Cần tầm nhìn mới du lịch tâm linh Huế

(ĐTTCO) - Du lịch tâm linh là thế mạnh của cố đô Huế, song đến nay vẫn loay hoay trong việc khai thác để làm sao “lấy tiền” du khách một cách nhân văn và sang trọng. 
Cần tầm nhìn mới du lịch tâm linh Huế

Thừa tiềm năng, no nê danh hiệu

Huế từng là kinh đô của triều Nguyễn và được xem như thủ đô của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ những thánh tích tín ngưỡng thờ Mẫu, và sở hữu những công trình kiến trúc tiêu biểu cho lối kiến trúc roman - gothique của Công giáo.

Bên cạnh đó, cố đô Huế còn có rất nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến các lễ tế đàn, lễ hội điện Huệ Nam, đền Huyền Trân công chúa… hình thành tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài trong dòng chảy lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo.

Đó là cơ sở để Huế đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch tâm linh - một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Song Huế mới có một số điểm du lịch đón khách hành hương, đến khấn bái, cầu phúc, cầu may, chưa có những trung tâm hành thiền, những dịch vụ khác để khách có thể ở lại nhiều ngày, nên nguồn thu từ loại hình du lịch tâm linh chưa được nhiều.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, từng khẳng định: “Huế là đất Phật, chùa Huế là loại hình di sản khó nơi nào ở Việt Nam sánh bằng... Chính những yếu tố nêu trên, Huế đã trở thành nơi chứa đựng và lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc - báu vật có khả năng tạo nên những lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh.

Vì vậy, di sản văn hóa Phật giáo Huế cần được chú trọng và quan tâm nhiều hơn, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời quảng bá, khai thác dưới nhiều góc độ trong chiến lược phát triển, khi Huế trở thành thành phố du lịch, thành phố festival của cả nước".

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đang rà soát, thống kê các sản phẩm liên quan đến du lịch tâm linh. Bên cạnh sản phẩm tâm linh liên quan đến tôn giáo, phát triển các sản phẩm gắn với Quần thể Di tích cố đô Huế, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh hơn các chương trình tâm linh gắn với nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, thiền.

Đồng thời, có những cơ chế, vận động các doanh nghiệp mở các homestay gần các điểm tâm linh, mở thêm các dịch vụ bổ trợ trong các điểm tâm linh không thể khai thác.

Lần đầu tiên tại Festival Huế 2022, lễ nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường bộ trong lễ hội điện Huệ Nam được tái hiện.

Lần đầu tiên tại Festival Huế 2022, lễ nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường bộ trong lễ hội điện Huệ Nam được tái hiện.

Cần cách tiếp cận mới

Sau hơn 20 năm tổ chức Festival Huế, lần đầu tiên Đại lễ Phật đản tại Huế được đưa vào chương trình “đinh” Festival Huế 2022 định hướng 4 mùa, nhằm góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn đa dạng và đặc trưng của Huế để thu hút du khách.

Tuy nhiên, qua mùa Phật đản 2022, lượng khách du lịch đến Huế tham gia các hoạt động không nhiều. Các tour hành hương mùa Phật đản gần như không được các doanh nghiệp triển khai.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên tỉnh Thừa Thiên - Huế, phân tích: Cách tiếp cận và các giải pháp thu hút du khách bằng lễ Phật đản ở Huế đang có vấn đề. Chẳng hạn, với lễ Phật đản, sẽ không có quan niệm chùa lớn, hay chùa nhỏ đối với Phật tử, mà là nơi gửi gắm niềm tin. Mùa Phật đản, phật tử sẽ ở lại địa phương mình để tổ chức các hoạt động.

Phật tử sẽ không đi du lịch vào những ngày này, kể cả những tour hành hương. Còn khách không theo đạo Phật sẽ không quan tâm nhiều đến các hoạt động Phật đản. Việc thu hút khách du lịch tâm linh được tổ chức chung với cả nước, hay trên thế giới là rất khó.

Một số chuyên gia về lĩnh lực kinh tế du lịch nhìn nhận, nếu so sánh phát triển về hạ tầng, cố đô Huế không bằng Hà Nội, TPHCM. Nhưng xét về cảnh quan, nhất là chiều sâu văn hóa và tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, Huế “ăn đứt” các nơi khác. Vì vậy, Huế cần có kế hoạch đúng, du khách được hưởng thụ những giá trị cao nhất loại hình du lịch tâm linh mang lại.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng, xây dựng các phương án, thống nhất lựa chọn các điểm đến có thể khai thác du lịch. Sau đó doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm.

Ông Trần Hữu Cửu góp ý, với du lịch tâm linh cần tổ chức thành sự kiện, lễ hội riêng, vào khung thời gian các địa phương khác không có. Khi đó, mới kích thích những tour hành hương đến vùng tâm linh. Khi tổ chức cần quảng bá, cho du khách biết điểm đến có giá trị tâm linh thật sự, vì Huế vẫn còn có sự dè chừng về điều này.

Tương tự, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân Tịnh cư Cát Tường Quân (TP Huế), cho rằng cần có những sản phẩm đáp ứng được 2 dòng khách chủ yếu của du lịch tâm linh. Thứ nhất, với khách hành hương vẫn đáp ứng được nhu cầu bằng những dịch vụ bình dân. Thứ hai, với dòng khách cao cấp, chính khách, doanh nhân đến Huế để tìm niềm vui bằng những chuyến lưu trú để hành thiền dài ngày, cần thiết kế quy trình đón tiếp bài bản và chuyên nghiệp ngay từ sân bay, cho đến nơi lưu trú.

Bên cạnh đó, Huế cần hình thành những trung tâm thiền trong những không gian yên tĩnh. Có thể hình thành những điểm hành thiền ở đồi Vọng Cảnh nhìn ra sông Hương, hay ở những khu rừng yên bình xanh tươi xây dựng các tịnh thất nhỏ để hành thiền. Nếu có kế hoạch như thế, Huế sẽ tăng sức hấp dẫn của du lịch tâm linh./

Các tin khác