Đại gia  lâm thế

Bài 3: Dic Group - Áp lực dòng tiền

Năm 2010, TCTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã CK DIG) và một số công ty trong cùng hệ thống DIC Group có kết quả kinh doanh tương đối tốt. Nhưng khả năng DIC Group vượt khó trong năm 2011 vẫn là ẩn số.

Năm 2010, TCTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã CK DIG) và một số công ty trong cùng hệ thống DIC Group có kết quả kinh doanh tương đối tốt. Nhưng khả năng DIC Group vượt khó trong năm 2011 vẫn là ẩn số.

Thách thức DIG

Năm 2010 DIG đạt doanh thu 1.113,2 tỷ đồng, tương đương 55,66% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế 513,36 tỷ đồng, vượt kế hoạch 3%. Năm nay, DIG đặt kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch năm 2011 của DIG gần giống với kế hoạch năm 2010, chỉ có doanh thu giảm từ 2.000 tỷ đồng xuống 1.600 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên 2010, DIG thừa nhận nhiều rủi ro có thể xuất hiện trong năm 2011: Trong thời gian tới, khi triển khai các dự án lớn về bất động sản và xây dựng khu đô thị, cơ cấu vốn của DIG sẽ thay đổi, bởi nhu cầu huy động vốn có thể sẽ rất lớn. Vì vậy, trong trường hợp có biến động về lãi suất vay vốn, sẽ làm tăng chi phí lãi vay, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Chẳng hạn tiến độ dự án Đại Phước và Nam Vĩnh Yên có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh chính của công ty trong thời gian tới. Đây là những dự án có quy mô lớn về nguồn vốn, đòi hỏi công ty phải có nguồn vốn dồi dào để triển khai, nếu thời gian triển khai kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của DIG.

Năm nay DIG sẽ đầu tư 137 tỷ đồng vào dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (tỉnh Đồng Nai), 148 tỷ đồng vào khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), cả 2 dự án này đều nằm trong nhóm dự án ưu tiên 1 của công ty. Theo kế hoạch của DIG, nhóm dự án ưu tiên chắc chắn đem lại doanh thu 1.110 tỷ đồng, trong đó từ dự án Đại Phước 387 tỷ đồng và dự án Nam Vĩnh Yên 253 tỷ đồng.

Cuối năm 2010, khoản mục “vay và nợ ngắn hạn” của DIG có giá trị xấp xỉ 170 tỷ đồng, “vay và nợ dài hạn” hơn 390 tỷ đồng. So với các đại gia bất động sản khác, khoản nợ vay của DIG không lớn (vốn chủ sở hữu của DIG cuối năm 2010 đạt xấp xỉ 2.430 tỷ đồng). Do vậy, cuối tháng 3 vừa qua HĐQT DIG đã thông qua việc phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm (2011-2014), đợt 1 500 tỷ đồng, đợt 2 1.000 tỷ đồng.

Cùng với đó năm nay DIG dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng CP với tỷ lệ 16% và 14% CP thưởng. Điều này sẽ giúp DIG đảm bảo được nguồn vốn kinh doanh của mình, nhưng cũng nảy sinh một vài mặt trái:

Thứ nhất, sức hấp dẫn của DIG trên TTCK có thể tiếp tục giảm. Sau khi DIG lên sàn vào năm 2009, CP này đã có những đợt sóng mạnh để tăng giá gần gấp 3 lần so với giá chào sàn, nhưng từ khi TTCK bắt đầu điều chỉnh, giá CP này cũng bắt đầu tụt dốc dần. So với cách đây 1 năm giá của DIG đã giảm hơn 50%. Nếu DIG lại bị pha loãng, NĐT có lý do để e ngại về sức bật của CP vốn đã kém còn có thể kém hơn.

Thứ hai, DIG được các CTCK có thế mạnh trong mảng phân tích đánh giá cao, nhưng diễn biến CP trên thị trường lại không đồng thuận cho lắm. Như vậy, trong năm 2011 khi những khó khăn của thị trường bất động sản còn nhiều hơn những năm trước đó, nếu DIG thể hiện được mình hoặc chí ít cũng duy trì được “phong độ”, có thể cách nhìn của NĐT sẽ thay đổi. Ngược lại, nếu DIG đưa ra những kết quả kinh doanh không khả quan, kỳ vọng có thể giảm mạnh. Nói cách khác, để duy trì được niềm tin của NĐT và cổ đông, DIG phải cố gắng hơn những năm trước.

Ẩn số từ các công ty con?

Hiện tại DIC (CTCP Đầu tư và Thương mại DIC) đang hợp tác cùng DIG để thực hiện dự án khu công nghiệp xen kẽ khu dân cư Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TPHCM). DIC sẽ là chủ đầu tư với tỷ lệ góp vốn 60% và DIG 40%. Dự án này đã được UBND TPHCM chấp thuận cho công ty làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 380ha, trong đó 300ha xây dựng khu công nghiệp 80ha xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ.

Hiện nay, dự án đã được thông qua UBND huyện Hóc Môn và các sở, ngành, thống nhất cơ bản về ranh dự án và đang lập dự án khả thi, đo đạc. Tổng vốn đầu tư của dự án 3.031 tỷ đồng với cơ cấu 742 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 696 tỷ đồng vốn vay và 1.593 tỷ đồng vốn doanh thu kinh doanh. Giả sử lãi suất vay vào khoảng 16%/năm, tiền lãi phải trả hàng năm cho khoản vay 696 tỷ đồng sẽ vào khoảng 111 tỷ đồng - một số tiền không hề nhỏ.

Trong khi đó năm 2010 lợi nhuận sau thuế hợp nhất của DIC đạt 27,75 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước do công ty đã đẩy mạnh mảng thương mại sắt thép, clinker, thạch cao, xi măng và gỗ. Đầu tháng 3, DIC đã chốt quyền mua CP phát hành với giá 11.500 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1 để tăng vốn điều lệ từ 125 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.

Nhìn vào quy mô của DIC hiện nay, cho dù dự án KCN xen kẽ khu dân cư Xuân Thới Thượng là một dự án tiềm năng, không ít NĐT đặt ra câu hỏi về việc DIC sẽ giải bài toán vốn như thế nào cho hợp lý để theo đuổi dự án khi mặt bằng lãi suất cũng như thị trường đang gặp khó khăn. Đồng thời một câu hỏi ngược lại dành cho DIG (đang sở hữu 21,65% cổ phần DIC tính đến này 16-6-2010) sẽ hỗ trợ cho DIC đến đâu?

Ngoài DIC, DIG còn sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp khác trên sàn như DC2 (CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Số 2), DC4 (CTCP DIC Số 4). Năm 2010 DC2 đã góp vốn cùng với DIG khai thác dự án khu đô thị Thăng Long tại TP Vũng Tàu. Một ngành nghề khác của DC2 là thi công xử lý nền móng công trình, năm 2010 thị phần của công ty đã chiếm lĩnh phần lớn tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, DC4 cũng đầu tư một số dự án như cụm công nghiệp Tam Phước 1, khu nhà ở Gò Cát. Điểm chung giữa 2 công ty này là có vốn điều lệ khá thấp, chỉ vài chục tỷ đồng. Như vậy, khả năng có thể tiếp tục theo đuổi các dự án của DC2 và DC4 sẽ phụ thuộc vào 2 nguồn huy động vốn đầu tư và thứ hai là hỗ trợ từ phía DIG. Đối với giải pháp huy động vốn từ TTCK trong năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lấy thí dụ trường hợp của DC4, cuối tuần qua giá CP chỉ còn 0.9, trong khi công ty lại không có lợi thế gì đặc biệt, nếu phát hành với giá 1.0 thử hỏi ai sẽ bỏ tiền ra mua?

Theo lẽ thường, trong tình hình khó khăn, trong một hệ thống công ty mẹ- con, mức độ ưu tiên sẽ được tập trung vào những đơn vị hiệu quả nhất. Trong dòng họ DIG, công ty con nào thuộc nhóm các công ty được DIG tập trung phát triển các dự án của mình sẽ hưởng lợi, ngược lại, những công ty hoạt động kém hiệu quả, những dự án chưa có khả năng sinh lời, có thể sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ.

------------------

Bài 1:  Sông Đà ngừng chảy

Bài 2: Vinaconex - Lãi vay thổi bay lợi nhuận

Bài 4: VNECO - Nỗi lo công nợ

Bài 5: VNPT và SAM - Ai cần ai?

Các tin khác