Chứng khoán bước vào thời kỳ 'giáp hạt'

(ĐTTCO) - Nếu như các đợt công bố báo cáo tài chính quý trên thị trường chứng khoán (TTCK) được xem là “mùa vụ thu hoạch”, thì khoảng trống thông tin giữa các đợt lại chính là thời kỳ “giáp hạt”. Dòng tiền không tìm thấy lý do để giải ngân thêm, nhất là sau khi đã “no nê” một mùa vụ bội thu. Đó chính là những gì đang diễn ra...

Thường sau khi kết quả kinh doanh được công bố hết, hiệu ứng chu kỳ nói trên xuất hiện và thị trường mất đi động lực tăng trưởng.
Thường sau khi kết quả kinh doanh được công bố hết, hiệu ứng chu kỳ nói trên xuất hiện và thị trường mất đi động lực tăng trưởng.
Thanh khoản sụt giảm mang tính chu kỳ
Kể từ khi hệ thống giao dịch mới của sàn HoSE được vận hành từ ngày 5-7, thanh khoản sàn này liên tục xuống dốc, kéo theo thanh khoản chung sụt giảm rất mạnh. Càng về cuối tháng 7, thanh khoản càng giảm nhiều hơn, và những ngày cuối tuần qua 2 sàn chính thức lập kỷ lục thấp mới kể từ khi hệ thống mới hoạt động. Mức giao dịch thậm chí còn thấp hơn cả thời kỳ hệ thống giao dịch cũ.
Cụ thể, giá trị khớp lệnh sàn HoSE và HNX ngày 21-7 chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE là 12.700 tỷ đồng. Đây là con số giao dịch thấp tương đương với thời kỳ trước khi hệ thống giao dịch của HoSE được cải tiến, chứ chưa nói đến hệ thống mới. Sau khi hệ thống mới của FPT vận hành, sàn HoSE đã lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh với trên 29.000 tỷ đồng hôm 12-7. Có thể so sánh 2 con số để thấy sự khác biệt rất lớn về thanh khoản và xu hướng sụt giảm giao dịch những ngày gần đây.
Vậy hiện tượng sụt giảm giao dịch hiện tại có phải là sự bất thường hay không? Dù thanh khoản giữa các thời kỳ thị trường là khác nhau (do quy mô thị trường lớn dần lên), nhưng trong phân tích kỹ thuật có một chỉ báo là “Volume Oscillator” đo lường mức thay đổi khối lượng giao dịch theo tỷ lệ.
Áp dụng với VN Index, có thể thấy tính chu kỳ lặp lại khá rõ: Thanh khoản tăng lên nhiều tuần trước khi thị trường bước vào đợt báo cáo tài chính quý (đánh dấu bằng giữa tháng 4, tháng 7, tháng 10), sau đó giảm dần.
Điều này cho thấy sự co dãn thanh khoản có tính quy luật nhất định và theo chu kỳ báo cáo tài chính.
Về mặt logic, TTCK phản ánh kỳ vọng nên trước khi các doanh nghiệp công bố lợi nhuận, nhà đầu tư thường cố gắng dự đoán và mua vào cổ phiếu sớm chứ không đợi đến khi công bố chính thức. Vì vậy chu kỳ mua tích lũy -chốt lời-đứng ngoài của các nhà đầu tư ngắn hạn lặp đi lặp lại trên thị trường. Thậm chí đối với nhà đầu tư nắm giữ dài hạn, các chu kỳ tăng trưởng-điều chỉnh ngắn hạn vẫn là cơ hội để tái cơ cấu danh mục và hạ giá vốn. 
“Mùa giáp hạt” đang tới
Chứng khoán bước vào thời kỳ 'giáp hạt' ảnh 1 Biểu đồ: VN Index, khối lượng giao dịch và chỉ báo Volume Oscillator (đường màu xanh) cho thấy sự mở rộng hay co hẹp thanh khoản có tính chất quy luật gắn liền với các yếu tố cơ bản của thị trường.
Trong điều kiện thị trường bình thường, các tháng chốt quý và tháng kế tiếp thường là thời điểm quan trọng và thu hút dòng tiền nhất. Đây cũng là thời gian thị trường dễ tăng trưởng nhất do nhận được dòng tiền lớn hơn bình thường. Tuy nhiên sau khi kết quả kinh doanh được công bố hết, hiệu ứng chu kỳ nói trên xuất hiện và thị trường mất đi động lực tăng trưởng.
Tín hiệu thường thấy luôn là thanh khoản suy giảm bất kể các thông tin hỗ trợ xuất hiện - ở đây là kết quả kinh doanh hàng quý. Có thể thấy hiệu ứng này ngay hiện tại, với hàng loạt doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II-2021 với con số lợi nhuận tích cực, nhưng dòng tiền vào giao dịch vẫn ở mức rất thấp. 
Báo cáo tài chính quý II-2021 vừa công bố cũng hé lộ một yếu tố sớm muộn cũng phản ánh tác động lên thị trường: Đó là con số margin cực lớn tính đến hết tháng 6-2021. Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán cho thấy hiện vẫn có khoảng 120.000 tỷ đồng được nhà đầu tư vay mượn giao dịch.
Nếu còn nhớ, thời điểm 31-5-2021 đã có thống kê chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về quy mô margin toàn thị trường khoảng 112.100 tỷ đồng. Như vậy trong tháng 6 nhà đầu tư tăng sử dụng margin thêm khoảng 8.000 tỷ đồng nữa.
Đối lập với con số margin ngày càng lớn hơn, thanh khoản thị trường trong tháng 7 liên tục giảm như mới chỉ ra ở trên. Điều đó có thể hiểu là lượng tiền rút khỏi cổ phiếu đã không quay lại mua, trong khi khối lượng cổ phiếu tích lũy đang rất lớn và margin đang nằm trong cổ phiếu. Đây là hiệu ứng lặp đi lặp lại trên thị trường: Thanh khoản thời điểm thị trường đạt đỉnh luôn lớn nhất do nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu sớm đồng loạt chốt lời.
VN Index đạt đỉnh cao 1.420 điểm ngày 2-7-2021 rồi điều chỉnh khoảng 14% (tối đa) trước khi phục hồi nhẹ về cuối tuần qua. Thanh khoản sụt giảm mạnh ngay cả khi thị trường tăng trở lại và kết quả kinh doanh quý II xuất hiện là một biểu hiện của sự thận trọng mang tính mùa vụ: Kết quả kinh doanh quý II là yếu tố hỗ trợ cuối cùng trước khi thị trường bước vào “mùa giáp hạt” tháng 8, tháng 9, khi kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III chưa tới.
Nhà đầu tư bỏ qua thông tin hỗ trợ vì cho rằng nhịp tăng giá mạnh trước đó đã phản ánh yếu tố hỗ trợ này. Số liệu cũng từ báo cáo tài chính quý II của các công ty chứng khoán cho thấy số dư tiền gửi trong tài khoản của nhà đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng. 
Mặt khác, “mùa giáp hạt” năm nay còn có tác động từ sự kiện mang tính thời điểm là làn sóng Covid thứ 4 bùng phát ở các trung tâm kinh tế của cả nước. Đây là yếu tố bổ sung thêm sức nặng trong việc không chấp nhận rủi ro đầu tư, vì ảnh hưởng của sự kiện này còn quá sớm để đánh giá.
Đã có những điều chỉnh về kế hoạch tăng trưởng, những cảnh báo về đỉnh dịch vẫn chưa tới. Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, nhưng đó phải là rủi ro có thể tiên lượng được mức độ tối đa. Khi điều xấu nhất xuất hiện thì đó mới là điểm đảo chiều. 

Các tin khác