CTCK “khát vốn”, tăng lãi suất để “giữ tiền”

(ĐTTCO) - Chỉ số VN Index tính từ đầu năm 2022 đã bốc hơi gần 36% giá trị, đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lên ngôi vị số 1 thế giới về độ “xấu”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cơ hội kiếm lời quá ít mà rủi ro lại cao, trong khi đó sức hấp dẫn của biểu lãi suất huy động liên tục tăng, thậm chí có thể tới trên 9%/năm, khiến nguy cơ dòng tiền từ tài khoản công ty chứng khoán (CTCK) chảy ngược. 
“Đánh đu” với lãi suất qua đêm
Từ lâu, lượng tiền nhà đầu tư (NĐT) để trong các tài khoản đầu tư chứng khoán chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, một mức không hề bõ bèn gì so với lãi từ đầu cơ hàng ngày. Thậm chí lãi suất không kỳ hạn cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít so với phí giao dịch cho mỗi lần “xuống tiền”. Vì thế câu chuyện giữ tiền như thế nào không phải là điều khiến giới đầu tư bận tâm.
Nhưng giữa cơn bão lãi suất mấy tháng gần đây, nhất là khi TTCK quá khó để “kiếm ăn”, câu chuyện giữ tiền ở đâu cho sinh lời tốt nhất lại được quan tâm. Gửi tiết kiệm lâu nay được nhiều NĐT gán cho như một mã chứng khoán có tên “GTK” (viết tắt các chữ cái đầu), nhưng điểm dở của “cổ phiếu” này là tính linh hoạt thấp và kỳ hạn cũng thường dài mới có lợi.
Trong khi đó, chu kỳ tăng giảm của TTCK thường là ngắn hơn chu kỳ gửi tiết kiệm (6 tháng trở lên lãi suất mới hấp dẫn). Tuy vậy, những đợt tăng lãi suất vừa qua đã thu hẹp khoảng cách này. Nhiều ngân hàng đã chào mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng khoảng 6%/năm. Bài toán lúc này dễ tính hơn: Trong một tháng tới có khi TTCK vẫn chưa điều chỉnh hết, cầm tiền đứng ngoài là một lựa chọn tốt và tốt hơn là tối ưu bằng gửi tiết kiệm kỳ hạn, hơn là hưởng lãi suất không kỳ hạn chỉ 1%/năm nếu để ở tài khoản chứng khoán.
Đối với các CTCK đó là một mối lo lớn. Tiền một khi đã được chuyển sang ngân hàng thì có xác suất không nhỏ là sẽ nằm tiếp ở đó, vì làn sóng tăng lãi suất sẽ chưa dừng lại ở thời điểm này, khi áp lực lãi suất khắp thế giới, đặc biệt là từ Mỹ, còn ít nhất tới quý I-2023.
Mặt khác, dòng tiền đầu tư chảy vào tài khoản tiết kiệm, sau đó chảy trở lại tài khoản ở CTCK nào cũng là vấn đề, vì hiện NĐT có thể mở tài khoản ở nhiều công ty khác nhau. Vì vậy, một chiến lược phổ biến những tuần gần đây là các CTCK cũng phải tìm cách để giữ chân dòng vốn này, bằng cách chào mời một mức lãi suất hấp dẫn không kém, thậm chí là hơn, so với việc chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm.
Nhiều CTCK sẵn sàng trả một mức lãi suất cao hơn lãi suất không kỳ hạn tiêu chuẩn đối với lượng tiền nằm trong tài khoản chứng khoán. Không chỉ cao hơn, tính hấp dẫn phải có là mức độ linh hoạt, tức là kỳ hạn cho phép ngắn hơn, từ 1 tuần đến dưới 1 tháng, thậm chí là tính cả lãi suất qua đêm (lãi suất ngày).
CTCK V. trả lãi suất qua đêm 3%/năm đối với lượng tiền mặt trong tài khoản chứng khoán tối thiểu 1 triệu đồng. Gốc và lãi sẽ được trả vào tài khoản chứng khoán 1 tiếng trước giờ thị trường mở cửa. CTCK T. thậm chí trả 7%/năm đối với lãi suất qua đêm, để tròn 1 tuần lãi suất là 7,5%/năm và tròn tháng là 8%/năm. Hệ thống tự động tính số dư tiền vào sức mua của tài khoản chứng khoán, nghĩa là bất kỳ lúc nào NĐT cũng có thể sử dụng.
Tham khảo một số CTCK, phần lớn các công ty độc lập chỉ có thể trả mức lãi suất qua đêm tương đương với lãi suất không kỳ hạn hoặc cao hơn một chút. Tuy nhiên, các CTCK có ngân hàng mẹ sẵn sàng trả mức lãi suất vượt trội nhiều lần. Thí dụ với CTCK T. nói trên, biểu lãi suất tiết kiệm tiêu chuẩn kỳ hạn dưới 1 tháng (1 tuần đến 3 tuần) chỉ là 1%/năm, bằng với lãi suất không kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng tới 5 tháng là 6%/năm. Rõ ràng khách hàng gửi tiết kiệm sẽ không bao giờ tìm thấy mức lãi suất hấp dẫn như đối với NĐT có tài khoản chứng khoán. 

Một chiêu để lôi kéo khách và huy động vốn nhanh?
Thuần túy về mặt con số, lãi suất “giữ chân” nói trên là hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên mức lãi suất cao này cũng không hàm ý rủi ro đối với các ngân hàng mẹ. Tính linh hoạt của tài khoản đầu tư có nghĩa là một khi TTCK chuyển biến tốt, số dư tiền gửi dạng này sẽ nhỏ lại (vì được dùng để mua bán cổ phiếu). Mặt khác, CTCK cũng không có cam kết duy trì biểu lãi suất cố định mà có thể thay đổi tùy tình hình.
Đối với các CTCK có ngân hàng đứng sau, thậm chí đây có thể là một hình thức huy động vốn giúp ngân hàng mẹ. Biểu lãi suất tiết kiệm cần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lãi suất từ các tài khoản chứng khoán thì không. Các NĐT có quy mô tài khoản 1 tỷ đồng là khá phổ biến, đồng nghĩa nếu tận dụng được khoản vốn này, các ngân hàng sẽ có thêm một lượng khách hàng. Điều này gần giống với một dạng “vay nóng”, vì đa số NĐT không có ý định để tiền mặt lâu dài, cũng như CTCK không thể “chịu” mức lãi suất như vậy trong dài hạn. 
Mặt khác, biểu lãi suất hấp dẫn này cũng có sức hút nhất định đối với các NĐT ở các CTCK khác mà độ linh hoạt cũng như khả năng “chịu chơi” về lãi suất không bằng. Thực tế thì chính sự “rỉ tai” của NĐT cho nhau về tiện ích này là cách quảng bá nhanh nhất mà lại không làm “rùm beng” về cuộc đua lãi suất.  
 Một chiến lược phổ biến những tuần gần đây, là các CTCK cũng phải tìm cách giữ chân dòng vốn trong tài khoản chứng khoán của NĐT, bằng cách chào mời một mức lãi suất hấp dẫn không kém, thậm chí là hơn so với việc chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng.

Các tin khác