Đằng sau cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán

(ĐTTCO) - Lợi nhuận khủng từ hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh, tiếp tục “châm ngòi” cho cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK). Điều đáng nói là ở đợt tăng vốn lần thứ 2 này, các CTCK nhận được sự đồng thuận từ các nhà đầu  tư (NĐT).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dồn dập tăng vốn
Trong tháng 9, CTCK Sài Gòn (SSI) có đợt tăng vốn lên 9.848 tỷ đồng, bằng việc phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu (CP) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu CP. Khi số CP phát hành thêm này vừa được đưa vào giao dịch chưa lâu, thì mới đây SSI lại công bố kế hoạch tăng vốn kế tiếp.
Cụ thể, SSI sẽ chào bán tối đa 497,3 triệu CP cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1), với giá chào bán 15.000 đồng/CP, tương ứng giá trị huy động dự kiến là 7.460 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ đạt xấp xỉ 15.000 tỷ đồng.
Khi đó, quy mô vốn của SSI sẽ tương đương với hàng loạt ngân hàng tầm trung đang niêm yết ở thời điểm hiện tại, như: TPB (11.700 tỷ đồng), OCB (13.690 tỷ đồng), HDB (19.922 tỷ đồng), EIB (12.355 tỷ đồng), SSB (14.780 tỷ đồng) hay VIB (15.530 tỷ đồng).
Không hề thua kém, CTCK VNDirect (VND) cũng vừa công bố kế hoạch tăng vốn lần thứ 2 với số lượng CP dự định phát hành thậm chí còn lớn hơn SSI. Theo đó, VND sẽ chào bán 435 triệu CP mới cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/CP (tỷ lệ 1:1).
Song song đó, VND còn phát hành ra gần 348 triệu CP thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên đến 80%, và phát hành thêm 2% vốn theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá bán ưu đãi 10.000 đồng/CP.
Với 3 phương án phát hành cùng lúc này, nếu thành công VND sẽ nâng vốn điều lệ lên gần gấp 3 lần, từ hơn 4.350 tỷ đồng lên 12.265 tỷ đồng.
Các CTCK nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng vốn lần này. Đơn cử, CTCK APG (APG) vừa chốt danh sách phát hành hơn 73 triệu CP (tỷ lệ 1:1) với giá bán 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 1.462 tỷ đồng.
Mới đây, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), công bố nghị quyết tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2021 với nội dung đáng chú ý nhất là kế hoạch phát hành 66 triệu CP tăng vốn điều lệ từ 341 tỷ đồng lên 1.001 tỷ đồng.
Tương tự, CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APS) công bố nghị quyết ĐHCĐ bất thường với kế hoạch phát hành 83 triệu CP (tỷ lệ 1:1) tăng vốn từ 830 tỷ đồng lên 2.075 tỷ đồng.
“Canh bạc” lớn
Với giá chào bán 15.000 đồng/CP, đợt phát hành CP mới này nếu thành công sẽ giúp APS thu về 1.245 tỷ đồng. Số tiền này được APS tập trung phân bổ vào nguồn vốn cho vay ký quỹ (marign) 700 tỷ đồng và cấp vốn cho hoạt động tự doanh 500 tỷ đồng.
Tương tự, với số tiền thu về từ đợt phát hành mới nhất, APG dự định sẽ phân bổ 250 tỷ đồng cho hoạt động margin, 150 tỷ đồng cho bộ phận tự doanh. 
Việc CTCK tăng vốn để dồn tiền vào 2 nghiệp vụ này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là hoạt động mang lại lợi nhuận rất lớn cho các CTCK, chứ không phải hoạt động môi giới. Lấy dẫn chứng từ thị phần môi giới quý III trên sàn HoSE với 3 vị trí đầu bảng thuộc về CTCK VPBank (VPS) với 16,5% thị phần, nhưng lợi nhuận lại kém xa so với VND và SSI.
Kết quả kinh doanh quý III của SSI với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 1.846 tỷ đồng và 831 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2021, SSI ghi nhận tổng doanh thu 5.091 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.063 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53% và 92% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã vượt 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Kết quả này có sự đóng góp lớn từ mảng cho vay margin. SSI hiện đang dẫn đầu thị trường về mảng cho vay margin với dư nợ cuối quý III ở mức kỷ lục 18.100 tỷ đồng, doanh thu từ mảng cho vay và phải thu đạt 431,6 tỷ đồng (tăng 268%).
Đằng sau cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán ảnh 1 Ảnh minh họa.
Ai hưởng lợi?
So với đợt tăng vốn trước, đợt phát hành CP tăng vốn của các CTCK ở thời điểm hiện tại thuận lợi hơn rất nhiều, bởi trong bối cảnh điểm số và thanh khoản liên tục thiết lập kỷ lục mới. Điều này thể hiện qua các đợt tăng giá khá mạnh sau khi thông tin tăng vốn được công bố.
Đơn cử SSI có đợt tăng giá từ mốc 45.000 đồng/CP lên hơn 55.000 đồng/CP, VND từ 75.000 đồng/CP tăng lên hơn 80.000 đồng/CP, VIG từ 15.500 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP, APS từ 50.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP. 
Như vậy, sóng phát hành CP mang lại lợi nhuận cho cổ đông nắm giữ CP của các CTCK. Trong khi đó, những NĐT đang giao dịch với các CTCK này, nhất là những NĐT không dùng đòn bẩy  lại không hưởng lợi gì từ các đợt tăng vốn này.
VPS hiện là CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới trên HoSE, nhưng theo phản ánh của nhiều NĐT đang giao dịch trên tài khoản của CTCK này, thì hệ thống giao dịch của CTCK này luôn gặp sự cố mỗi khi thị trường biến động mạnh.
Việc hệ thống giao dịch gặp trục trặc trong những thời điểm quan trọng này khiến cho NĐT thua lỗ nặng. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghi vấn CTCK cố tình để xảy ra sự cố nhằm ưu tiên chèn lệnh bộ phận tự doanh của CTCK mình vào trước lệnh của NĐT.
“CTCK hiện chỉ tập trung vào các hoạt động nhằm gia tăng lợi nhuận cho mình, thay vì nâng cấp hệ thống để phục vụ khách hàng tốt hơn”- anh Cường, một NĐT đang giao dịch bằng hệ thống của CTCK Techcombank (TCBS) bức xúc nói.  
Theo một chuyên gia CK, trong bối cảnh thị trường tăng nóng, tăng vốn điều lệ cũng là cách giúp nhiều CTCK có thêm nguồn tiền để rót vào hoạt động cho vay margin và tự doanh với kỳ vọng đẩy lợi nhuận tăng.
Tuy vậy, việc CTCK mạnh tay bơm tiền vào hoạt động cho vay margin và tự doanh, không chỉ khiến cho CTCK chịu áp lực về gia tăng lợi nhuận tương ứng mà còn vô tình đẩy thị trường vào “lằn ranh đỏ”.
Theo thống kê, nguồn cung margin cũng trở nên căng thẳng từ cuối quý III, khi tổng dư nợ cho vay của các CTCK vượt mốc 154.000 tỷ đồng. Nếu xét về vốn cho vay trên vốn chủ sở hữu của top 30 CTCK có vốn chủ sở hữu cao nhất, tỷ lệ này đã lên đến 1,2 lần, trong khi số cuối năm 2019 là 0,71 lần và 2020 là 0,94 lần. 
Trên thực tế, margin chỉ gây rủi ro cho NĐT, nhưng một khi thị trường lao dốc vì dòng tiền nóng margin bị rút ra, thì bản thân các CTCK cũng sẽ gặp nguy hiểm ở nghiệp vụ tự doanh. Thực tế hoạt động tự doanh đã từng đẩy nhiều CTCK đến bờ vực phá sản khi thị trường sụt giảm ở giai đoạn 2008-2009.  
 Mặc dù dư nợ margin tăng mạnh, nhưng nhu cầu giao dịch của khách hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều CTCK không thể tăng thêm dư nợ do giới hạn về hạn mức dư nợ tối đa 200% vốn chủ sở hữu.

Các tin khác