Cổ phiếu ngân hàng “lặng lẽ” vì sao?

(ĐTTCO) - Dù nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ nhà đầu tư (NĐT) nhưng nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) gần như “im hơi lặng tiếng” trong thời gian khá dài. Vậy đâu là nguyên nhân nhóm CP NH đánh mất vị thế “vua” trên thị trường chứng khoán (TTCK)?       
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sóng cực ngắn
Phiên giao dịch ngày 11-10, VN Index bất ngờ tăng hơn 21 điểm nhờ sắc xanh từ nhóm CP NH với mức tăng trung bình 3-5%. Việc nhóm CP NH tăng giá trở lại khiến cho NĐT hết sức phấn khởi, với kỳ vọng sẽ có lãi trở lại sau thời gian dài “gồng lỗ” kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh.
Ngay cả NĐT không nắm giữ CP NH cũng vui lây, bởi ở thời điểm hiện tại, chỉ có NH mới đủ sức kéo VN Index lên mốc 1.400 điểm. 
Đơn cử là phiên 11-10, 2 mã NH đóng góp điểm số nhiều nhất cho VN Index là TCB (Techcombank) và CTG (Vietinbank) góp lần lượt là 2,09 điểm và 1,93 điểm. Tuy nhiên, nhóm CP NH nhanh chóng hạ nhiệt khi quay đầu giảm mạnh ở các phiên giao dịch kế tiếp trong sự ngỡ ngàng của NĐT.
Trước đó, nhóm CP NH cũng nhiều lần làm cho NĐT mừng hụt khi tăng mạnh rồi quay đầu giảm ở phiên kế tiếp. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 5-10, nhóm CP NH giúp cho VN Index tăng 15 điểm, nhưng ngay lập tức điều chỉnh ở phiên giao dịch ngày hôm sau. 
Dù dự báo ngành NH chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng diễn biến của nhóm CP NH trong thời gian gần đây khiến cho giới đầu tư hết sức thất vọng. Theo thống kê, nhóm CP NH đã điều chỉnh khoảng 20-30% so với đỉnh cũ.
Với mức giảm này, nhiều NĐT sử dụng margin (vay ký quỹ) để mua CP NH phải chấp nhận bán cắt lỗ. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân giải thích cho tình trạng nhóm CP NH bị bán ra mạnh ngay sau những phiên tăng nóng như đã nhắc ở trên.

Khối ngoại cũng xả hàng
Không chỉ có NĐT trong nước, áp lực bán ra của nhóm CP NH còn đến từ hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại. Theo số liệu thống kê của HoSE, khối ngoại đã bán ròng 12/16 mã CP trong 6 phiên giao dịch đầu tháng 10. Trong đó, tâm điểm rút ròng tập trung vào các mã CP NH.
Đơn cử là CTG với khối lượng bán ròng gần 9,5 triệu CP, tương đương 278 tỷ đồng. Trước đó, CTG liên tục bị NĐTNN xả hàng trong 8 tháng đầu năm và chỉ được mua ròng 337 tỷ đồng trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTG bị khối ngoại bán ròng gần 7.000 tỷ đồng.
Mã VCB (Vietcombank) cũng nằm trong danh sách CP bị khối ngoại xả mạnh với gần 1,3 triệu CP trong những phiên giao dịch đầu tháng 10 với giá trị giao dịch gần 125 tỷ đồng.
Tương tự, MBB (Quân đội) và HDB (HDBank) bị khối ngoại bán ròng với giá trị lần lượt 107 tỷ đồng và 75 tỷ đồng. Với VPB (VPBank), dù lượng bán ròng giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 10 chỉ còn 20 tỷ đồng, nhưng mã CP NH này bất ngờ nằm trong Top đầu danh sách bán ròng của khối ngoại trong 9 tháng đầu năm với giá trị hơn 5.800 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia CK, xu hướng bán ròng của khối ngoại một phần còn liên quan đến các chính sách vĩ mô quốc tế.
Đơn cử là xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Do vậy, các NĐTNN sẽ có xu hướng giảm bớt tỷ trọng tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, khối ngoại không bán ra bừa bãi mà bán có lựa chọn. Đó là những nhóm ngành tăng mạnh trong những tháng đầu năm, triển vọng kinh doanh đã phản ánh vào thị giá. Với tiêu chí này, việc NH trở thành “đối tượng” của các đợt xả hàng của NĐTNN là hoàn toàn dễ hiểu.
Trong rổ CP NH, khối ngoại sẽ ưu tiên giảm bớt tỷ trọng tại các mã không có nhiều triển vọng tăng lợi nhuận và bị ảnh hưởng mạnh bởi nợ xấu trong thời gian tới.

NĐT có lo lắng thái quá?
Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, nợ xấu là rủi ro hiện hữu và đáng lo ngại nhất đối với nhóm CP nhà băng, sau hơn 120 ngày thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo số liệu vừa được NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21%, cao hơn con số 5,08% cuối năm 2020. 
Dự báo về nợ xấu cả năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cho rằng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn dự kiến sẽ ở mức 7,1-7,7%, thậm chí xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở NH đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo các Thông tư 01, 03 và 14. Thậm chí, độ trễ của Covid-19 sẽ còn tác động sang năm 2022 nên ngành NH sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. 
Trong báo cáo về ngành NH mới được công bố, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), dự báo tỷ lệ nợ xấu cuối năm khoảng 7,2%.
Theo MBKE, mức nợ xấu này sẽ không gây ra rủi ro hệ thống, dẫn đến sự đổ vỡ trong hoạt động NH như giai đoạn 2012-2014, bởi đã có bộ đệm rủi ro nợ xấu của bản thân các NH cộng với các chính sách hỗ trợ hiện hành (như chính sách giãn nợ) đã và đang tạo dư địa cho các NH trong việc quản lý trích lập dự phòng và tăng trưởng lợi nhuận.
So sánh hoạt động của các NH trong năm 2016 (khi tỷ lệ nợ xấu ở mức 10,6%) với hiện tại (khi tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,7% và có khả năng tăng lên 7,7%).
Nếu nhìn một cách tổng thể, xem xét mức nợ xấu tiềm ẩn trong kịch bản xấu nhất, bộ đệm dự phòng rủi ro của các NH hiện đã cao hơn nhiều và được hỗ trợ thêm bởi chính sách về giãn nợ và trích lập dự phòng. Do vậy, sẽ không có gián đoạn trong hoạt động của các NH. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì và phục hồi mạnh hậu đại dịch.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV, nhưng các NH đã chủ động trích lập trong quý II, tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng NH.
Do yếu tố độ trễ này, VDSC duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng đối với ngành NH. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh từ 20-30% kể từ vùng đỉnh, nhóm CP NH vẫn có thể thu hút dòng tiền từ các NĐT trung và dài hạn. 

Các tin khác