Chơi chữ ngày Tết

(ĐTTCO) - Những thú chơi ngày Tết Nguyên đán được hầu hết người Việt thích thú gìn giữ. Nếu hướng ngoại người ta du xuân, nhưng không cứ phải trèo lên hùng vĩ non cao hay về những vùng quê yên bình thanh thản, mà chỉ là đi lễ chùa gần nhà, hoặc thăm hỏi người thân quanh phố bởi mưu sinh bận rộn cả năm đã trót lơ đãng.
Một góc “Phố ông Đồ” ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Một góc “Phố ông Đồ” ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Nếu hướng nội người ta chơi tranh hay chơi hoa, đào hay mai chẳng hạn. Còn tinh tế hơn thì cầu kỳ gọt giò thủy tiên vào chiều muộn tất niên, đợi đúng thời khắc rưng rưng giao thừa bâng khuâng chờ hoa nở.
Nhưng có lẽ tiêu sái nhất vẫn là chơi chữ. Hoặc là mấy dòng cảm xúc nghẹn ngào của chính mình, hoặc là những đại tự mang nghĩa lý tốt đẹp thâm sâu được công phu xin từ các bậc đại bút.
Có lẽ người biết đọc đầu tiên của nhân loại là người đã nghĩ ra chữ. Ở phương Tây, danh tính người đó hơi lờ mờ. Còn ở phương Đông, theo các học giả Dịch phái thời Chiến Quốc, người nghĩ ra chữ tượng hình tối cổ là Thương Hiệt. Vào cái ngày Thương Hiệt vạch ra những ký tự đầu tiên, cả trời và đất đều rúng động.
Kể từ lúc ấy trở đi, những cái khôn và ngoan của loài người không bị trôi theo lời nói gió bay nữa, mà được sâu lắng lại vào đá vào đồng vào giấy trắng. Khi chữ xuất hiện, nó mang sứ mệnh cứu chuộc cho sự trong sạch của lời, nó khao khát muốn làm trung thực lại những gì bị ba hoa nói. Chữ đương nhiên trở thành tinh hoa của tiếng người. Có lẽ vì thế nhân loại luôn giữ truyền thống trọng chữ.
***
Mưa phùn tiết xuân, mọi vật giao hòa đâm hoa chồi nụ. Những người biết chữ có tình, không ngẫu nhiên nổi nhiều thú hứng cao nhã. Một trong những nhã hứng đó là tục khai bút. Học giả Phan Kế Bính đã viết trong cuốn Việt Nam phong tục: “Mùng hai Tết Nguyên Đán, những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng.
Kẻ sĩ thường thường thì làm lễ khai bút”. Vậy lễ khai bút ở ta đã có từ thật lâu, và cũng chẳng hẳn là độc quyền của những người làm thơ viết văn. Kẻ sĩ, theo lời bàn rộng rãi của các bậc túc Nho, nhằm chỉ chung những kẻ mang cốt cách cao cả của chữ. Mùa xuân tháng giêng, khí dương trong trắng mới sinh, tinh hoa Trời Đất bắt đầu tụ, vung bút đón lấy cái khí thiêng trong lành đó quả là một phúc phận hiếm. 
So với “đọc” chữ, những thao tác như “nghe nhìn” có vẻ tiện lợi hơn, nhưng chắc chắn nông nổi hơn. Khi đọc, người ta thường được nghĩ, một quyền năng đặc biệt ưu tú chỉ có ở những sinh vật cao cấp. Khi được nghĩ, con người luôn có ý thức phản tỉnh để mình thanh tẩy thoát khỏi đám bụi dung tục đời thường.
Hầu hết nhân vật lỗi lạc trong lịch sử nhân loại đều là những độc giả vĩ đại. Nói chung, đọc chữ dễ dàng làm đàn ông trở nên cao thượng can đảm, đàn bà trở nên ôn nhu thủy chung. Và hơn hết, họ sâu sắc biết yêu thương đất nước dân tộc, nơi có những người thân thiết như bố mẹ của họ, bằng hữu của họ, đặc biệt là người tình của họ. Vì vậy, thú chơi chữ ở ngày Tết là hạnh phúc giản dị, nó hao hao gần với khái niệm tu thân.
Thời của chúng ta đang sống, bị nhiều kêu ca là văn hóa đọc đang đi xuống. Chưa bao giờ truyền thông qua các phương tiện nghe nhìn, cụ thể là đủ loại mạng xã hội bỗng trở nên ngông cuồng hợm hĩnh một cách thời thượng đến thế. Tốc độ sống của loài người được đẩy cao vội vã. Hẹn hò tình yêu theo kiểu mong ngóng cổ điển đã biến mất. Chát đấy, tin nhắn đấy, làm cho đám tình nhân biết rõ về nhau từng phút.
Lãng mạn vĩnh viễn tuyệt chủng. Thư tình cụt lủn điện tử giết chết thư tình nghẹn ngào viết tay. Một thao tác đòi hỏi thanh thản chậm rãi nhất như đọc sách giấy, người ta cũng bắt phải nhanh. Ngay cả sinh viên, lớp tín đồ trung thành và cuồng nhiệt của văn hóa đọc cũng đang hấp tấp trượt dần từ địa vị một tử tế độc giả sang thành những hóng hớt thính giả. Chữ phai nhạt thì sự tinh tế và trong trắng cũng phai nhạt. 

***
Thật xúc động khi nhớ lại một chiều ông Công ông Táo cách đây chừng dăm năm. Lòng thong thả hoài cổ một mình đi lang thang chơi chợ chữ Văn Miếu. Mưa phùn mịn mơ hồ nhân ảnh, rõ nét nhất vẫn là nam thanh nữ tú đôi mươi mười tám. Mắt bọn trẻ long lanh, đào hoa tương ánh hồng. Đến góc phố gần rẽ vào hồ Văn, có một giả cổ ông đồ, vét tông ngoài áo dài the đang cặm cụi viết chữ Nho sai nét. Một đôi yêu nhau như rưng rưng đứng xem. Cậu con giai đẹp như Tiên Đồng, còn cô bé giống hệt Ngọc Nữ.
Cặp đôi mua bốn chữ Cung Chúc Tân Xuân, rồi khoác vai nhau nồng nàn đi bộ dọc hè. Thiếu nữ mấp máy môi hát xanh non một ca khúc thời thượng của Sơn Tùng. Bỗng chàng trai khe khẽ đọc bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên. Cô bé ngừng hát, và đến câu “Những người muôn năm cũ/ Hồn bây giờ ở đâu”, cô bé ngước mắt hình như âm ẩm lệ nhìn người yêu thật sâu. Rồi dịu dàng vít đầu chàng trai hôn vào tóc, nghèn nghẹn thầm thì “em yêu anh”. Chữ ở ngày xuân chợt làm người ta thăng hoa thành thủy chung thăm thẳm. 
Suốt ba ngày Tết, thiên hạ có nhiều thú vui. Nhưng người có tình với chữ thường bần bạch tao nhã ngồi đọc sách. Khai bút từ sáng mồng Một vẫn dang dở, bởi khói thơm danh lợi xào nấu từ lầu son gác tía mơn mởn quyến rũ lững lờ bay ngang. “Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu/ Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”.
Tự xửa xưa, cụ tú Hải Văn, thân phụ nhà văn khét tiếng kỹ tính Nguyễn Tuân, nhân tiết xuân đã làm đôi câu đối thanh cao kiêu bạc như vậy. Bây giờ kẻ sĩ làm thơ viết văn vào dịp Tết có hơi khác. Mùa xuân tươi tốt làm lộc văn đâm cành trổ nhánh khắp ngóc ngách của văn nhân. Bình nhật viết vài dòng là khó, mới ngòn ngọt rét mùi Tết, khẽ vung tay đã trôi ra dăm tạp văn lẫn đôi ba truyện ngắn. Lắm kẻ tiểu khí vu là tham nhuận bút. Thực ra, chữ là thứ dư dật sẵn có trong mình nên kẻ sĩ hay hoang. Mà hoang chữ đàng hoàng hơn hoang tiền bạc. 
Ngày Tết là ngày của thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Thịt và dưa là văn hóa vật thể, còn câu đối hay bài thơ là văn hóa phi vật thể. Theo cách hiểu của phương Đông, hình như “phi vật thể” luôn sang hơn “vật thể”. Có lẽ do vậy nên chữ luôn luôn được quý. Thầy dạy chữ chỉ đứng sau vua và trên cả bố mẹ, thứ tự kinh điển là “Quân, Sư, Phụ”.
Theo nếp cũ chiều muộn mồng Một hoặc sớm mùng Hai học trò phải trân trọng đến kính thăm thầy. Trò tuy thành danh, nhưng khi xênh xang về Tết thầy cũ chẳng cần có biển “hạ mã”, cũng phải biết điều giấu kiệu giấu ngựa vào xó nào đấy rồi khúm núm lễ phép đi bộ tới vấn sư. Cứ xem tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống dễ dàng thấy cảnh này. Ngày nay, hình như đã thất truyền.
Ngày xuân khởi tạo những điềm lành. Tết nhất càng lúc no hơn ấm hơn, và đương nhiên thú chơi chữ ở ngày xuân càng tinh tế hơn. Nét đẹp truyền thống này của người Việt mãi mãi còn được muôn đời trân giữ.

Các tin khác