Công ty chứng khoán “lên nhanh, xuống nhanh”

(ĐTTCO) - Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đua nhau tăng vốn khủng. Thế nhưng, khi thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản thì các CTCK này bắt đầu bộc lộ các điểm yếu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thất bại trong dự báo 
Điểm số và thanh khoản sụt giảm kể từ tháng 5 đã tác động nhiều tới các mảng hoạt động chính của những CTCK, đặc biệt là mảng môi giới và tự doanh. Hầu hết CTCK đều ghi nhận doanh thu môi giới và lợi nhuận tự doanh tiêu cực so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận trên báo cáo tài chính (BCTC) quý II từ các CTCK đã phần nào phản ánh được thực tế này.
Theo thống kê, phần lớn các CTCK đều báo lỗ hoặc có lợi nhuận giảm sâu so với quý II năm ngoái, thời điểm TTCK bùng nổ. Kéo theo đó là giá cổ phiếu (CP) của các CTCK lao dốc và kéo vốn hóa thị trường của ngành “bốc hơi” gần 200.000 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) từ đầu năm.
Đáng chú ý là những CTCK hàng đầu như SSI, VND, VCI nằm trong danh sách các CTCK có vốn hóa giảm mạnh nhất. Thậm chí có trường hợp vốn hóa sụt giảm hàng chục ngàn tỷ đồng như SHS.
Có thể nói, việc điểm số và thanh khoản cùng lao dốc là hiện tượng nằm ngoài dự báo của các CTCK. Cụ thể, trong các báo cáo chiến lược hồi đầu năm, hàng loạt CTCK đã dự báo VN Index đạt mức điểm số cao năm 2022, đa phần dao động từ 1.700-1.900 điểm.
Thậm chí, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, nhiều CTCK vẫn giữ nguyên mức kỳ vọng VN Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm trong năm nay, tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16x. Cũng với nhận định lạc quan về dòng tiền, VND dự báo thanh khoản trên 3 sàn năm 2022 tăng khoảng 10-15% so với bình quân 2021 lên khoảng 29.000-31.000 tỷ đồng/phiên.
VDSC thậm chí còn đánh giá thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000-35.000 tỷ đồng/phiên. Thận trọng hơn nhưng con số BSC đưa ra cũng ở mức cao 28.500 tỷ đồng/phiên. 

Nguy cơ vỡ kế hoạch
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế của Top 30 CTCK hàng đầu trong quý II vừa qua chỉ còn khoảng 3.300 tỷ đồng, tức đã giảm 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn khoảng 5.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục của quý IV-2021.
Đơn cử là VDSC với lãi ròng quý II-2021 đạt gần 150 tỷ đồng, nhưng ở quý II vừa qua bất ngờ báo lỗ gần 234 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm VDSC lỗ ròng sau thuế 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỷ đồng.
Tương tự, BCTC của APS cũng ghi nhận con số “kinh hoàng” với cổ đông: chỉ riêng trong quý II APS lỗ ròng gần 363 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. ORS, một thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank, cũng công bố kết quả kinh doanh quý II hết sức tiêu cực dù doanh thu tăng mạnh.
Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 660 tỷ đồng (tăng 132%), nhưng lợi nhuận ròng của ORS lại âm gần 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 54 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ kỷ lục nhất của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết trên TTCK.
Đó chỉ là những con số của quý II khi thanh khoản thị trường vẫn còn giữ ở mức chấp nhập được. Thực tế, tình hình có thể còn bi đát hơn với các CTCK trong quý III này, khi VN Index liên tục lao dốc cùng với sự cạn kiệt về thanh khoản. Chỉ số này “thủng” mốc 1.200 điểm trong những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, còn thanh khoản có thời điểm rớt xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Thanh khoản bất ngờ sụt giảm mạnh khiến nhiều CTCK đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch trong các kịch bản xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022. Trước tình hình này, không ít CTCK đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm mạnh các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Rủi ro ngày càng hiện hữu
Hiện tại, phần lớn lợi nhuận của các CTCK không đến từ mảng môi giới và kết quả tự doanh không nhất thiết phải “neo” theo các chỉ số. Tuy nhiên, giá trị giao dịch trung bình/ngày và kết quả về điểm số của VN Index lại là những tập giá trị rất lớn và cũng là chỉ báo cho kết quả kinh doanh của các CTCK.
Trước khi TTCK lao dốc, lợi nhuận của các CTCK nội chủ yếu đến từ doanh thu tự doanh và cho vay margin. Trong khi đó, doanh thu môi giới chỉ chiếm tỷ lệ không quá lớn, nên việc thanh khoản sụt giảm không khiến cho các CTCK quá lo lắng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hệ luỵ của sự sụt giảm về mặt thanh khoản sẽ kéo theo sự tụt giảm về nguồn thu cho vay margin. Tương tự, mảng tự doanh lại phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường trong đó thanh khoản là yếu tố có vai trò quan trọng. 
Việc hàng loạt CTCK nội bất ngờ thua lỗ trong quý II đến từ sự yếu kém của hoạt động tự doanh, đã phần nào cho thấy sự chệch choạc trong việc lựa chọn hướng phát triển so với các CTCK ngoại. Khi thị trường bùng nổ, các CTCK ít chịu áp lực cạnh tranh vì lợi nhuận quá lớn từ hoạt động tự doanh, khiến cho các CTCK lơ là các mảng kinh doanh còn lại.
Thế nhưng, khi thị trường tụt dốc cũng là lúc áp lực cạnh tranh của ngành ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt là áp lực từ các CTCK ngoại. Sự xuất hiện của các CTCK ngoại khiến thị phần của các CTCK nội hàng đầu có xu hướng đi xuống. Cho vay margin vốn không phải là nghiệp vụ môi giới thuần túy, mà là một nền tảng quan trọng để “rút tiền” từ ví của các nhà đầu tư (NĐT). Thông thường, NĐT vay margin cuối cùng cũng sẽ là những người bán các CP mà họ đã sử dụng margin để mua. Vì thế, khi càng nhiều người vay ký quỹ, rủi ro xuất hiện những đợt bán tháo càng tăng. 
So với CTCK ngoại, CTCK nội có hoạt động cho vay margin chịu thêm rủi ro pha loãng CP. Để có thể bổ sung nguồn vốn cho vay margin thì nhu cầu huy động vốn vẫn tiếp tục tăng lên. Tăng vốn là một chiến lược được nhiều CTCK thực hiện để đáp ứng nhu cầu hoạt động và cạnh tranh thu hút khách hàng.
Hiện có 2 CTCK có vốn chủ sở hữu trên 14.000 tỷ đồng là SSI và VNDS (tương đương vốn của ngân hàng tầm trung). Thế nhưng, hoạt động này sẽ khiến EPS và ROE bị pha loãng, điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới giá CP của các CTCK giảm thê thảm trong thời gian qua. 
 Với bối cảnh TTCK suy giảm như hiện nay thì nhu cầu vay ký quỹ chắc chắn sẽ suy giảm, khiến cho CTCK thừa vốn, từ đó ROE suy giảm. Tình hình có thể còn bi đát hơn với các CTCK trong quý III này, khi VN Index liên tục lao dốc cùng với sự cạn kiệt về thanh khoản. 

Các tin khác