Đầu tư chứng khoán: Lạm phát, cường phát và chiến lược giao dịch tái tạo

(ĐTTCO)-Ngày 17-6-2021, sau 2 ngày thảo luận, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có khả năng tăng lãi suất đồng USD vào năm 2023, sớm hơn các dự báo trước đó. Liền ngay sau đó, thị trường các cổ phiếu và hàng hóa giảm ngay lập tức, trong khi giá USD tăng vọt. Vậy các nhà đầu tư cần phải xem lại các chiến lược đầu tư như thế nào sau cú phát tín hiệu của Fed?
Một cuộc đọ sức hoành tráng giữa hai đối thủ mang tính biểu tượng, cũng là biểu tượng trong chứng khoán giữa 2 phong cách đầu tư tăng trưởng và giá trị.
Một cuộc đọ sức hoành tráng giữa hai đối thủ mang tính biểu tượng, cũng là biểu tượng trong chứng khoán giữa 2 phong cách đầu tư tăng trưởng và giá trị.
Nhân tố thành công phải theo từng thời kỳ
Các nhà đầu tư luôn tranh luận bất phân thắng bại nên đầu tư vào cổ phiếu “tăng trưởng” hay “giá trị”, nói cách khác họ hoặc chọn cổ phiếu có tốc độ tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình thị trường, hoặc giao dịch ở mức giá thấp hơn so với các yếu tố cơ bản.
Trong số các lời khuyên chiến lược đầu tư được yêu thích lâu nay về lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng hay giá trị (dù xem ra ngày càng không bắt kịp các xu hướng mới), chính là phiên bản thị trường chứng khoán của Godzilla đấu với Kong (tác phẩm đã từng thành công các phòng vé tại Mỹ).
Đầu tư tăng trưởng thì chọn các công ty cung cấp triển vọng tăng trưởng mạnh, ngược lại đầu tư giá trị lựa chọn những công ty có vẻ như đang bị đánh giá thấp giá trị.
Đó là một cuộc đọ sức hoành tráng giữa hai đối thủ mang tính biểu tượng. Mỗi bên sẽ tung ra những đòn uy lực và ghi được phần điểm của mình, làm hài lòng fan hâm mộ.
Có rất nhiều sự hồi hộp và thót tim, nhưng không có gì rõ ràng trong câu chuyện này. Người chiến thắng cuối cùng là ai? Còn đối tượng để tranh luận: thành thật mà nói, về tổng thể thì câu chuyện không có gì thuyết phục.
Song cho dù đó là màn so găng mang tính ẩn dụ đầu tư phong cách “Hollywood” hay chiến lược đầu tư tăng trưởng và giá trị phổ biến của Phố Wall, thì cũng phải thừa nhận rằng sẽ rất dễ dàng và phần nào dễ chịu khi các nhà đầu tư cứ “trung thành” với những gì mình biết, hoặc những gì nghĩ rằng mình đã biết.
Nhưng hãy thừa nhận điều này: cuộc tranh luận giữa đầu tư giá trị và tăng trưởng xem ra ngày càng lỗi thời. Bởi lẽ sự cạnh tranh giữa hai phong cách “tăng trưởng” hay “giá trị” dựa trên sự phân đôi gượng ép được thúc đẩy bởi “nhận thức” hơn là “thực tế”.
Tất nhiên, cũng đã có những lúc cổ phiếu giá trị vượt qua tốc độ cổ phiếu tăng trưởng và ngược lại - đôi khi bởi biên tỷ suất sinh lợi trong thời gian dài. Nhưng đặt cược vào phong cách này tốt đẹp (hoặc tệ) hơn so với phong cách kia dựa trên mức độ hoặc thời gian của các thành quả trong bất kỳ khung thời gian nào của quá khứ, không phải là một chiến lược đúng đắn để tối đa hóa lợi nhuận.
Lý do rất đơn giản: các nhân tố dẫn đến thành công chỉ đặc trưng theo từng thời kỳ, khó dự đoán và không có khả năng lặp lại. Các nhà đầu tư chạy theo trào lưu rất dễ bị tổn thương nếu có những cú sốc đảo ngược bất ngờ.
Thật vậy, cuộc họp của Fed ngày 17-6 khiến thị trường đang mổ xẻ liệu đã đến hồi kết của các “giao dịch tái tạo” (reflation trade), vốn đang đem lại những thành công vượt mức trong từng thời điểm cho chiến lược đầu tư tăng trưởng và giá trị.

Nhận diện lạm phát, cường phát và hệ quả
Vậy giao dịch tái tạo là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 2 thuật ngữ dễ gây hiểu lầm. Thứ nhất là lạm phát (inflation), thuật ngữ truyền thống dựa trên mức độ gia tăng trong chỉ số giá tiêu dùng.
Một chiến lược đầu tư thích ứng với lạm phát có thể là nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ phòng ngừa rủi ro lạm phát - TIPS (trái phiếu chỉ số hóa theo lạm phát, khi lạm phát tăng, TIPS sẽ điều chỉnh giá để duy trì giá trị thực cho nhà đầu tư).
Tuy nhiên đây mới chỉ là phân nửa của phương trình. Trong khi đó, cường phát (reflation), dựa trên đồng thời 2 giả thuyết: nền kinh tế và giá cả cùng tăng tốc mạnh.  
Cường phát thường xuất hiện sau giai đoạn nền kinh tế giảm phát dai dẳng, tình huống mà chúng ta chứng kiến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Để ngăn chặn điều tồi tệ nhất, Fed đã thực hiện các chính sách tài khóa siêu nới lỏng chưa có tiền lệ để ngăn chặn suy thoái.
Đồng thời, Fed cũng thay đổi “chế độ” lạm phát từ mức mục tiêu 2%, chuyển sang mục tiêu “bình quân” lạm phát 2%. Khi chuyển sang chế độ mới, Fed thông báo sẽ giữ lãi suất cận 0 đến năm 2024 và tiếp tục mỗi tháng bơm tiền mua vào 120 tỷ USD trái phiếu chính phủ.
Cuộc chuyển đổi sang chế độ lạm phát mục tiêu bình quân, đã kết hợp cùng lúc với việc thị trường loại bỏ yếu tố bất ổn đến từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và niềm tin phục hồi kinh tế toàn cầu do hiệu quả của các nghiên cứu và thử nghiệm vaccine vào năm trước.
Tất cả các yếu tố độc nhất vô tình được kết hợp với nhau, chính xác là vào đầu tháng 11-2020, khiến thị trường bắt đầu bùng nổ các “giao dịch tái tạo”.
Trong số các yếu tố độc nhất, sự thay đổi chế độ lạm phát sau hàng thập kỷ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho thị trường nghĩ rằng Fed sẽ chấp nhận lạm phát cao hơn 2% trong một thời gian, đủ dài để giữ cho tăng trưởng kinh tế tăng tốc bù lại những gì đã mất.
Dựa trên giả thuyết này, các nhà đầu tư liền thực hiện chiến thuật bán trái phiếu (chính phủ) và mua vào mạnh các cổ phiếu. Một chiến thuật mà những ai hiểu về tài chính doanh nghiệp đều thấy đó giống như sự tái tạo các thuật giả kim tài chính, bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính (nợ) để đánh cược vào xác suất “hướng lên” của thị trường cổ phiếu.
Kết quả là chúng ta thấy đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời gian qua bắt đầu hơi dốc lên ở các kỳ hạn dài. Đồng thời các thị trường cổ phiếu đầy sắc xanh hy vọng.
Về bản chất đây chính là một sự mô phỏng giao dịch (bán) trái phiếu phi rủi ro và (mua) cổ phiếu giống như một chiến lược “quyền chọn mua”, dựa trên giả thuyết lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều tăng tốc cùng lúc. Đó chính là những mô tả cơ bản nhất của các “giao dịch tái tạo” đang làm lợi cho hàng hóa và cổ phiếu, mặc dù ưu thế nghiêng nhiều hơn đối với cổ phiếu công nghệ và các lĩnh vực mang tính chu kỳ như năng lượng, tài nguyên, tài chính.
Song sự sụt giảm trong các thị trường còn diễn ra mạnh hơn ngay sau bình luận của James Bullard, Chủ tịch Fed St Louis, về khả năng Fed có thể tăng lãi suất thậm chí sớm hơn so với những dự đoán hiện tại.
Mặc dù Fed liên tục lặp đi lặp lại rằng họ thậm chí “không nghĩ đến suy nghĩ tăng lãi suất”. Nhưng thị trường cũng “đâu phải dạng vừa”, khi bắt đầu đặt giả thuyết họ cũng biết “nghĩ về việc suy nghĩ” lãi suất tăng lên.
Việc thay đổi lập trường chính sách của Fed càng làm tăng nỗi nghi ngờ về mức độ áp lực lạm phát mà Fed thực sự sẵn sàng chịu đựng. Đặc biệt, sau khi Fed cảnh báo có khả năng sớm bắt đầu thảo luận về thời điểm thu mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.

Góc nhìn đầu tư
 Kể từ khi đại dịch covid-19 bùng nổ, Fed đã thực hiện các chính sách tài khóa siêu nới lỏng chưa có tiền lệ để ngăn chặn suy thoái, đồng thời thay đổi “chế độ” lạm phát từ mức mục tiêu 2% chuyển sang mục tiêu “bình quân” lạm phát 2%. Tất cả các yếu tố độc nhất này vô tình được kết hợp với nhau, chính xác là vào đầu tháng 11-2020, khiến thị trường bắt đầu bùng nổ các “giao dịch tái tạo”. 
Cả hai cổ phiếu giá trị và tăng trưởng đều sẽ hoạt động tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, và lợi nhuận các quý còn lại có khả năng tăng mạnh. Nhưng yếu tố quyết định sẽ không phải là liệu một công ty nhất định có mang nhãn giá trị hay tăng trưởng, được định hình bấy lâu nay như các chiến lược đầu tư truyền thống.
Trong một phân tích mới đây, Báo Đầu tư Tài chính đã đưa ra dự báo các chiến lược đầu tư và tăng trưởng đang có vấn đề: “Vì sự kết hợp độc nhất vô nhị các yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu đang sắp cạn dần năng lượng”.
Cảnh báo này dường như đang dần trở thành hiện thực từ các phân tích ở phần trên. Nhưng nếu bác bỏ chiến lược lựa chọn đầu tư tăng trưởng và giá trị, thì nên làm gì?
Thay vì cố định vào phong cách, các nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty có nền tảng cơ bản mạnh mẽ, sẵn sàng hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế theo chu kỳ và xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn như những gì mọi người đang chứng kiến ở các thị trường mới nổi, vốn hóa nhỏ và các lĩnh vực tiêu dùng thích nghi theo hoàn cảnh.
Nhưng cũng có nhiều quan điểm ủng hộ các giao dịch tái tạo, rằng sẽ còn lâu nữa chúng mới hết thời. “Nếu Fed vẫn có khả năng nhận thức được khi nào lạm phát xảy ra và xuất hiện đúng lúc để can thiệp, thì tại sao thị trường lại lo lắng thái quá lạm phát sẽ quá cao trong dài hạn”- đó là nhận định của không ít chuyên gia kinh tế. 
Một báo cáo mới đây của Barclays đưa ra nhận xét thú vị: “Fed càng lo ngại về lạm phát quá cao, thì thị trường lại càng không nên quan tâm đến lạm phát”.
Còn kinh tế gia Andrew Smithers nói về chiến lược của Fed bằng ngôn ngữ rất dễ hiểu: “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đủ để giữ kỳ vọng lạm phát trong tầm kiểm soát có thể sẽ gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Fed, vì vậy, đang hy vọng lạm phát sẽ biến mất”.
Điểm mấu chốt cho các nhà đầu tư là họ phải hiểu được chế độ nào đang và sẽ thay đổi (chẳng hạn như việc Fed chuyển đổi từ mục tiêu lạm phát sang mục tiêu lạm phát bình quân), các chuyển động của thị trường toàn cầu và các phân ngành trong đó. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc quản lý danh mục đầu tư, thay vì cứ bám lấy một vài phong cách đầu tư cổ điển nhàm chán như Godzilla đấu với Kong vậy. 

Các tin khác