Đại gia  lâm thế

Bài 4: VNECO - Nỗi lo công nợ

TCTCP Xây dựng điện Việt Nam (viết tắt Vneco, mã CK VNE) có khá nhiều lợi thế để trở thành doanh nghiệp mạnh. Nhưng vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, VNE vẫn là ẩn số trong mắt NĐT.

TCTCP Xây dựng điện Việt Nam (viết tắt Vneco, mã CK VNE) có khá nhiều lợi thế để trở thành doanh nghiệp mạnh. Nhưng vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, VNE vẫn là ẩn số trong mắt NĐT.

Ẩn số khoản phải thu

Cuối năm 2010, tổng tài sản của VNE đạt 1.664 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, đáng chú ý là các khoản mục phải thu ngắn hạn lẫn dài hạn. Tại thời điểm 31-12-2010, tổng giá trị khoản phải thu ngắn hạn các đơn vị trong tổ hợp VNE đạt 147 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng tài sản và tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Số doanh nghiệp có liên quan đến VNE trong báo cáo tài chính là 9 công ty con và 6 công ty liên kết. Khoản phải thu ngắn hạn khác là 467 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. đáng chú ý là khoản phải thu từ các pháp nhân không nhiều, trong khi các thể nhân lại khá lớn. Tổng cộng 3 cái tên L.P.L, L.T.T.V và N.K.H đã tạo ra khoản phải thu lên đến hơn 380 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng tài sản của công ty. Nếu đem gửi ngân hàng 380 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm, tiền lãi mỗi tháng cũng hơn 5 tỷ đồng và chỉ cần 5 tháng như vậy số tiền thu về cũng hơn lợi nhuận cả năm 2010 của VNE. 

Nhiều NĐT cho rằng VNE phải thuyết minh rõ ràng hơn về các khoản phải thu này để tránh những nghi ngờ về việc có sử dụng lãng phí nguồn vốn của mình hay không. Việc các doanh nghiệp lớn lấy tiền cho cá nhân vay với lãi suất thấp không phải chuyện lạ và những nghi ngờ của NĐT là điều hợp lý. Vay ngắn hạn ngân hàng của VNE khoảng 15 tỷ đồng, còn vay dài hạn ngân hàng cũng chỉ gần 230 tỷ đồng. Cuối quý III-2007, VNE phát hành 5 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 10,15% năm với thời hạn 5 năm, tiền trả lãi hàng tháng cho khoản vay này chỉ hơn 4 tỷ đồng mỗi tháng. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đáo hạn cho 500 tỷ đồng vốn vay từ trái phiếu. Không biết VNE sẽ thu hồi công nợ như thế nào để trang trải cho các khoản vay của mình?

 Mẹ khó, con hết nhờ

Năm 2010 doanh thu thuần từ các hợp đồng xây dựng của VNE đạt 175 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2009. Đây là điều rất đáng lo ngại khi lĩnh vực hoạt động mang tính truyền thống của VNE là xây lắp các công trình liên quan đến đường dây, trạm biến áp, xây dựng dân dụng, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông bên cạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp như chế tạo kết cấu thép và kinh doanh du lịch, đầu tư bất động sản giảm đáng kể.

Năm 2010 VNE đã phát hành CP để tăng vốn điều lệ từ 320 tỷ đồng lên 637,21 tỷ đồng. Số tiền thu về trong đợt phát hành này được công ty sử dụng để tái cấu trúc cơ cấu vốn 160,2 tỷ đồng, góp 53,5 tỷ đồng tham gia dự án thủy điện Hồi Xuân tại Thanh Hóa, dành 61,5 tỷ đồng đầu tư khu đô thị mới Mỹ Thượng (Thừa Thiên - Huế) và 42 tỷ đồng góp vốn vào Meca Vneco (VES) để đầu tư khu căn hộ cao cấp Vneco Plaza (quận 8, TPHCM). Mặc dù vậy, VES lại chưa được UBCKNN chấp thuận việc tăng vốn nên VNE đã sử dụng 42 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh. Năm rồi, mảng bất động sản đem về cho VNE doanh thu 34,5 tỷ đồng.

VES đang niêm yết tại HOSE, có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, trong đó 70% thuộc về VNE. Dự án Vneco Plaza của VES có diện tích 5.465m2 với tổng mức vốn đầu tư 498 tỷ đồng. Theo kế hoạch của VES, tháng 6 năm ngoái, dự án bắt đầu khởi công, thu tiền từ tháng 10 và bàn giao cho người sử dụng vào tháng 9-2012. Trong báo cáo tài chính quý IV-2010 của VES nêu ra chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án này là 91,2 tỷ đồng, tức chỉ bằng gần 1/5 tổng mức vốn đầu tư ban đầu. VES sẽ xoay xở thế nào để có hơn 400 tỷ đồng nữa hoàn thành dự án vào năm 2012.

Bản thân VNE cũng đang đeo đuổi không ít dự án nên khả năng bơm thêm vốn cho “con” cũng không dễ dàng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VNE tính đến cuối năm 2010 xấp xỉ 130 tỷ đồng trong đó có các dự án lớn như khu đô thị mới Mỹ Thượng, siêu thị Green Mart (Đà Nẵng), cao ốc văn phòng Vneco (TPHCM). 3 dự án này đã khiến VNE trả một khoản lãi vay hơn 15 tỷ đồng trong năm 2010, gần bằng 3/4 lợi nhuận cả năm, riêng dự án cao ốc văn phòng ngốn 12 tỷ đồng lãi vay.

Năm 2010 VE9 (Vneco 9) là CP trong họ Vneco được chú ý nhiều nhất nhờ những đợt “sóng thần” của mình. Những phiên tăng giá liên tục của CP này từ tháng 4 đến tháng 6 đã gây sốc cho cả thị trường. Năm qua, VE9 đạt 76,5 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt hơn 20 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2009. Nhưng điểm đáng nói, đóng góp lớn nhất cho kết quả kinh doanh của VE9 là việc chuyển nhượng khách sạn Green tại Nha Trang với giá 143 tỷ đồng. Nhưng đây chỉ là một khoản lợi nhuận không thường xuyên, năm 2009 VNE cũng đạt lợi nhuận cao hơn 80 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng khách sạn Green Plaza tại Đà Nẵng cho Công ty TNHH SX-TM-XD Thiên Thanh. Qua những trường hợp của VE9 hay VNE, có thể thấy được ở dòng họ này khả năng tạo ra đột biến nhưng để thu hút được NĐT một cách bền vững cần phải được xem lại. Lợi nhuận năm 2010 của VNE rất đáng thất vọng, vốn điều lệ hơn 630 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 20 tỷ đồng.

Hết thời?

Nhìn vào hoạt động của VNE, NĐT cảm nhận một sự dang dở. Hiện tại, VNE vẫn đang chiếm thị phần lớn trong các hoạt động xây lắp điện tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, quỹ đất cũng như các dự án bất động sản của VNE khá tốt và có nhiều lợi thế, nhưng có vẻ như VNE không “gặp thời” khi thị trường bất động sản đang trong thời kỳ khó khăn. Mảng kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn của VNE cũng gặp nhiều thách thức do tình hình kinh tế suy giảm, nhu cầu du lịch giảm sút.

So với một số “ông lớn” khác, VNE có báo cáo tài chính minh bạch hơn nhiều; các khoản vay, lãi vay, chi phí, tài sản được thuyết minh khá rõ ràng. Nhưng VNE lại làm chưa đến nơi đến chốn, như NĐT rất khó tìm các thông tin chi tiết liên quan đến các dự án của VNE. Truy cập vào website của VNE chỉ thấy những thông số chung chung chứ không thấy tiến độ thực hiện, giải ngân cho từng dự án. Hiện tại, giá CP VNE trên thị trường đang dao động quanh mức 7.000 đồng/CP, P/E năm 2010 tương đương 12 lần và đây không phải là mức giá quá rẻ. Hàng loạt CP mang họ Vneco khác cũng rơi vào tình trạng “rẻ mạt” như VNE, VE9 có giá dao động ở mức 7.000 đồng/CP, VE3 9.000 đồng/CP, VE1 hơn 6.000 đồng/CP, VES khoảng 7.000 đồng/CP. Việc đa số họ CP VNE đồng loạt giảm xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP cho thấy hình ảnh của VNE trong mắt NĐT đã giảm sút nghiêm trọng.

-----------

Bài 1:  Sông Đà ngừng chảy

Bài 2: Vinaconex - Lãi vay thổi bay lợi nhuận

Bài 3: Dic Group - Áp lực dòng tiền 

Bài 5: VNPT và SAM - Ai cần ai?

Các tin khác