Triết lý sở hữu 99 năm  

(ĐTTCO) - Một trong những điều khiến tôi thắc mắc và cố gắng tìm hiểu khi mới chân ướt chân ráo đến Singapore cách đây 25 năm, là đa số người dân đảo Sư tử đều sống trong những khu chung cư của nhà nước (HDB), với quyền sở hữu 99 năm.
Người Singapore kỳ vọng vào chương trình đổi mới căn hộ và tái định cư (SERS) để có thêm thu nhập và kéo dài thời hạn sở hữu.
Người Singapore kỳ vọng vào chương trình đổi mới căn hộ và tái định cư (SERS) để có thêm thu nhập và kéo dài thời hạn sở hữu.
 Thời hạn sở hữu HDB bắt đầu từ năm số 0 nếu đây là căn hộ mới, nhưng nếu mua lại căn đã có người ở một thời gian, chẳng hạn 20 năm, người chủ mới chỉ còn được sở hữu 79 năm.
Nguyên tắc này cũng áp dụng với hầu hết căn hộ tư nhân thuộc các dự án bất động sản (BĐS) không thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Và đó cũng chính là lý do tôi không “khoái” lắm với chuyện định cư ở Singapore, dù trong thời gian đó quy định về việc người nước ngoài mua BĐS không quá ngặt nghèo như trong 10 năm trở lại đây.
Nhưng rồi tư duy của tôi đã thay đổi khi bà xã đưa con gái vừa thôi nôi từ Việt Nam sang. Tôi vẫn còn nhớ tối hôm đó đứng ngoài hành lang trước cửa căn hộ HDB tôi đã thuê trước đó 4 tháng, nghe tiếng con khóc mẹ dỗ, tôi chạnh lòng nghĩ về hoàn cảnh của mình khi phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu với 2 bàn tay trắng nơi đất khách quê người. Tôi tự nhủ còn nhiều việc phải làm ở Singapore  và lo cho tương lai của con nữa. 
“Bà xã à, em nói đúng. Mình phải mua nhà để an cư lạc nghiệp thôi” - tôi nói khi quay vào nhà và vợ tôi thở phào với quyết định này, nhất là giờ đây chồng mình đã được cấp thường trú nhân nhờ tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học công lập Singapore.
Căn hộ chúng tôi mua được chính phủ Singapore xây dựng xong năm 1965. Vào thời điểm chúng tôi nhận chìa khóa, căn hộ này đã “trạc ngoại tứ tuần”. Vậy mà 5 năm sau, chúng tôi chỉ mất có 1 tuần để bán căn hộ này cho 1 thường trú nhân người Đài Loan với mức “lãi” đến 90%. Vợ chồng tôi dùng tiền bán căn hộ rồi vay thêm ngân hàng để mua căn khác lớn hơn. Căn hộ mới chúng tôi ở từ đó đến nay đã được hơn 10 năm và hiện nay số năm sở hữu là 72. Giá trị các căn hộ  chúng tôi đã mua và bán đều luôn ở mức ổn định và có xu hướng tăng.
Một điều thú vị khác là những căn hộ HDB chỉ còn thời hạn sở hữu 30 năm vẫn không mất giá, được nhiều người Singapore tìm mua với kỳ vọng vào chương trình đổi mới căn hộ và tái định cư (SERS). Theo đó, các khu chung cư HDB sẽ được đập bỏ để xây cao hơn trên nền đất trước đây, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất, nhờ vậy quyền sở hữu sẽ lại bắt đầu từ năm số 0. 
Tuy nhiên, khi chính phủ Singapore tuyên bố có thể không triển khai SERS, mà chỉ đơn thuần lấy lại HDB sau khi hết thời gian sở hữu 99 năm. Điều này đã được cảnh báo trên blog ngày 24-3-2017 của ông Lawrence Wong trên cương vị Bộ trưởng Phát triển Quốc gia, rằng người mua nhà không nên giả định tất cả căn hộ HDB cũ sẽ tự động đủ điều kiện cho SERS.
Phát biểu của ông Wong đã dấy lên phản ứng của một bộ phận không nhỏ người dân Singapore. Theo trợ lý giáo sư Ng Kok Hoe của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, dù các điều khoản pháp lý về thời hạn sở hữu 99 năm rất rõ ràng, thông điệp của ông Wong khiến người Singapore cảm thấy chính phủ bất nhất trong lời hứa, đã tạo nên sự bất an và lo lắng của công chúng. Viễn cảnh chính phủ vẽ lên trước khi ông Wong đưa ý kiến trên là căn hộ HDB không chỉ là ngôi nhà còn là tài sản đáng giá sẽ phát triển song song với sự thịnh vượng ngày càng tăng của Singapore.
Sức nóng của các cuộc thảo luận xung quanh thời hạn sở hữu HDB  khiến Thủ tướng Lý Hiển Long phải  tỏ rõ quan điểm của chính phủ trong bài phát biểu nhân Quốc khánh Singapore vào tháng 8-2018. Ông cho rằng người Singapore phải công bằng cho các thế hệ tương lai. Sau 99 năm, nhà nước phải có quỹ đất mới để tái phát triển đất và xây dựng nhà ở cho các thế hệ tương lai, và đây là cách duy nhất để đảm bảo cho tất cả người Singapore có thể sở hữu căn hộ HDB mới. Nếu để người dân sở hữu vĩnh viễn, sớm muộn chính phủ sẽ không còn đất để xây dựng mới. 
Theo ông Lý, lý do thực tế khiến nhà nước không thể gia hạn hợp đồng thuê là hệ thống hạ tầng chung cư sau 50 năm sẽ lỗi thời với chi phí bảo trì rất cao, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Vì vậy, tốt hơn cứ để người dân sở hữu có thời hạn để nhà nước có thể xây dựng lại những căn hộ, dãy phố, đô thị mới hơn, tốt hơn, đáng sống hơn - phù hợp hơn với những gì thế hệ sau mong đợi.
Thật ra, 99 năm là khoảng thời gian rất dài. Rất ít chủ sở hữu HDB ngày nay sẽ sống lâu hơn thời hạn này. Đối với các căn hộ bán lại, với những căn hộ lâu đời nhất của Singapore có tuổi đời nhiều nhất 52 năm, nó còn thời hạn sở hữu ít nhất 47 năm nữa.
Dựa trên phân tích của ông Lý, xem ra tôi vẫn còn may mắn vì nếu tôi quyết định về hưu trong 10 năm nữa, căn hộ HDB hiện nay của tôi vẫn còn thời hạn sở hữu trên 60 năm nữa. Nếu theo cách của người Singapore, khi về hưu tôi sẽ bán căn hộ hiện nay rồi mua căn nhỏ và dùng số tiền dôi ra để tận hưởng tuổi già.
Nếu vợ chồng tôi qua đời  trước khi thời hạn sở hữu HDB chấm dứt, con gái tôi sẽ thừa kế căn hộ với số năm còn lại.  Nhưng nói vậy thôi bởi con gái tôi từ nhỏ đã được giáo dục không nên sống dựa dẫm vào người khác và nếu lập gia đình cháu cũng sẽ có cơ hội sở hữu 1 căn HDB.
Một số người Singapore cho rằng sở hữu HDB có thời hạn có khác chi hợp đồng thuê như được thể hiện qua thuật ngữ tiếng Anh “lease” (cho thuê). Tuy nhiên theo trang web gov.sg của chính phủ Singapore, nhận định như thế không phù hợp vì một số lý do sau: a) Sở hữu nhà với thời hạn thuê ngắn hơn cũng phổ biến ở Hồng Kông hay Australia; b) Chủ sở hữu có thể cho thuê căn hộ của mình và giữ tiền thu được từ căn hộ; c) Người chủ có thể bán căn hộ của mình và giữ số tiền thu được từ nó hay nâng cấp lên căn hộ lớn hơn hoặc chuyển sang căn hộ nhỏ hơn; d) Chủ sở hữu có thể cải tạo và trang trí lại căn hộ HDB của mình không cần xin phép; e) Chủ sở hữu không phải  trả tiền thuê hàng tháng cho chính phủ để sống trong các căn hộ HDB. 
     

Các tin khác