Cổ phiếu bị cảnh báo vẫn tăng giá gần 1.000%, SJF có tái hiện cú rơi lịch sử?

(ĐTTCO) - Năm 2018, từ mức đỉnh hơn 28.000 đồng/CP, SJF có cú bổ nhào về mức giá chỉ còn 1.200 đồng/CP. Liệu lịch sử có lặp lại với SJF sau chuỗi giảm sàn liên tục vừa qua?
Cổ phiếu bị cảnh báo vẫn tăng giá gần 1.000%, SJF có tái hiện cú rơi lịch sử?

Cú lao dốc kinh hoàng trong năm 2018

Tháng 7-2017, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) niêm yết trên H0SE và chốt ngày chào sàn với mức giá 13.900 đồng/CP. Sau thời gian dài giao dịch ở mức giá dao động 13.000-14.000 đồng/CP, SJF bất ngờ có đợt sóng tăng khá mạnh trong năm 2018.

Cụ thể, chỉ trong chuỗi tăng giá kéo dài gần 1 tháng, SJF đã vượt đỉnh 28.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 24-8-2018. Thời điểm SJF tạo sóng, có không ít CTCK khuyến nghị NĐT mua vào, với nhận định cho rằng đây là mã CP tiềm năng nếu nhìn vào chiến lược đầu tư khá bài bản.

Thế nhưng, ngay khi leo lên đỉnh cao này, SJF rơi vào trạng thái bị bán ra và điều chỉnh mạnh. Thời điểm bấy giờ, nhiều NĐT vẫn cho rằng đây là hiện tượng bình thường, sau khi mã CP này có đợt tăng giá mạnh từ mức 15.400 đồng/CP.

Chính vì vậy, SJF liên tục được NĐT mua vào bắt đáy mỗi khi SJF giảm giá mạnh, đặc biệt sau khi CP này lùi về dưới mức giá 20.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 7-9-2018.

Sau khi rớt xuống dưới mốc 20.000 đồng/CP, SJF bất ngờ đảo chiều và tăng thẳng lên sát mốc 25.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 26-9-2018.

Sự hồi phục mạnh mẽ của SJF khiến nhiều NĐT lao vào bắt đáy với suy nghĩ mốc 20.000 đồng/CP là ngưỡng hỗ trợ của mã CP này. Tuy nhiên, sau đợt hồi phục này, SJF lao thẳng về mức đáy 1.160 đồng/CP trong phiên giao dịch cuối tháng 3-2020.

Tưởng không tăng nhưng tăng không tưởng

Thời điểm đầu năm 2021, SJF vẫn còn đang giao dịch ở mức giá 2.500 đồng/CP. Mức giá dưới 3.000 đồng/CP này duy trì đến thời điểm giữa tháng 7, trước khi bước vào sóng tăng không tưởng.

Tình trạng ảm đạm này khiến nhiều NĐT nắm giữ quyết định bán cắt lỗ vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi về sự hồi phục của SJF sau 3 năm ròng rã “gồng lỗ”. Tuy nhiên, khi NĐT chán trường nhất thì sóng tăng của SJF lại bất ngờ xuất hiện.

Chân sóng của SJF bắt đầu từ phiên ngày 27-7 kéo dài đến phiên 26-11. Theo thống kê, trong chuỗi tăng này, SJF có đến 30 phiên tăng trần. Chuỗi tăng giá này kéo SJF từ mức giá dưới 3.000 đồng/CP lên 24.100 đồng/CP, tương đương mức tăng gần 10 lần so với thời điểm đầu năm 2021.

Thế nhưng, sau chuỗi tăng này SJF bất ngờ "lau sàn” trong 5 phiên liên tục và hiện giảm về mức 16.850 đồng/CP. Điều đáng nói là thanh khoản của SJF ở những phiên giảm này về mức rất thấp khi bên bán thường xuyên “kê” hàng chục triệu CP ở mức giá sàn, trong khi bên mua gần như mất hút.

Tình cảnh này khiến NĐT “đu đỉnh” đứng ngồi không yên, bởi so với cách đây 3 năm, SJF ở thời điểm hiện tại khó khăn hơn rất nhiều, khi NĐT muốn bán cắt lỗ cũng không xong vì không có người mua.

Nhiều ẩn số chưa có lời giải

Đến thời điểm hiện tại, không ai có thể ý giải về cú lao dốc kinh hoàng của SJF trong năm 2018 khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này dù sụt giảm nhưng không quá nghiêm trọng khiến CP lao dốc.

Động thái đáng chú ý nhất là trước khi SJF lao dốc, hàng loạt cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đã nhanh tay bán ra lượng lớn CP đang nắm giữ. Đơn cử, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc đã bán 1,98 triệu CP và 1,65 triệu CP SJF ở mức giá đỉnh. Sau đó, 2 ông này đăng ký mua tổng cộng 6 triệu CP khi SJF về dưới mốc 5.000 đồng/CP.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, trước nhiều câu hỏi của cổ đông, lãnh đạo SJF giải thích, nguyên nhân khiến CP lao dốc vì tác động chung của TTCK do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào thời điểm đầu năm 2018.

Tuy nhiên, trước sức ép của các cổ đông, đại diện SJF đã thừa nhận việc CP bị giảm giá hơn 90%, nhiều khả năng một số cổ đông đã cầm cố CP để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không có khả năng thanh toán nên bị ngân hàng bán giải chấp cho khoản vay.

Trở lại với sóng tăng của SJF mới đây, gần như không ai có thể giải mã được câu chuyện đằng sau. Câu hỏi lớn nhất là tại sao CP đang nằm trong diện cảnh báo do thua lỗ lại tăng gần 10 lần?  

“Sự bí ẩn trong những cú lao dốc hay mới đây là sóng tăng không tưởng của SJF vẫn là câu hỏi không có lời giải, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Những câu chuyện SJF nếu còn tồn tại thì sẽ là bước lùi của TTCK" - một chuyên gia CK chia sẻ.

Các tin khác