Chiến tranh vi mạch cuộc chiến cho vị trí siêu cường

(ĐTTCO) - Ưu thế vượt trội về công nghệ đang là nền tảng để Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo trong trật tự thế giới mới. Nền tảng này đến từ các vi mạch tích hợp, hay đơn giản là các con chip. Để vượt qua Mỹ, Trung Quốc đã nỗ lực tích lũy sức mạnh trong ngành công nghiệp quan trọng này, và nay nó đã thành cuộc chiến thực sự giữa 2 siêu cường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Bộ não” của các thiết bị điện tử

Được làm từ vật liệu phủ trên silicon, các con chip có thể thực hiện nhiều chức năng. Quen thuộc nhất với người tiêu dùng có lẽ là những con chip bộ nhớ, được dùng cho các loại đĩa lưu trữ dữ liệu, loại chip đơn giản nhất và được giao dịch như hàng hóa. Chip logic chuyên chạy chương trình và hoạt động như bộ não của thiết bị, phức tạp và đắt tiền hơn.

Và khi công nghệ để chạy các thiết bị ngày càng đòi hỏi phải “thông minh” và kết nối nhiều hơn, chip bán dẫn ra đời. Những con chip này với các thành phần phức tạp được bố trí theo các mẫu cụ thể. Các mẫu này kiểm soát dòng điện bằng cách sử dụng các công tắc bóng bán dẫn. Mỗi con chip chứa hàng chục tỷ công tắc bán dẫn trong bề mặt chỉ bằng cái móng tay.

Các nhà hoạch định chính sách ở cả Bắc Kinh và Washington ngày càng coi các con chip bán dẫn là yếu tố quan trọng trong lợi thế cạnh tranh giữa 2 nước, bởi nó được coi là “bộ não” của tất cả thiết bị điện tử, từ máy lạnh, tivi, đến điện thoại, máy vi tính, xe hơi, máy bay, tàu ngầm, tên lửa và cả tàu vũ trụ. Với Trung Quốc, đây là một vấn đề chiến lược, vì họ đang phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chip từ các đối thủ cạnh tranh địa chính trị như Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ. Đối với Washington, những tiến bộ của Trung Quốc trong sản xuất chip đe dọa các lợi thế công nghệ đã củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ trong nhiều thập niên.

Theo ước tính của giới chuyên gia, về vi mạch và chất bán dẫn, Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước vào năm 2025 và dẫn đầu sản xuất toàn cầu vào năm 2030. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh chiếm hơn 53% công nghệ này và Trung Quốc chỉ ở mức 6%. Dù vậy, Bắc Kinh đã dành 118 tỷ USD để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp trong nước của mình.

Đường đua siêu cường

Trong nhiều thập niên, các chính phủ ở cả 2 bờ Thái Bình Dương đã coi chuỗi cung ứng là công cụ để đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Ngay từ những năm 1950, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã chấp nhận ý tưởng lắp ráp các thiết bị điện tử do nước này thiết kế ở châu Á, nhằm ràng buộc các đồng minh châu Á chặt chẽ hơn. Từ Seoul, Singapore đến Đài Bắc, đều coi việc tham gia chuỗi cung ứng lấy Mỹ làm trung tâm là chiến lược tốt, không chỉ để thu hút việc làm, còn nâng tầm quan trọng cũng như củng cố niềm tin của họ đối với Mỹ.

Chiến lược này đã thành công. Cho đến nay trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, có 2 công ty ở châu Á, gồm Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc. Công ty còn lại là Intel Corp của Mỹ. Trong đó, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của TSMC hiện chiếm một nửa sản lượng chip bán dẫn toàn cầu tính theo doanh thu. Điều này đã khiến Đài Loan vươn lên thành “tay chơi” lớn trong ngành công nghiệp chip toàn cầu, đến nỗi hiện nay Mỹ cũng phụ thuộc vào Đài Loan trong ngành chip.

Trung Quốc dĩ nhiên không ngồi yên để Mỹ tăng khoảng cách. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với các công ty sản xuất chip. TSMC đã có nhà máy sản xuất ở Thượng Hải từ nhiều năm qua, trước khi mở thêm chi nhánh ở Mỹ. Ngoài đầu tư trong nước, Trung Quốc cũng mở rộng tầm với thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển giàu tài nguyên, đặc biệt ở châu Phi, nhằm nắm giữ nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm (REE) rất quan trọng đối với việc sản xuất chip và các linh kiện công nghệ.

Những “phát pháo” chiến tranh

Mỹ đã quyết định phải làm nhiều hơn để kiềm chế Trung Quốc trong ngành công nghiệp chip. Đạo luật Khoa học và Chips, được ký ngày 9-8, đã cung cấp khoảng 50 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Cả 3 nhà sản xuất lớn nhất thế giới đều đã công bố kế hoạch cho các nhà máy chip mới tại Mỹ.

Tiếp đó, vào tháng 10 Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với một số chip và thiết bị sản xuất chip, nhằm ngăn Trung Quốc phát triển các năng lực có thể trở thành mối đe dọa quân sự, chẳng hạn như siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Chính quyền Biden đã bổ sung thêm 36 công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip lớn YMTC vào "danh sách thực thể" của Washington. Việc này có nghĩa các công ty Mỹ sẽ cần sự cho phép của chính phủ để bán một số công nghệ nhất định cho họ và sự cho phép đó rất khó khăn.

Động thái này ngay lập tức ảnh hưởng mạnh đến ngành chip Trung Quốc, bởi các nhà sản xuất chip của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và các đồng minh. Nhà thiết kế chip máy tính Arm có trụ sở tại Anh đã xác nhận sẽ không bán các thiết kế tiên tiến nhất của mình cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ công nghệ Alibaba. Vào tháng 12, Mỹ tiếp tục chiến lược này, khi nỗ lực đàm phán để đưa thêm Hà Lan và Nhật Bản vào “liên minh chip” chống lại Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước này đối với chất bán dẫn và công nghệ liên quan. Trong hồ sơ đệ trình lên WTO, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để duy trì "sự lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và sản xuất". Đơn kiện nói các hành động của Mỹ đe dọa "sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu". Đáp lại, Mỹ cho biết WTO "không phải là diễn đàn thích hợp" để giải quyết các lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp kiểm soát của Mỹ có thể khiến Trung Quốc tụt hậu xa hơn so với các nước sản xuất chip khác.

Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ về sản lượng chip. Vì vậy, chiến lược của Mỹ là đi trước Trung Quốc về khả năng công nghệ.

Các tin khác