Chờ ngày tuyết tan

(ĐTTCO) - Tôi đang ở một trong những nơi có thể xem là ở tình trạng bi quan nhất châu Âu - nước Anh - nơi đang đối mặt hơn 53.000 ca bệnh Covid-19/ngày. Những ngày cuối năm 2020, số tử vong đã bắt đầu tăng 20% và những dự báo cho thấy tình hình sẽ xấu đi rất nhanh. 
Một nhà hàng ở London áp dụng biện pháp an toàn cho thực khách trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh tại Anh.
Một nhà hàng ở London áp dụng biện pháp an toàn cho thực khách trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh tại Anh.
Ở khía cạnh kinh tế, dự kiến GDP của Anh sẽ ở mức “đội sổ” của kinh tế toàn cầu năm 2020, giảm gần 10%. Hiệp định thương mại giữa Anh và EU được gọi là “Brexit deal”, đã bỏ qua rất nhiều vấn đề cốt lõi của kinh tế Anh, như vấn đề dịch vụ tài chính.
Người ta lại đá trái bóng thương lượng những dịch vụ cốt lõi đó về tháng 3-2021, mà nhiều khả năng Anh sẽ nhận được rất ít quyền tiếp cận thị trường châu Âu về dịch vụ tài chính.
Một bạn tôi vừa thăng chức lên vị trí quản lý cấp trung ở một ngân hàng đầu tư toàn cầu, tỏ ra lo lắng: “Chúng ta đang mất dần thị trường và miếng bánh lớn nhất, trong khi cổ đông vẫn kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận và dường như không hề biết họ đang đối diện với cái gì”. 
Với tình hình như vậy, không khó tưởng tượng ai cũng sẽ rất bi quan. Trong bản tin ngắn 3 phút của Channel 4 trên YouTube, tôi nhớ có 4 chủ quán bar và nhà hàng ở Anh nói: “Tôi không biết có thể chịu đựng bao lâu”, “Tình trạng này không thể kéo dài”, “Càng kéo dài chúng tôi càng thua lỗ”.
Một chủ tiệm ăn Thái Lan có tiếng vừa đóng cửa ở Bristol, cho biết anh quyết định đóng cửa nhà hàng lâu đời của gia đình vì không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhà hàng của anh đã khấu hao hết, không cần thuê mặt bằng nữa và có lượng khách trung thành, nhưng anh vẫn quyết định đóng cửa, vì “càng đợi lâu nhiều khả năng càng thua lỗ”.
Ánh sáng cuối đường hầm vẫn còn, song nó không phải là vaccine như nhiều người tưởng. Nói chuyện với một bạn làm nghiên cứu liên quan đến vaccine, từ tháng 10-2020 khi tin lạc quan về vaccine được công bố, bạn thẳng thắn: “Cậu đừng hy vọng vaccine sẽ đem con virus quái quỷ này đi đâu. Nó vẫn sẽ ở đó”.
Khi chủng virus mới được đề cập trên mặt báo, người ta phần nào tránh né câu hỏi “vaccine liệu có bị vô hiệu nếu virus cứ biến đổi”. Tôi nói bạn: “Anh đúng rồi”. Như vậy, chính niềm tin và hy vọng mới là ánh sáng cuối đường hầm để đối mặt với con virus, chứ không phải thuốc trị hay vaccine.
Ông Anthony Fauci, tên tuổi hàng đầu trong chiến dịch chống Covid của Mỹ, cho rằng có thể cần 75-90% dân số tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng. Con số này cao hơn mức 60% ông đưa ra trước đây. Ông thừa nhận với New York Times, rằng ban đầu ông đã không đưa ra con số 75-90%, vì nghĩ nếu đưa ra con số đó ngay từ đầu người ta sẽ mất đi hy vọng là có thể đạt miễn dịch cộng đồng và sẽ không tiêm vaccine.
Một vài tờ báo, chính trị gia và chủ doanh nghiệp gọi ông là “kẻ nói dối” vì đã che giấu điều này. Thực ra ông Fauci thừa nhận không ai có thể biết chắc số người cần tiêm vaccine là bao nhiêu để đạt miễn dịch cộng đồng. Con số 60% quá thấp theo suy nghĩ thật của ông. Nhưng do không muốn người dân hoảng loạn và mất hy vọng nên ông chọn con số đó lúc đầu.
Một bạn học cũ của tôi đang làm việc tại một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nước giải khát ở Việt Nam, cũng chia sẻ trong tình hình kinh tế khó khăn nếu không duy trì hy vọng, người dân sẽ không dám chi tiêu hay đầu tư mở rộng kinh doanh. Vậy tình hình tiêu thụ sản phẩm của bạn sẽ rất khó khăn.
Rõ ràng, trong các câu chuyện này, các biến số tác động đến tăng trưởng kinh tế như đầu tư, tiêu dùng, cho đến quyết định tiêm vaccine đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi yếu tố niềm tin và hy vọng. Không có những nhân tố này sẽ không có tăng trưởng kinh tế và người dân sẽ bỏ cuộc trước con virus corona chủng mới này.
Vì vậy, thứ giúp các quốc gia chống chọi với virus quan trọng nhất sẽ là hy vọng. Vaccine, thuốc trị, các gói kích thích kinh tế góp phần làm tăng hy vọng để chống chọi với dịch bệnh và đó là điều tốt. Khi vaccine xuất hiện, tờ Economist chạy ngay một số báo “Bất thình lình, hy vọng xuất hiện” trong tháng 11-2020.
Nhưng vaccine chỉ là một công cụ, hy vọng và tinh thần lạc quan mới là linh hồn của tiến trình trở lại cuộc sống bình thường. Nếu ai cũng sợ con virus đến co rúm ở nhà, sẽ không có cuộc sống bình thường được.
Ở thời điểm đầu năm 2021, châu Âu vẫn chưa đi vào những ngày lạnh nhất. Tuyết chỉ xuất hiện ở một số nơi. Và phải đợi đến tận tháng 2, tháng 3 tuyết mới tan hết. Trùng hợp thay đó cũng là thời điểm người ta kỳ vọng tình trạng phong tỏa và dịch bệnh sẽ giảm bớt.
Ông Anthony Fauci kỳ vọng một phần nào đó của miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine sẽ đạt được vào mùa thu và trạng thái bình thường sẽ được khôi phục vào cuối năm. Nhưng dỡ bỏ phong tỏa ở châu Âu có lẽ sẽ diễn ra trong tháng 2, khi số ca bệnh được dự đoán đạt đỉnh và đi xuống. 
Với người châu Âu, vì vậy họ sẽ vẫn phải duy trì hy vọng và chờ ngày tuyết tan. Ở những nước không có tuyết, người ta cũng đang đợi ngày đông tàn, xuân đến.

Các tin khác