Cổ phiếu nhà băng qua thời cùng tăng, cùng giảm

(ĐTTCO) - Những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) đã có sự phân hóa khá rõ ràng với mã tăng, mã giảm, không còn cảnh cùng đồng loạt xanh hay đỏ như trước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, CP NH đã lấy lại vị thế “vua” khi trở thànnh nhóm ngành được giới đầu tư quan tâm nhất trên TTCK. Trong cơ cấu VN Index, nhóm ngành NH chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về vốn hóa lẫn lợi nhuận. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 6-2021, nhóm ngành này chiếm 34% vốn hóa và 43,3% lợi nhuận của sàn HoSE.
Dù gặp một số khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2020, nhưng lợi nhuận trước thuế của các NH niêm yết trên HoSE vẫn đạt mức tăng trưởng 16,5% so với năm 2019. Kết quả kinh doanh tích cực tiếp tục kéo dài sang quý I-2021, với lợi nhuận trước thuế tăng đến 76,4% so với cùng kỳ 2020. Theo CTCK ACB (ACBS), kết quả kinh doanh quý II của ngành NH được dự báo tiếp tục tích cực nhờ biên lãi ròng (NIM) cao và chi phí dự phòng ở mức thấp.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành NH cũng được đánh giá khá cao nhờ đặc thù riêng của ngành. Nguyên nhân do nền kinh tế và hệ thống NH phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng và thu nhập chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần. Tỷ trọng thu dịch vụ dù được cải thiện từ năm 2019 khi các NH bắt đầu hợp tác phân phối bảo hiểm với các công ty bảo hiểm (bancassurance), nhưng tỷ trọng này mới chiếm 11,7% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ NH trực tuyến còn thấp, cũng là yếu tố hấp dẫn đối với ngành NH trong việc phát triển các sản phẩm tài chính trực tuyến. Đặc biệt, giãn cách xã hội thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, qua đó giúp tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng và giúp chi phí vốn của các NH giảm.
Phân hóa ngày càng rõ nét
Theo thống kê, hiện có khoảng 100 NH và chi nhánh NH nước ngoài đang hoạt động. Trong đó có 28 NHTMCP tư nhân, 3 NHTMCP chi phối bởi NHNN, 4 NH sở hữu 100% vốn bởi NHNN, 2 NH chính sách và các NH nước ngoài.
Dù số lượng NH khá lớn và các sản phẩm khá tương đồng nhưng do quy mô thị trường lớn, nhiều phân khúc khách hàng và khẩu vị rủi ro khác nhau, nên mức độ cạnh tranh giữa các NH không quá lớn. Tuy nhiên, ngành này đang có sự phân hóa giữa nhóm NH quốc doanh với NH tư nhân, giữa NH làm ăn hiệu quả với NH yếu kém, giữa NH có quản trị rủi ro tốt với NH yếu kém.
Theo thống kê, nhóm các NH quốc doanh đang chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng và huy động. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng thị phần của nhóm NN tư nhân đang cao hơn nhờ quy mô nhỏ và tập trung vào phân khúc bán lẻ, như cho vay tiêu dùng, vay mua nhà hay ô tô. Ngoài ra, do tỷ lệ an toàn vốn cao hơn, nhóm NH tư nhân được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Đáng chú ý, trong khi nhiều NH niêm yết đã xử lý xong nợ tồn đọng, vẫn còn không ít NH đang loay hoay giải quyết khối tài sản tồn đọng lớn và một số NH chịu sự quản lý của NHNN. Do đó, các NH niêm yết với hệ thống quản trị rủi ro tốt sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn nhóm NH yếu kém. 
Ngoài ra, kể từ sau giai đoạn khủng hoảng của ngành NH năm 2012 đến nay, chất lượng tài sản của các NH niêm yết liên tục được cải thiện. Tỷ lệ nợ có vấn đề (nợ xấu và nợ nhóm 2) trên tổng tài sản của 16 NH niêm yết trên HoSE giảm từ 4,6% (năm 2012) xuống chỉ còn 1,5% (năm 2020). Đến cuối năm 2020, các NH này cũng gần như xử lý xong trái phiếu VAMC. Trong nhóm NH tư nhân niêm yết, hiện chỉ còn NHTMCP Sài Gòn Thương tín (STB) và NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chưa giải quyết xong tài sản nợ tồn đọng. 
Còn dư địa tăng?
Theo dự báo của các chuyên gia NH, lợi nhuận khả quan trong quý IV-2020 và quý I-2021 sẽ tiếp tục được duy trì trong quý II và 6 tháng cuối năm nhờ NIM được duy trì mức cao, chi phí sự phòng thấp, tăng trưởng từ các mảng kinh doanh cốt lõi. Hiện một số NH đã công bố kết quả kinh doanh quý I, trong đó nhiều NH đã về đích năm.
Đặc biệt, rủi ro nợ xấu vì vậy cũng giảm đáng kể nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, lãi suất ở mức thấp, thanh khoản dồi dào, tỷ giá ổn định, thị trường bất động sản đang dần đi vào quỹ đạo lành mạnh. Trong đó, các NH tư nhân sẽ tăng trưởng cao hơn NH quốc doanh vốn đang chịu áp lực giảm lãi suất cho vay và giảm lợi nhuận, để hỗ trợ khách hàng theo yêu cầu của NHNN. 
Theo giới phân tích, trong giai đoạn 2012-2016, khi nợ xấu tiềm ẩn lớn và các NH chưa trích lập dự phòng đầy đủ, P/B được ưa chuộng khi định giá CP NH. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, yếu tố được định giá cũng đã có sự thay đổi đáng lưu ý, như chất lượng tài sản của các NH đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó, khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt hơn sau cú sốc Covid-19.
Tại thời điểm giữa tháng 7, CP NH đang giao dịch ở mức P/E và P/B lần lượt là 14,1x và 2,4x. Từ những số liệu thống kê này, các chuyên gia phân tích ACBS cho rằng mức định giá này không có nhiều khác biệt so với 5 năm gần nhất. Ngoài ra, với ROE đạt 18,5% và kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm nay, định giá CP NH hiện tại là hợp lý. 
Thực tế, sau giai đoạn tăng nóng vừa qua, nhóm CP NH cũng bước vào giai đoạn phân hóa và nhiều mã đã giảm về mức giá hợp lý. Theo đó, những mã tăng nóng nhưng không dựa trên nền tảng kinh doanh tốt là những mã điều chỉnh mạnh nhất, như STB, SHB, LPB (LienVietPostBank), BAB (BacABank), ABB (ABBank), EIB (Eximbank), KLB (KSBank), SSB (SEABank), BVB (VietCapital Bank), SGB (SaigonBank), NAB (NamABank).
Đáng chú ý, nhóm NH quốc doanh cũng nằm trong nhóm điều chỉnh mạnh, như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (VietinBank). Ngược lại, những mã còn dư địa tăng nếu đáp ứng được những kỳ vọng, như kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh và mức định giá hợp lý chỉ điều chỉnh nhẹ và sẽ bật tăng trở lại.  
 Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại kể từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn ở mức khá cao từ 12-14%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa khiến tỷ lệ dự nợ tín dụng trên GDP tăng lên 142% cuối năm 2020

Các tin khác