Chùa Phật Mẫu: Từ đạo hạnh đến đời thường

(ĐTTC0) - Đạo Mẫu là văn hóa tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Trong tín ngưỡng của người Việt, việc thờ Mẫu là hiện tượng khá phổ biến vì có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Mẫu có nghĩa là Mẹ. 

Từ ngàn xưa đến nay, người mẹ luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống nhân loại. Không có người mẹ sẽ không có danh nhân, không có anh hùng. Mẹ là đấng sáng tạo ra những nhân cách kỳ diệu, kỳ vĩ và huyền diệu. Mẹ đã chắt chiu cuộc sống, chịu đựng gian khó để cho các con có cuộc sống tươi đẹp. Mẹ tạo ra ấm áp để sưởi ấm con tim dù con đang ở bất cứ nơi đâu xa xôi ngàn dặm. Mẹ che chở những lúc yếu mềm cho đời con dù bước qua giông bão. Mẹ tạo bình yên, trút mọi ưu phiền những ngày con vất vả mưu sinh. Mẹ thấu hiểu những điều con chưa muốn nói…
Nếu định nghĩa về Mẹ không thể nào kể siết, chỉ biết rằng Mẹ mang đầy đủ những đức tính cao quý nhất của nhân loại. 
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con. Hay trong thơ Đỗ Trung Quân có đoạn: Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi/Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng. Sự cao cả của người mẹ trong tâm thức người Việt cũng như trong tâm linh: Đó chính là Phật Mẫu trong đạo Mẫu, cũng như người mẹ trong đời thường.
Chùa Phật Mẫu: Từ đạo hạnh đến đời thường ảnh 1 Sư thầy Thích Nữ Diệu Phương hàng ngày vẫn khám bệnh cho các bệnh nhân ở phòng thuốc từ thiện. 
Sự uy nghi và thanh tịnh của Kim Điện 
Trong một lần đi viết về đề tài từ thiện, chúng tôi đã có dịp đến chùa Phật Mẫu (ấp 3, xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Từ ngã tư Chơn Thành, đi theo con lộ vào hồ Dầu Tiếng hơn 8 km, dễ dàng nhận thấy ngôi chùa được xây dựng theo lối vừa cổ kính, vừa hiện đại nhưng không kém phần trang nghiêm, với 3 cổng lớn chạy dọc theo con lộ nhỏ được chạm tên: Kim Điện Địa Mẫu, Phòng chẩn trị từ thiện Nhân Ái và Phật Mẫu Tự.
Phải mất vài lần tìm hiểu sự hình thành và phát triển chùa Phật Mẫu mới mắt thấy, tai nghe và cảm nhận sự huyền vi cùng lòng bao dung của nữ sư thầy trụ trì Thích Nữ Diệu Phương đối với phật tử, luôn xả thân vì đạo Mẫu, bất chấp trải qua những năm tháng gian nan khổ cực trong cuộc đời hành đạo của sư thầy.
Chùa Phật Mẫu: Từ đạo hạnh đến đời thường ảnh 2 Quang cảnh cầu Thiên Ái bắc qua ao sen đến nhà Chấn Thiên để vào chánh điện. 
Kim Điện Địa Mẫu được đúc bằng bê tông cốt thép, với lối kiến trúc mang đậm nét Á Đông, mái lợp ngói xanh ngọc thạch, giống như các ngôi chùa cổ miền Trung. Có một điều rất thú vị, nơi đây xưa kia được mệnh danh là vùng đất Tứ Linh, nên điều trước tiên dễ nhận thấy ở Chùa Phật Mẫu là tất cả các thiết kế được xây dựng dựa trên nền Tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng và Tứ quý: Mai - Lan- Cúc - Trúc. Toàn bộ mặt ngoài và mặt trong của bức tường khuôn viên đều được chạm khắc tinh xảo trong vòng tròn có đường kính hơn 1m, biểu tượng của Tứ linh và Tứ quý, nhằm thể hiện sự uy nghi và phồn thịnh.
Chùa Phật Mẫu: Từ đạo hạnh đến đời thường ảnh 3 3 cổng chính của Chùa Phật Mẫu chạy dọc theo con lộ nhỏ: Kim Điện Địa Mẫu, Phòng chẩn trị từ thiện Nhân Ái và Phật Mẫu Tự. 
Dẫn vào Kim Điện là cổng Tam Quan xây theo lối hình hộp có bề dày khá rộng hơn 4m, trên cổng Tam Quan chạm hàng chữ Kim Điện Địa Mẫu bằng chữ Hán màu đỏ trên nền nhũ vàng. Đỉnh cổng Tam Quan là hình ảnh hai con rồng vàng hướng về quả cầu lửa. Hình tượng rồng được chạm trổ rất tinh tế và sống động, thể hiện sự thần thánh của nền văn minh cổ xưa, nhưng cũng tượng trưng cho sự uy nghiêm.
Sau cổng Tam Quan là cầu Thiên Ái bắc qua ao sen. Hình ảnh này mang ý nghĩa rất tâm linh, đó là khi qua cầu hưởng được mùi hoa sen thơm phảng phất sẽ làm lòng ta thanh thản, bởi những phiền não sẽ tan biến hòa vào mùi hoa sen bay vào không trung. 
Qua cầu Thiên Ái là nhà Chấn Thiên, đây là ngôi nhà tứ giác với những họa tiết chạm khắc cũng theo lối tứ linh tinh xảo, bên trong đặt một đỉnh hương nguyên khối đá grannit cao 1,35m, dài 2,7m, rộng 1,17m, nếu để ý sẽ thấy đây là những con số có sự sắp xếp của người thiết kế, dù không theo thước lỗ ban nhưng khi cộng lại mỗi con số đều bằng 9, mang ý nghĩa phong thủy cho sự may mắn và trường cửu. 
Sau nhà Chấn Thiên là bậc thang lên chánh điện. Chánh điện như nằm trên hòn núi cao. Bước lên tam cấp chánh điện với dọc hai bên là hình ảnh Rồng chầu - Lân quy, 2 trong 4 Tứ linh được tạo tác bằng đá nguyên khối với những nét điêu khắc tinh xảo. Trước hành lang chánh điện bên tả là trống, bên hữu là đại hồng chung. Hai cổng nhỏ hai bên chánh điện phía trên viết 2 chữ Từ Bi và Hỷ xả, có nghĩa nhắc nhở các phật tử khi vào đây hãy bỏ tất cả những hận thù, căm ghét, tham sân si để lòng được nhẹ nhàng. 
Ngay trung tâm chánh điện, Phật Mẫu được tôn vinh khi ngồi trên quả địa cầu. Khuôn mặt Mẫu được người tạc tượng chú ý đến từng chi tiết, từng cử chỉ, vừa uy nghi nhưng rất từ bi, vừa nghiêm khắc nhưng rất hiền từ và nhận hậu. Càng tôn vinh hình ảnh Phật Mẫu khi phía sau là bức phù điêu với hình ảnh Mẫu cưỡi chim Loan màu xanh và Cửu vị Tiên nương theo hầu. 
Cuối hành lang bên hữu chánh điện là lối đi dẫn xuống một không gian rộng rãi thoáng mát, dành cho phật tử nghỉ ngơi khi làm lễ xong hoặc chuẩn bị vào lễ. Khuôn viên nghỉ ngơi có hai nhà lục giác đối diện nhau, dành cho khách viếng chùa dừng chân nghỉ ngơi. Kề bên là hồ sen rộng lớn với Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 12m đứng trên đài lục giác giữa hồ sen. 
Điểm độc đáo của Kim Điện Địa Mẫu là xung quanh ngoại cảnh được bao bọc bởi 5 ngọn núi đá được thiết kế bằng bê tông cốt thép y như thật theo kiểu Ngũ hành sơn, bên trong mỗi ngọn núi thờ một chư vị khác nhau. Ngọn thứ nhất thờ Đức Di Lặc Bồ Tát và Đức Chuẩn đề Bồ Tát, ngọn thứ hai thờ Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, ngọn thứ ba thờ Ngũ Lệnh Nương Nương hay còn gọi là 5 Bà Ngũ Hành, ngọn thứ tư thờ Ngài Sơn Thần và ngọn thứ năm dành cho khách thập phương đến viếng chùa nghỉ ngơi. 
Quả thật, toàn bộ cảnh trí ở Kim Điện Địa Mẫu được thiết kế hài hòa, cổ kính nhưng hiện đại xen lẫn với cây cối xanh tươi, tất cả tôn lên sự thanh tịnh chốn thiền môn. Đặt chân vào Kim Điện Địa Mẫu khi nhìn những cảnh vật hiền hòa, con người thân thiện.

Đến với đạo để giúp cho đời
Thật ngỡ ngàng khi giở lại lịch sử được biết khuôn viên Chùa Phật Mẫu được xây dựng trên vùng đất mà hơn 40 năm trước là vùng đất vắng vẻ, hoang tàn, âm u vì trải qua những năm chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, có một gia đình tận miền Trung được đưa về vùng kinh tế tại đây để sinh sống (nay là ấp 3, xã Minh Long, huyện Chơn Thành, Bình Phước).
Lúc đầu về đây, gia đình ấy trải qua bao gian nan khổ cực, nhiều lúc không gánh nổi áp lực gia đình vì người trụ cột trong gia đình đã mất, con lại còn nhỏ nên người vợ tìm cách bỏ đi nơi khác để tìm cơ may lập nghiệp. Thế nhưng, cứ mỗi lần có ý định là có cái gì đó níu giữ lại. Và rồi người phụ nữ ấy tin rằng duyên và số sẽ phải ở đây. 
Năm 1978, người phụ nữ ấy đã lập nên một am nhỏ lợp tranh vách đất để thờ Mẫu và hàng ngày tụng kinh. Tiếng chuông tiếng mõ vang vọng ngày ngày làm cho vùng đất lạnh lẽo trở nên ấm cúng. Và từ đó mọi người gọi người phụ nữ ấy bằng thầy, ngôi am của thầy được gọi là Tam Bảo Tự. Năm 1988, đúng 10 năm sau từ ngày lập am, cơ duyên xây dựng chùa của thầy cũng đã đến, khi có một phật tử tại TPHCM là ông Hồ Suối Chảy, đã cảm nhận được sự linh thiêng của Tam Bảo Tự và phát tâm cúng dường để xây dựng ngôi Tam Bảo Tự và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Cũng 10 năm sau vào năm 1998, Dinh Đài lộ thiên của Phật Mẫu được xây dựng, và từ đó Tam Bảo Tự được đổi tên thành Phật Mẫu tự hay còn gọi là Chùa Phật Mẫu. Và ngày 9-9-2012, Chùa Phật Mẫu chính thức khánh thành Kim Điện Địa Mẫu. Người Phụ nữ có tấm lòng hướng về Phật Mẫu dù trải qua bao khó khăn thử thách nhưng không hề chùn bước, đó là vị tu sĩ tại gia trụ trì Chùa Phật Mẫu Thích Nữ Diệu Phương hiện nay. Sự huyền diệu, phép nhiệm màu của đạo Mẫu đã giúp cho thầy tự tin vượt qua tất cả và tiếp tục truyền bá cho các phật tử. 
Gần 40 năm, với tinh thần xả thân vì đạo pháp, thầy trụ trì đã dìu dắt các phật tử cùng nhau tu học tại chùa, hoàn thành công tác phật sự của chùa. Cùng với sự từ bi, trí huệ của thầy và lòng thành hướng đạo của phật tử, chùa Phật Mẫu hoàn thành nhiều công trình có giá trị lớn lao với đạo và giúp ích cho đời. Đó là phòng thuốc từ thiện Nhân Ái đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2006 để giúp đỡ người nghèo.
Khi đến viếng Chùa Phật Mẫu, mọi người còn nhận ra giá trị khác về y học cổ truyền, ứng dụng kinh nghiệm chữa trị bằng cây cỏ của dân gian, bằng phương pháp đông y châm cứu bấm huyệt, bằng sự tận tâm và trách nhiệm của những phật tử nơi đây. Phòng thuốc Nhân Ái đã cứu giúp được nhiều bệnh nhân, đó giá trị cao đẹp của người thầy thuốc cũng chính là sư thầy Thích Nữ Diệu Phương. 
Sư thầy chia sẻ: “Tôi và phật tử tin tưởng những công tác phật sự tại  Chùa Phật Mẫu luôn có sự gia hộ độ trì của Mẹ Địa Mẫu. Do đó, thầy trò chúng tôi luôn ấp ủ xây dựng ngôi Kim Điện để thờ Phật Mẫu - Mẹ thiêng liêng của muôn loài. Hoài bão đó ấp ủ đến 8 năm và đến ngày 9-1- 2010, lễ khởi công xây dựng Kim Điện Địa Mẫu chính thức diễn ra. Các Ban hội tự và phật tử đã xúc tiến thiết kế và xây dựng với tâm đạo lớn lao, đã dồn hết công sức, thời gian, tiền tài, vật chất nên công trình đã hoàn thành vào năm 2012 chỉ sau 3 năm. Nhưng rồi sau đó tôi vẫn trằn trọc suy nghĩ, ai đến với Chùa Phật Mẫu cũng sẽ được Mẫu thương như người mẹ trong đời thường, phải lo cái ăn cho các con của Mẫu. Và thế là từ đó nhà ăn cơm chay từ thiện được hình thành vào năm 2013”.
Hiện nay những ngày lễ lớn hoặc những ngày vía Mẫu, cổng Kim Điện Địa Mẫu luôn rộng mở để chào đón quý phật tử, quý đạo hữu và bá tánh gần xa về với Mẫu. Nhưng với cổng Phòng chẩn trị từ thiện Nhân Ái luôn luôn mở để chào đón tất cả mọi người tới đây chữa bệnh. Dù là chữa bệnh từ thiện, nhưng với ai tới đây phải có tâm hướng về Mẫu, tin Mẫu thì nỗi đau mới mau được xua tan.  
40 năm gắn liền với sự hành đạo, thầy Thích Nữ Diệu Phương đã trải qua tuổi thơ đong đầy nước mắt, đến với đạo thì sóng gió dập vùi, nhưng thầy vẫn vững vàng trên chiếc thuyền môn, vững tay chèo chở phật tử về với Phật Mẫu. 40 năm qua, cứ mỗi bước đi là một cung bậc thăng trầm trong cuộc đời đến với đạo của thầy.
Nhưng lòng thành hướng về đạo Mẫu của các phật tử ngày càng đông là niềm vui vô tận của thầy. Phòng thuốc từ thiện bình quân mỗi tháng hơn 40 triệu đồng thì đã có một số phật tử cúng dường gần 30 triệu đồng; nhà ăn từ thiện mỗi tháng hơn 20 triệu đồng cũng có phật tử lo hơn phân nửa. Song với thầy vẫn còn đó nhiều  nỗi lo toan.
Bước vào gần tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà với người đời con cháu phải phụng sự. Nhưng với thầy, dù tóc đã bạc nhưng ngày ngày vẫn chăm lo cho từng bệnh nhân trong phòng thuốc, từng miếng ăn ở nhà ăn từ thiện… và những trăn trở, vì vẫn còn đó nhiều công việc theo ước nguyện của thầy mà bá tánh đang cần giúp đỡ. Đó là trại trẻ mồ côi và nhà dưỡng lão đang xây dựng dang dở.
 Tại Việt Nam, vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể. Lễ đón bằng UNESCO ghi danh "Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã diễn ra vào ngày 2-4-2017. 

Các tin khác