“Bình dân hóa” chứng khoán

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán Việt Nam đang là tâm điểm thu hút vốn xã hội khi giá trị giao dịch liên tục lập kỷ lục, có phiên đạt hơn 55.000 tỉ đồng. Tình hình này cũng tạo ra tranh luận, đầu tư vào đâu, bất động sản hay chứng khoán?
“Bình dân hóa” chứng khoán

Tranh luận chưa ngã ngũ nhưng nó gợi nhớ lại lời hứa chưa thực hiện của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính hứa gì?

Sau những ngày nghẽn lệnh - hệ thống giao dịch quá tải do có nhiều người mua bán - khi khắc phục xong, tháng 7-2021 Bộ Tài chính đã "hỏa tốc" yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước báo cáo áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu thay vì lô 100 (đang áp dụng). Nếu yêu cầu này được thực hiện "hỏa tốc", số người mới bước vào thị trường chứng khoán không dừng ở thêm hơn 1 triệu tài khoản trong 10 tháng đầu năm.

Trước đó, vì nghẽn lệnh, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã đề xuất "sửa luật chơi", tăng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu. Với lô 1.000, nhà đầu tư ít tiền bị gạt khỏi thị trường. Đó không phải là ý hay bởi khi mới có thị trường chứng khoán tại Việt Nam, lô giao dịch chỉ là 10 cổ phiếu, rồi tăng lên lô 100 cổ phiếu do hệ thống giao dịch không phù hợp với đà phát triển thị trường.

Nhắc lại yêu cầu hỏa tốc của Bộ Tài chính với câu hỏi: khi nào, lộ trình bao lâu để trở lại lô giao dịch 10 cổ phiếu? Điều này rất quan trọng bởi "luật chơi" lô 10 cổ phiếu là chìa khóa để "bình dân hóa" thị trường chứng khoán vốn được xem chỉ dành cho người lắm tiền. Hiện có nhiều cổ phiếu giá từ 10.000 đồng, nếu lô giao dịch là 10 cổ phiếu, có vài triệu là người dân có thể mua bán chứng khoán. 

Số tiền này chẳng hy vọng lời lóm gì nhiều nhưng nó sẽ giúp cho người mới tham gia tập tành, đặc biệt là làm quen kiểm soát cảm xúc "lời đó, lỗ đó", trước khi tự hình thành cho mình xu hướng đầu tư dài hơi. Có vậy, số người am hiểu về chứng khoán mới tăng lên, người có suy nghĩ "chứng khoán là cờ bạc" bớt đi.

Suy nghĩ "chứng khoán là cờ bạc" có phần do không phải ai cũng quen với cảm xúc "lời đó, lỗ đó". Không như bất động sản, giá đất thường do cò, môi giới cung cấp, nên khó biết thực hư thế nào...; với chứng khoán, qua 3 sàn giao dịch có tổ chức theo luật chặt chẽ, nhà đầu tư có thể biết giá hàng giờ, sáng mua, chiều xuống (lỗ rồi), hôm sau lại lên, rõ mồn một, cần thì bán ngay... khiến nhiều người cho là "cờ bạc". 

Nhưng khi đã quen với cảm giác này, người tham gia sẽ nghĩ khác. Và đây là cơ hội để sớm thực hiện mục tiêu 5% dân số tham gia thị trường chứng khoán vào năm 2025, đạt 8% năm 2030.

Lúc này, xu hướng đầu tư phân hóa rõ rệt: vàng, USD đã thoái trào. "Ngôi vương" của tiết kiệm đang lung lay khi lãi suất tiết kiệm chỉ còn 4-6%/năm (tiền gửi tiết kiệm hai tháng qua, giảm nhẹ, dù chưa trở thành xu hướng). 

Chỉ còn hai kênh đầu tư được nhắc đến nhiều: bất động sản và chứng khoán. Nếu tháo nút thắt "nhiều tiền mới được đầu tư chứng khoán", sự dịch chuyển đầu tư sẽ rõ ràng hơn, đó là điểm cộng cho nền kinh tế. Người dân dần làm quen đầu tư chứng khoán, công ty niêm yết có cơ hội huy động vốn, Nhà nước có thêm thuế. 

Nếu thị trường chứng khoán duy trì quy mô 50.000 tỉ đồng/ngày, Nhà nước thu đều 50 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân/phiên. Vì vậy, "bình dân hóa" chứng khoán là việc không thể chậm hơn nữa.

Các tin khác