Cổ phiếu nhà băng có còn hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Những bất ổn của thị trường trong thời gian gần đây khiến thông tin chia thưởng bằng cổ phiếu (CP) của các ngân hàng (NH) đã không còn nhận được sự quan tâm của NĐT. Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn nhóm CP NH vẫn đang chiếm vị thế “vua” trên TTCK.
Nhiều mã CP NH hiện đang ở mức cao và rủi ro nợ xấu hậu đại dịch cũng hiển hiện. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nhiều mã CP NH hiện đang ở mức cao và rủi ro nợ xấu hậu đại dịch cũng hiển hiện. Ảnh: VIẾT CHUNG
NĐT không còn mặn mà?
Ngày 8-7 là ngày đăng ký cuối cùng nhận CP thưởng của NH TMCP Công thương Việt Nam (CTG) với tỷ lệ 29%. Thế nhưng, trong những phiên giao dịch trước ngày giao dịch không hưởng quyền, CTG liên tục bị bên nắm giữ bán ra và giảm mạnh.
Theo thống kê, CTG giảm 5/6 phiên trước ngày giao dịch không hưởng quyền, từ 54.400 đồng/CP xuống còn 48.500 đồng/CP (giảm gần 11%). Tương tự, ngày 13-7 sẽ là ngày chốt danh sách nhận CP thưởng với tỷ lệ 35% của NH TMCP Quân đội (MBB).
Tuy nhiên, diễn biến giao dịch của MBB trong những phiên giao dịch gần đây khá trầm lắng và gần như đi ngang. Thậm chí, mã CP này còn bị bán ra mạnh và giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 6-7.
Việc NĐT hờ hững với kế hoạch phát hành CP thưởng của CTG hay MBB khiến cho giới đầu tư bất ngờ, bởi đây là 2 NH được đánh giá khá cao. Trước đó, trong thư gửi NĐT tháng 6, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan là PYN Elite nhận định CP NH tiếp tục tăng mạnh nhờ triển vọng lợi nhuận tốt.
Cụ thể, theo ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư PYN Elite, đại dịch Covid-19 là thách thức lớn với toàn thế giới, nhưng điều thú vị là cũng chính trong đại dịch, kết quả đầu tư của quỹ lại tăng tới 60% so với thời điểm dịch bắt đầu bùng phát. 
Kết quả này có được một phần nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của CP NH trong danh mục của PYN Elite. Chỉ riêng 4 mã CP "vua", gồm: HDB (NH TMCP Phát triển TPHCM), TPB (NH TMCP Tiên Phong), CTG và MBB đã chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng danh mục trị giá gần 450 triệu Euro ở thời điểm ngày 31-5.
Theo ông Petri Deryng, lợi nhuận của các NH sẽ tăng đặc biệt mạnh trong năm 2021 nhờ đánh giá lại các khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã trích trong năm trước. 4 mã CP nhà băng này hiện vẫn giữ vị trí rất quan trọng trong danh mục của PYN Elite với tổng tỷ trọng gần 40%. Các mã CP này có mức P/E dự phóng năm 2021 khá hấp dẫn là 10,6x, so với mức P/E dự phóng của ngành NH là 14,9x.

Định giá quá cao
Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến của CTG hay MBB để đánh giá CP thưởng của nhà băng không còn hấp dẫn cũng không chính xác. Trên thực tế, 2 mã CP này đã có những phiên tăng rất mạnh trong ngày xuất hiện thông tin UBCKNN chấp thuận kế hoạch phát hành CP thưởng. Các mã CP đã chốt danh sách phát hành CP thưởng trước đó cũng ghi nhận những đợt sóng tăng mạnh.
Đơn cử là mã ACB (NH TMCP Á Châu) đã phát hành 540 triệu CP thưởng với tỷ lệ 25%. Trước ngày giao dịch không hưởng quyền (10-6), ACB đã có sóng tăng, từ 38.200 đồng/CP lên 42.400 đồng/CP (tăng 11%).
Đợt điều chỉnh của CTG trước ngày hưởng cổ tức bằng CP ngoài lý do bị tác động bởi thị trường chung còn đến từ mức giá giao dịch đang đứng ở mức cao.
Cụ thể, giá trước khi điều chỉnh trước ngày chốt danh sách là 54.400 đồng/CP là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của mã CP này kể từ khi niêm yết trên TTCK năm 2009. Thế nhưng trong một báo cáo phân tích được CTCK Rồng Việt (VDSC) thực hiện giữa tháng 6 thì mức định giá hợp lý của CTG là 51.400 đồng/CP. 
Trên thực tế, đa phần các mã CP NH đang giao dịch ở mức đỉnh nhờ sóng kết quả kinh doanh quý I vừa qua. Sóng NH không chỉ kéo tăng ở nhóm nhà băng đang “ăn nên làm ra”, mà ngay cả những NH nhỏ đang chịu nhiều áp lực với các quy định về vốn cũng tăng vượt mốc 20.000 đồng/CP.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, giá CP NH đang giao dịch ở mức cao.Mức giá này thậm chí vượt xa mức định giá của giới tài chính. Chính vì vậy, dù kinh doanh hiệu quả nhưng mức giá hiện tại nhóm CP NH vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Với cùng nhận định này, các chuyên gia phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI), khuyến cáo NĐT nên cẩn trọng khi đầu tư vào CP NH, bởi các triển vọng tích cực gần như đã phản ánh hết vào giá.
Hiệu quả sau tăng vốn 
Triển vọng của ngành NH là không thể bàn cãi, nhưng điều này không có nghĩa là NH không có rủi ro, nhất là khi nhìn vào những rủi ro và thách thức mà ngành này đang đối mặt trong thời gian tới. Rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh thỉnh thoảng lại bùng phát, khiến các hoạt động trong nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng mang tính cầm chừng, ảnh hưởng lên doanh thu và khả năng trả nợ vay.
Đây cũng là lý do NHNN có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện 10 nội dung hạn chế rủi ro tín dụng khi nhận thấy rủi ro đang ngày càng gia tăng tại nhiều NH. Đáng lưu ý là dòng vốn có xu hướng tập trung rót trở lại các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, CK và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó phần lớn tập trung vào trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. 
Thực tế, nỗi lo ngại về nợ xấu không phải là thiếu cơ sở khi mà báo cáo tài chính quý I của các NH tiếp tục chứng kiến nợ xấu gia tăng. Như nợ xấu của VCB (NH TMCP Ngoại thương Việt Nam) tăng hơn 47%, lên 7.647 tỷ đồng, trong đó riêng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần gấp đôi (1.312 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp hơn 8 lần (1.935 tỷ đồng), theo đó tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 0,62% lên 0,88%.
Tại MBB, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 4.184 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 2 lần (1.857 tỷ đồng), kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,1% đầu năm lên 1,3%.
Quay lại với kế hoạch tăng vốn của NH thông qua việc phát hành CP chi trả cổ tức. Hoạt động này được đánh giá ở mặt tích cực là cải thiện năng lực vốn, quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá. Theo FiinGroup, trong tổng số 102.600 tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới của toàn bộ doanh nghiệp trên TTCK trong năm 2021, các NH chiếm 21,4%.
Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, tổng khối lượng CP lưu hành bình quân năm 2021 của các NH dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này là lý do khiến cho lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của các NH ước tăng chỉ 4,6%, dù lợi nhuận năm nay dự kiến tăng 23,8%. 
 Là ngành kinh tế tổng hợp, NH cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các khách hàng của NH. 

Các tin khác