Các quỹ mở của VinaCapital còn hiệu quả sau bão giảm giá 2022?

(ĐTTCO) - Dù đối mặt với năm cực kỳ khó khăn nhưng tài sản của các quỹ mở do VinaCapital quản lý vẫn thu hút được 38.000 nhà đầu tư trực tiếp. 
Các quỹ mở của VinaCapital còn hiệu quả sau bão giảm giá 2022?

38.000 NĐT trực tiếp

CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) vừa công bố kết quả kinh doanh của các quỹ mở trong giai đoạn 1 năm và 3 năm gần nhất, bao gồm: Quỹ Đầu tư CP tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF), Quỹ Đầu tư CP Hưng Thịnh VinaCapital (VEOF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) và Quỹ Đầu tư TP Bảo Thịnh VinaCapital (VFF).

Tính đến ngày 31-12-2022, lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất của VESAF đạt 16,6%/năm, theo sau là VEOF với mức lợi nhuận 12,7%/năm. Cả 2 quỹ CP này đều đạt hiệu suất vượt xa chỉ số tham chiếu VN Index có mức tăng trung bình 3 năm gần nhất là 1,6%/năm.

Trong khi đó, VIBF ghi nhận mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 10,9%/năm, vượt trội so với chỉ số tham chiếu là 3,6%/năm. Tương tự, VFF đạt mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 7,1%/năm, trong khi chỉ số tham chiếu đạt 5,3%/năm.

Tổng tài sản của 4 quỹ mở VinaCapital kể trên hiện đạt 3.215 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, VESAF đạt 994 tỷ đồng, VEOF đạt 877 tỷ đồng, VIBF đạt 496 tỷ đồng và VFF đạt 848 tỷ đồng. Các quỹ đã thu hút hơn 38.000 NĐT tính đến ngày 31-12-2022.

Soi danh mục đầu tư

Được biết, VESAF chủ yếu đầu tư vào các CP niêm yết của những công ty có vốn hóa vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tốt với lợi thế cạnh tranh nhờ chiến lược kinh doanh và phân khúc thị trường riêng biệt.

Tính cuối năm 2022, tài sản của quỹ được đầu tư vào CP thuộc ngành công nghiệp (14,6%), vật liệu (14,4%), tài chính (13,2%), công nghệ (12,2%), tiêu dùng thiết yếu (7,9%), tiêu dùng không thiết yếu (6,5%), bất động sản (6,2%), năng lượng (3,7%), và tiện ích (3,0%), Các mã CP có tỷ trọng cao nhất mà VESAF đang nắm giữ là FPT, MWG và MBB.

VEOF chủ yếu đầu tư vào các CP niêm yết của những công ty đầu ngành có vốn hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh khác biệt và tiềm năng tăng trưởng tốt nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn tăng trưởng của VN Index cho nhà đầu tư dài hạn.

Theo thống kê, tài sản của VEOF được phân bổ vào các ngành tài chính (21,2%), tiêu dùng không thiết yếu (11,7%), công nghiệp (10,8%), công nghệ (9,4%), vật liệu (9,3%), bất động sản (8,7%), tiện ích (5,2%), tiêu dùng thiết yếu (4,2%) và y tế (3,6%). Danh mục của quỹ này bao gồm các mã CP có tỷ trọng cao nhất của VEPF hiện là FPT, VCB và MWG.

Trong khi đó, VIBF là quỹ mở cân bằng, chủ yếu đầu tư vào TP, giấy tờ có giá có chất lượng tín dụng cao và CP niêm yết của các công ty có nền tảng vững mạnh và triển vọng lợi nhuận bền vững. Tài sản của VIBF được phân bổ 50% vào CP và 50% vào tài sản có thu nhập cố định theo chiến lược đầu tư của quỹ. VIBF chủ yếu đầu tư vào ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và tài chính.

Cuối cùng là VFF, quỹ mở chuyên đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định, bao gồm TP của các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và có tầm nhìn dài hạn; giấy tờ có giá và các công cụ đầu tư có thu nhập cố định. Tài sản của quỹ được đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và tiện ích.

Vẫn duy trì được lợi nhuận dù không còn cao

Theo thống kê, lợi nhuận trung bình hằng năm của VESAF từ khi thành lập ngày 24-4-2017 đến thời điểm cuối năm 2022 là 12,7%/năm, gần gấp đôi chỉ số tham chiếu trong cùng giai đoạn này là 6,5%/năm.

Tương tự, lợi nhuận trung bình hằng năm của VIBF từ khi thành lập ngày 1-7-2019 đến thời điểm báo cáo là 9,2%/năm, so với lợi nhuận tham chiếu trong cùng giai đoạn này là 3,5%/năm.

Lợi nhuận trung bình hằng năm của VEOF từ khi thành lập ngày 1-7-2014 đến thời điểm báo cáo là 9,1%/năm, so với lợi nhuận tham chiếu là 6,7%/năm trong cùng giai đoạn này.

Cuối cùng, lợi nhuận trung bình hằng năm của VFF từ khi thành lập ngày 1-4-2013 đến thời điểm hiện tại là là 7,7%/năm, so với mức lợi nhuận tham chiếu trong cùng giai đoạn này là 4,4%/năm.

Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc VCFM, cho biết các quỹ mở do VinaCapital quản lý đã tiếp tục mang lại lợi nhuận dài hạn vượt trội so với các chỉ số tham chiếu. Rất ít quốc gia có thể vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ như Việt Nam. Vì thế, chúng tôi tự tin về các cơ hội đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư CK và TP của VinaCapital, trong 2 năm vừa qua, các quỹ mở VinaCapital đều có lợi nhuận vượt trội so với chỉ số tham chiếu dù thị trường tăng hay giảm, nhờ tuân thủ quy trình đầu tư dựa trên nghiên cứu chuyên sâu, phân bổ danh mục hiệu quả và quản trị rủi ro chặt chẽ.

BOX: Được thành lập vào năm 2003, VinaCapital hiện là tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 3,7 tỷ USD.

Các tin khác