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền, với lãi suất 14,45%/năm, trả lãi 3 tháng/lần. Tài sản đảm bảo là 18 triệu CP PDR được quản lý bởi CTCK Rồng Việt (VDS). Theo PDR, số TP này được 3 NĐT trong nước và 1 tổ chức nước ngoài đặt mua, gồm CTCK Thành Công (40 tỷ đồng), Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (30 tỷ đồng), CTCP Thương mại dịch vụ và Tư vấn đầu tư Sài Gòn 3 (10 tỷ đồng) và Vietnam Debt Fund SPC - quỹ thành viên của Dragon Capital (120 tỷ đồng). Tiền thu được từ đợt phát hành TP này sẽ dùng để tài trợ vốn cho dự án Nhơn Hội - Bình Định (dự kiến giải ngân trong quý II).
 Năm 2018, có 107 thương vụ phát hành TP của các công ty niêm yết trên TTCK, với khối lượng phát hành thành công 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017.
Với mục đích huy động vốn từ TP, giữa tháng 3 vừa qua, HĐQT Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM), đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng TP không chuyển đổi có tài sản đảm bảo.
Theo đó, BCM sẽ phát hành riêng lẻ 15.000 TP có mệnh giá 100 triệu đồng, thời hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2024. Tổng số tiền thu được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động của BCM, như thực hiện dự án Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, dự án Khu công nghiệp Cây Trường, dự án Tổ hợp Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ Becamex, và tăng quy mô vốn hoạt động hoặc thực hiện các dự án khác phù hợp quy định.
Trước đó, 2 đại gia trong lĩnh vực BĐS là CTCP Vinhomes (VHM) và CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), cũng đã thu về hàng ngàn tỷ đổng từ việc phát hành TP. Cụ thể, VHM phát hành 20 triệu TP (kỳ hạn 3 năm) với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, DXG phát hành tối đa 1.400 TP chuyển đổi (kỳ hạn 5 năm) thu về 1.400 tỷ đồng. Một doanh nghiệp mới niêm yết trên TTCK là CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) cũng đã chào bán thành công 500 tỷ đồng TP không chuyển đổi. 
Nổi bật nhất là trường hợp của CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL), đã huy động 140 triệu USD TP chuyển đổi ngay tại Sở Giao dịch CK Singapore (SGX). Nguồn tiền này được NVL sử dụng cho các mục đích, như tăng quỹ đất ở các vị trí đắc địa, phát triển thêm nhiều dự án BĐS và tăng cường nguồn vốn lưu động, phục vụ các hoạt động chung.
Địa ốc giải “khát” vốn bằng trái phiếu ảnh 1 Novaland đã thành công trong việc huy động vốn bằng TP cả trong lẫn ngoài nước. Ảnh: LONG THANH
Nhanh và hiệu quả
Lý giải về đợt phát hành TP vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR, cho biết đặc thù của các doanh nghiệp địa ốc là những dự án cần dòng tiền nhanh. So với lãi vay ngân hàng, lãi suất TP 14,45% không cao lắm nếu nhìn hiệu quả đầu tư. Số tiền huy động cho dự án có thể đem lại lợi nhuận cao hơn. Như vậy, việc phát hành TP giúp dòng tiền của công ty quay vòng nhanh và không phức tạp như vay ngân hàng, giúp hiệu quả đầu tư cao hơn.
Theo quy định mới của NHNN, tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giảm về 40%, thay vì 45% như trước đây. Một khi dòng vốn tín dụng bị thắt lại, doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn vốn thay thế nguồn vay ngân hàng. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), TP doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của NĐT do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành TP có uy tín thương hiệu, có phương án sản xuất và kinh doanh khả thi.
Cùng nhận định này, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG, chia sẻ ở thời điểm hiện tại, hoạt động phát hành TP diễn ra khá thuận lợi, vì có rất nhiều NĐT quan tâm và mong muốn đầu tư vào TP chuyển đổi của doanh nghiệp. Chính vì vậy, HĐQT của DXG sẽ làm việc cụ thể với NĐT để lựa chọn thời điểm phát hành TP, nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Thìn, tại ĐHCĐ 2019, HĐQT của DXG sẽ có thêm tờ trình về kế hoạch phát hành TP nhằm huy động vốn đầu tư cho các dự án trong tương lai. 

Tạo dựng niềm tin
Theo giới phân tích, ngoài những yếu tố kể trên, việc nhiều doanh nghiệp BĐS chuyển sang  huy động bằng việc phát hành TP còn đến từ những cải thiện về mặt chính sách. Đơn cử, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TP doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-2), với nhiều điểm mới theo hướng nới lỏng.
Một trong những quy định mới, là cho phép doanh nghiệp phát hành TP để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Điều kiện để doanh nghiệp phát hành TP chỉ cần báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán, không còn yêu cầu "kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi”, như quy định trước đây của Nghị định 90/2011/NĐ-CP.
Dù quy định phát hành TP đã dễ thở hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công khi huy động vốn bằng hình thức này. Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp gặp thất bại do chưa tạo được niềm tin cho NĐT. Theo lãnh đạo một công ty kiểm toán, chưa nhiều doanh nghiệp huy động được nhiều vốn qua TP, nguyên nhân xuất phát từ vấn đề niềm tin.
Khi NĐT nhìn thấy rủi ro cao hơn về tài sản đảm bảo họ sẽ không muốn đầu tư vào doanh nghiệp. Muốn cải thiện, doanh nghiệp phải minh bạch để tạo dựng lòng tin cho NĐT. Niềm tin ở đây chính là việc phải giảm dần khoảng cách giữa chuẩn mực trong quản trị đang áp dụng tại Việt Nam với chuẩn mực được áp dụng trên thế giới. 

Các tin khác